“Chim phượng đỏ”- huyện phía Tây Bắc thành phố Hà Nội: Huyện Đan Phượng
Huyện Đan Phượng là huyện có hệ thống sông Hồng, sông Đáy chảy qua. Xưa kia là ngã ba sông (sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy) nên địa hình của huyện tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đất phù sa. Chiều cao trung bình từ 6-8m. Huyện Đan Phượng hiện có 16 đơn vị hành chính cơ sở, gồm huyện lỵ và thị trấn Phùng và 15 xã: Đan Phượng, Đồng Tháp, Hạ Mỗ, Hồng Hà, Liên Hà, Liên Hồng, Liên Trung, Phương Đình, Song Phượng, Tân Hội, Tân Lập, Thọ An, Thọ Xuân, Thượng Mỗ, Trung Châu. Theo số liệu điều tra ngày 31/12/2016 của Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, diện tích tự nhiên toàn huyện là 7.800,4ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 3.416,2ha (chiếm 43,8%), đất chuyên dùng là 1.159,9ha (chiếm 14,9%), đất ở là 1.057,6ha (chiếm 13,6%). Về dân số, tính đến ngày 31/12/2016 theo số liệu điều tra của Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, toàn huyện có 158.900 người (trong đó, nam: 74.700 người; nữ: 84.200 người; dân cư thành thị: 10.400 người, dân cư nông thôn: 148.500 người), mật độ dân số: 2.053 người/km2, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1,08%.
Tìm hiểu cụ thể về sự hình thành, diên cách của huyện Đan Phượng chúng ta sẽ có cái nhìn tổng quan về một huyện phía Tây Bắc thành phố Hà Nội. Vào thời Hùng Vương – An Dương Vương, vùng đất huyện Đan Phượng hiện nay thuộc bộ Giao Chỉ - một trong 15 bộ của nước Văn Lang – Âu Lạc. Thời Bắc thuộc, từ sau năm 179 TCN đến thời thuộc Tuỳ (602 - 618), vùng đất huyện Đan Phượng thuộc quận Giao Chỉ, thời thuộc Đường (618 - 905) đổi làm châu Giao Chỉ thuộc An Nam đô hộ phủ. Qua các thời Ngô – Đinh - Tiền Lê đến Lý (thế kỷ X – XIII), vùng đất huyện Đan Phượng hiện nay chủ yếu thuộc châu Quốc Oai. Dưới thời Trần (1226 - 1400), Hồ (1400 – 1407), vùng đất huyện Đan Phượng thuộc lộ (sau đổi thành trấn) Quốc Oai… Vào thời Nguyễn, đầu thế kỷ XIX, vùng đất huyện Đan Phượng hiện nay chủ yếu thuộc địa giới của huyện Đan Phượng và một phần huyện Từ Liêm, đều thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Sau cải cách hành chính của vua Minh Mệnh (năm 1831), tỉnh Sơn Tây được thành lập gồm 5 phủ, 1 phân phủ, 21 huyện; tỉnh Hà Nội gồm 4 phủ, 15 huyện. Từ đó đến cuối thế kỷ XIX, huyện Đan Phượng thuộc phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Ngày 19/7/1888 Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội. Ngày 03/10/1888, Toàn quyền Đông Dương Guillaume Richaud đã phê chuẩn đạo Dụ ngày 01/10/1888 của vua Đồng Khánh, chính thức thừa nhận Hà Nội là “nhượng địa” của chính quyền Pháp. Thành phố Hà Nội lúc này bao gồm địa giới hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương của phủ Hoài Đức cũ. Huyện Đan Phượng thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Ngày 16/12/1896, tỉnh lỵ Hà Nội được chuyển về làng Cầu Đơ huyện Thanh Oai (nay thuộc quận Hà Đông) và đến ngày 03/5/1902 thì chuyển thành tỉnh Cầu Đơ. Huyện Đan Phượng thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Cầu Đơ.
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1954, huyện Đan Phượng thuộc tỉnh Hà Đông. Theo Nghị định số 168-NV-QP/NgĐ, ngày 20/10/1947 của Liên Bộ Nội vụ và Quốc phòng, huyện Đan Phượng được đặt dưới quyền điều khiển của Uỷ ban Kháng chiến kiêm Hành chính thành phố Hà Nội về phương diện hành chính và kháng chiến. Theo Nghị định số 243-NV/QP/NgĐ của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng huyện Đan Phượng do tỉnh Hà Đông quản lý về phương diện hành chính và kháng chiến. Khoảng tháng 4/1954, theo Quyết định của Liên khu uỷ Liên khu III, huyện Đan Phượng được tái lập thuộc tỉnh Sơn Tây. Đến tháng 8/1954, huyện Đan Phượng được cắt chuyển về tỉnh Hà Đông. Theo Quyết định số 103-NQ-TVQH ngày 21/4/1965 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Hà Tây được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây. Huyện Đan Phượng thuộc tỉnh Hà Tây. Ngày 27/12/1975, Quốc hội khoá V, kỳ họp thứ 2 đã thông qua Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Hà Tây và Hoà Bình, lấy tên là tỉnh Hà Sơn Bình, huyện Đan Phượng thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.
Ngày 29/12/1978, Quốc hội khoá IV, kỳ họp thứ 4 đã thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập một số huyện, thị xã, xã và thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình và tỉnh Vĩnh Phú vào thành phố Hà Nội, trong đó có toàn bộ huyện Đan Phượng. Từ đó đến năm 1991 huyện Đan Phượng thuộc thành phố Hà Nội. Ngày 12/8/1991, Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 9 đã ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới của thủ đô Hà Nội, trong đó chuyển huyện Mê Linh về tỉnh Vĩnh Phúc, thị xã Sơn Tây và 5 huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì và Thạch Thất về tỉnh Hà Tây (được tái lập theo cùng nghị quyết). Từ đó huyện Đan Phượng thuộc tỉnh Hà Tây.
Ngày 29/5/2008, Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết số 15 về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, trong đó hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Quyết định mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2008. Từ đó đến nay, huyện Đan Phượng là một trong 30 quận, huyện và thị xã thuộc thành phố Hà Nội.
Huyện Đan Phượng đã được phong các danh hiệu: Huyện Anh hùng lực lượng vũ trang; Huyện Anh hùng Lao động; Huyện Nông thôn mới đầu tiên của Thủ đô Hà Nội.
Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu kỹ hơn về địa chí rút gọn của huyện Đan Phượng, hãy chờ và tìm đọc“Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Tập sách dày 1.000 trang, là tài liệu tham khảo có ý nghĩa cho độc giả muốn tìm hiểu về di sản văn hiến của một huyện phía Tây Bắc Hà Nội - huyện Đan Phượng, tên huyện theo nghĩa gốc Hán có nghĩa là “chim phượng đỏ”.
Qua tập sách tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội này, chúng ta sẽ có cái nhìn tổng quát về vị trí địa lý, lịch sử diên cách, các đặc điểm nổi bật về lịch sử, kinh tế, văn hoá, các di sản văn hoá vật thể - phi vật thể đã và đang tồn tại tại huyện Đan Phượng. Mời các bạn đón đọc “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ”.
Anh Thư