Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Huyện phía Tây thành phố Hà Nội nơi lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng: Huyện Hoài Đức
Thứ sáu, 15/11/2019 08:56

Huyện Hoài Đức nằm về phía Tây thành phố Hà Nội, phía Đông giáp quận Hà Đông, Nam Từ Liêm; phía Tây giáp các huyện Phúc Thọ, Quốc Oai; phía Nam giáp quận Hà Đông và huyện Quốc Oai; phía Bắc giáp các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ và quận Bắc Từ Liêm (các quận huyện trên đều thuộc thành phố Hà Nội). Huyện được thành lập theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc Hội khoá XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Từ đó đến nay, huyện Hoài Đức có địa giới hành chính không đổi.

 Huyện Hoài Đức hiện nay có 20 đơn vị hành chính cơ sở, gồm huyện lỵ và thị trấn Trạm Trôi và 19 xã: An Khánh, An Thượng, Cát Quế, Đắc Sở, Di Trạch, Dương Liễu, Đông La, Đức Giang, Đức Thượng, Kim Chung, La Phù, Lại Yên, Minh Khai, Sơn Đồng, Song Phương, Tiền Yên, Vân Canh, Vân Côn, Yên Sở. Theo số liệu điều tra ngày 31/12/2016 của Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, diện tích đất tự nhiên toàn huyện là 8.493,2ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 4.457,8ha (chiếm 52,5%), đất chuyên dùng là 1.541,8ha (chiếm 18,2%), đất ở là 2.015,2ha (chiếm 23,7%). Về dân số, tính đến ngày 31/12/2016 theo số liệu điều tra của Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, toàn huyện có 221.600 người (trong đó, nam: 105.600 người; nữ: 116.000 người; dân cư thành thị: 6.200 người, dân cư nông thôn: 215.400 người), mật độ dân số: 2.642 người/km2, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1,22%.

          Tìm hiểu cụ thể về sự hình thành, diên cách của huyện Hoài Đức chúng ta sẽ có cái nhìn tổng quan về một huyện phía Tây thành phố Hà Nội. Tên gọi Hoài Đức, có từ năm 622 đời Đường, niên hiệu Vũ Đức do huyện Tống Bình tách ra làm 2 huyện Giao Chỉ và Hoài Đức. Năm 627: Hợp nhất các huyện Hoàng Giáo, Giao Chỉ và Hoài Đức thành huyện Tống Bình. Thời Lý - Trần, phần đất huyện Hoài Đức hiện nay thuộc châu Từ Liêm và huyện Từ Liêm, phủ Đông Đô, lộ Đông Đô. Thời Lê, phần đất huyện Hoài Đức hiện nay thuộc huyện Đan Phượng và huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây…

          Ngày 29/5/2008, Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết số 15 về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, trong đó hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Quyết định mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2008. Từ đó đến nay, huyện Hoài Đức là một trong 30 quận, huyện và thị xã thuộc thành phố Hà Nội.

          Hoài Đức là huyện nằm trong một miền đất cổ, nơi có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Cùng với quá trình hình thành và phát triển, huyện đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Đây là tài sản vô giá của các thế hệ trước truyền lại cho các thế hệ sau, đồng thời, có vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

          Hiện nay, toàn huyện có 430 di tích thuộc các loại hình kiến trúc nghệ thuật, văn hóa, lịch sử kháng chiến, tôn giáo tín ngưỡng, đã có 92 di tích được xếp hạng (trong đó 68 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 24 di tích được xếp hạng cấp thành phố) và nhiều di chỉ khảo cổ có niên đại trải dài từ thời đại đồ đá mới, thời đại đồng thau đến thời kỳ Bắc thuộc. Tiêu biểu như: Di chỉ khảo cổ Vinh Quang (xã Cát Quế) thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên; Di chỉ khảo cổ Vườn chuối (xã Kim Chung), Chùa Gio (xã An Thượng), thuộc các nền văn hóa Gò Mun, Đồng Đậu, Đông Sơn.... đình Giá Lưu Xá, đền Di Trạch, đình chùa Đại Tự (xã Kim Chung), quán Giá (xã Yên Sở)...

          Đặc biệt, trên địa bàn huyện có Nhà Lưu niệm Bác Hồ tại xã Vân Canh - nơi dừng chân đầu tiên, ghi dấu lưu niệm Bác Hồ và các đồng chí Trung ương Đảng về làm việc trên chặng đường trường kỳ kháng chiến. Đêm ngày 26/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cơ quan bí mật chuyển về ngôi nhà của cụ Nguyễn Thông Phúc, ở làng Hậu Ái xã Thọ Nam (nay là xã Vân Canh) huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội ở và làm việc. Đây cũng là nơi phong trào phát triển mạnh thuộc vùng An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong thời gian ở Hậu Ái, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ giải quyết nhiều việc hệ trọng của đất nước và khẩn trương chuẩn bị trường kỳ kháng chiến.

          Về lễ hội, huyện Hoài Đức có 43 lễ hội được tổ chức định kỳ hằng năm, mỗi xã, thị trấn đều có lễ hội truyền thống riêng. Cùng với lễ hội, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang đậm bản sắc của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ được duy trì và phát triển như Ca Trù, hát Chèo, tiêu biểu nhất là diễn xướng Ca Trù (tại thôn Ngãi Cầu xã An Khánh).

          Các di tích, danh lam nổi tiếng của huyện Hoài Đức: Quán Giá, Quán Linh Tiên,Tượng đài Sấu Giá, Chùa giáo, Lăng quận công Phạm Mẫn Trực, Lăng quận công Phạm Đôn Nghị, Đình Kim Hoàng, Chùa, Đình, Quán Lại Yên, Đình Tiền Lệ, Chùa Hương Trai, Chùa Đại Phúc…

          “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên dày 1.000 trang là đề tài thuộc mảng sách Tư liệu tổng hợp của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Qua tập sách tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội này, chúng ta sẽ có cái nhìn tổng quát về vị trí địa lý, lịch sử diên cách, các đặc điểm nổi bật về lịch sử , kinh tế, văn hoá, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đã và đang tồn tại tại huyện Hoài Đức. Để có cái nhìn cụ thể hơn về huyện phía Tây thành phố Hà Nội nơi lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, bạn đọc có thể tìm đọc “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ”.

Thúy An

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá