Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Vài nét về lễ hội chùa Hương - một giá trị văn hoá tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội
Thứ sáu, 15/11/2019 08:56

 Lễ hội chùa Hương một trong 10 lễ hội tiêu biểu được lựa chọn giới thiệu trong cuốn sách“Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” do TS. Nguyễn Viết Chức chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Lễ hội chùa Hương là một lễ hội vào loại hoành tráng nhất cả nước vì thời gian hội kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân, địa bàn không gian và số người dự hội du xuân lên đến con số hàng chục vạn, có mùa hội hàng triệu du khách.

Chùa Hương là tên gọi chung cho một quần thể chùa tháp hang động, đền, miếu trải rộng trên phạm vi 500ha thuộc địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Quần thể chùa tháp hang động được phân thành 3 tuyến hành hương. Tuyến Thiên Hương xuất phát từ bến Đục, lên bờ ở bến Trò bao gồm 8 di tích: đền Trình, chùa Thiên Trù (còn gọi là chùa Trò), động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng, động Hương Tích, động Hinh Bồng, động Đại Binh. Tuyến Long Vân xuất phát từ bến Đục, lên bờ ở bến Thanh Sơn bao gồm 6 di tích: động Thanh Sơn, chùa Hương Đài, chùa Long Vân, hang Thánh Hoá, động chùa Cây Khế, động Sũng Sàm. Tuyến chùa Tuyết xuất phát từ bến Núi Hàm Rồng, lên bờ ở bến chùa Bảo Đài, bao gồm 2 di tích: chùa Bảo Đài, động Ngọc Long, chùa Tuyết Sơn.

          Ngày 6 tháng Giêng âm lịch: khai hội chùa Hương. Đây nguyên xưa là lễ hội mở cửa rừng của làng Yên Vĩ, nay là ngày chính thức khai hội chùa Hương. Ngày khai hội này mặc dù chỉ diễn ra sau Tết âm lịch chưa đầy một tuần, song đã có hàng vạn du khách đến tham dự. Lễ hội có sự tham gia của lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh, cấp thành phố, nhiều năm có các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình quốc gia Việt Nam. Đây cũng có thể coi là ngày khai hội ở một lễ hội thuộc loại hoành tráng nhất cả nước.

          Ngày 18 tháng Hai âm lịch là chính hội, chính là lễ khánh đản của bà chúa Ba. Ngày này tổ đình Hương Sơn chủ trì làm lễ chạy đàn, thu hút hàng trăm tăng ni phật tử cả nước đến tham dự tại chùa Thiên Trù. Lễ chạy đàn Mông Sơn dành cho các cô hồn ăn mày cửa Phật.

          Sau lễ cúng Phật, hoà thượng trụ trì đi tới đàn cúng. Nghi thức đầu tiên là đi quanh đàn lễ, nghi thức cuối cùng là tục cướp cháo cúng của chúng sinh. Tối ngày 18 tháng Hai lễ khánh đản bà chúa Ba (còn gọi là Phật bà chùa Hương) diễn ra tại hai địa diểm: sân chùa Thiên Trù và động chùa Hương Tích. Tại sân chùa Thiên Trù có diễn chèo Sự tích bà chúa Ba. Sau đó là mạn tụng kinh của phật tử. Đến 23h, một đoàn các nhà sư được mời cùng hoà thượng trụ trì hành hương chừng 2km để lên động Hương Tích. Đoàn dùng đuốc để soi đường, vừa đi vừa tụng kinh niệm Phật.

          Tiếp theo sau là đoàn Phật tử đông vô kể với áo the nâu nối dài cũng vừa đi vừa niệm Phật. Đến 24h, đoàn sư tăng đến động Hương Tích, buổi lễ bắt đầu bằng bài thuyết giảng của hoà thượng trụ trì. Tiếp đó các nghi thức Mật tông miệng niệm chú, tay kết ấn, mắt chăm chú được thực hiện bởi đoàn sư tăng và tất cả các phật tử có mặt cùng tham dự. Khoảng nửa giờ sau, hoà thượng trụ trì nhúng cành lá vào cốc nước sạch tượng trưng cho nước Cam Lộ của nhà Phật vẩy lên bàn lễ và vẩy lển chúng sinh có mặt để ban phước lộc của Đức Quan Thế Âm Bồ tát. Quang cảnh thật sống động dưới ánh sáng của hàng chục bó đuốc và điện đèn bật sáng, cả một biển người trong vòm động dạt dài như sóng xô gió nổi của niềm cảm hứng Phật pháp vô biên. Lễ khánh đản bà chúa Ba còn tiếp diễn bằn màn đọc kinh Di Đà của đoàn sư tăng và phật tử mộ đạo đến mờ sáng ngày 19 tháng Hai mới kết thúc. Thật là một ấn tượng nhớ đến suốt đời cho những ai dù chỉ một lần tham dự lễ hội chùa Hương.

          Còn phần hội chùa diễn ra suốt 3 tháng mùa xuân. Khách du lịch đến với chùa Hương ngoài nhu cầu tham dự lễ hội còn có nhu cầu tham quan thắng cảnh Hương Sơn, đến với những ngôi chùa đẹp, đọc những bài thơ hay. Vì vậy, dù đã hết mùa lễ hội, chùa Hương vẫn tiếp tục đón hàng nghìn, hàng vạn du khách từ khắp nơi trong cả nước và từ khách quốc tế. Mùa lễ hội chùa Hương vì thế mà nổi tiếng chẳng riêng đất Thăng Long mà trên toàn quốc và quốc tế nữa.

Thăng Long – Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi văn hoá của cả nước đồng thời là nơi thu nhận và thâu tóm tinh hoa văn hoá các vùng miền đất nước. Lễ hội, trò chơi và trò diễn Thăng Long – Hà Nội có số lượng lớn và chất lượng cũng ở dạng tuyệt hảo, tiêu biểu, tượng trưng cho tinh hoa văn hoá của cả nước. Tất cả lễ hội, trò chơi, trò diễn tạo nên bản sắc văn hoá của Thăng Long – Hà Nội. Tập sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” là một tập thuộc bộ sách 5 tập “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu về lễ hội chùa Hương - một trong 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội Thăng Long – Hà Nội đến với bạn đọc. Để tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn và đầy đủ hơn về 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội Thăng Long – Hà Nội (10 lễ hội mang tính tiêu biểu, đại diện nhất): Lễ hội chùa hương, lễ hội đền Gióng, lễ hội đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh, lễ hội Cổ Loa, lễ hội đền Và, lễ hội chùa Thầy, lễ hội Giám, lễ hội đền Sái, lễ hội làng Đăm, lễ hội làng Lệ Mật, độc giả hãy tìm đọc cuốn sách này. Hy vọng khi cuốn sách được ra mắt bạn đọc sẽ mang đến nhiều thông tin thú vị về văn hoá Thăng Long – Hà Nội cho những người yêu Hà Nội, muốn tìm hiểu về Hà Nội.

Huy Giang

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá