Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Trò thi kéo lửa làng Từ Vân - một giá trị văn hoá tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội
Thứ sáu, 15/11/2019 08:56

Tập sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” là một tập thuộc bộ sách 5 tập “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Trong cuốn sách, bạn đọc sẽ được tìm hiểu 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian trong hàng trăm lễ hội, hàng trăm trò chơi và trò diễn Thăng Long xưa - Hà Nội nay. Về trò chơi, cuốn sách giới thiệu 10 trò chơi mang tính tiêu biểu, đại diện nhất: Trò kéo lửa làng Từ Vân, trò thi đẩy gậy làng Bộ Đầu, trò bắt chạch trong chum làng Bạch Trữ, trò kéo mỏ hội làng Ngải Khê, trò vật lầu trùng trinh của đồng bào Mường xã Tiến Xuân, trò ném giỏ hội làng Ninh Hiệp, trò thổi cơm thi làng Thị Cấm, trò “ội ại” trong hội làng Miêng Hạ, trò thi thả diều làng Bá Giang, trò thi bắt vịt trên sông trong hội làng Chuôn Ngọ.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu vài nét sơ lược của trò kéo lửa làng Từ Vân. Hội chùa làng Từ Vân xưa diễn ra vào 2 ngày 5 và 6 tháng Giêng, có nhiều trò chơi như trò đấu gậy, trò bắt vịt, trò thổi cơm thi nhưng đặc sắc và có ý nghĩa hơn cả là trò thi kéo lửa. Vì vậy, nhắc đến hội chùa Từ Vân, một ngôi chùa thờ Pháp Lôi (bà Sấm), người ta lại nhớ đến trò thi kéo lửa nhằm lấy lửa thắp nến thờ, đèn thờ, nhang thờ và lấy lửa đốt đuốc cho trò thổi cơm thi dâng lên cúng thánh.

          Trò thi kéo lửa giữa 3 xóm của làng Từ Vân là cuộc thi tài giữa 3 chàng trai cường tráng chưa vợ do dân 3 xóm cử ra. Từ trước Tết âm lịch nhiều ngày, những người sẽ tham dự cuộc chơi đã phải vót sẵn cho mình một thanh giang cật giả múp bầu như chiếc đũa dài. Họ còn tìm kiếm một nửa gốc tre đực già đã mục, đục thành lỗ sinh lửa và khoét võng lòng chảo làm nơi chứa bùi nhùi gồm nắm vụn rơm khô kiệt. Toàn bộ chiếc bơn này được bao bằng giấy màu tươm tất, gọn ghẽ để người dự thi dễ dàng bê đặt lên bục thi tài.

          Ngày khai hội, thời xưa là mùng 5, ngày nay là mùng 6 và hội chỉ diễn ra trong 1 ngày, cuộc thi kéo lửa diễn ra ngay từ lúc 8h sáng khai mạc hội chùa. Ba thanh niên cường tráng đại diện cho 3 xóm với trang phục toàn đỏ gồm mũ, áo, quần và thắt lưng bước ra vái trước ban thờ Phật thánh, trước ban điều hành hội, trước dân làng và du khách xem hội, rồi tiến đến vị trí cạnh chiếc bục cao kê trước sân chùa. Ông cầm trịch đánh 1 tiếng trống phát lệnh, cuộc thi bắt đầu tính giờ. Đầu tiên cả 3 ứng thí đều phải rướn hết sức, đặt que hương cầm ở tay phải lên cao phía trên đầu để châm vào ngòi pháo nổ. Ai đốt nổ được pháo, người đó bắt đầu hành trình kéo lửa. Để nắm cho chặt đầu thanh giang kéo lửa họ phải dùng đến tay kéo gồm 2 khấc tre già cột dây cao su đàn hồi. Đến khi tay kéo đủ độ ma xát, họ phải bê cái bờn lửa lên cao ngang mặt, để ghé miệng thổi hơi cho ngọn lửa bùng lên. Và lúc ấy, ngọn lửa nào bùng lên trước nhất, chàng trai ở bờn lửa ấy sẽ là người thắng cuộc và nhận được giải thưởng của làng. Thường thì cuộc thi kết thúc chóng vánh, chỉ sau chừng 5 phút, ngọn lửa thần đã bất ngờ thức dậy. Và từ ngọn lửa thần ấy, người ta nhanh chóng thắp đèn thờ, thắp nhang thờ sáng choang đại điện. Ngọn lửa ấy cũng được châm cho các bó đuốc nứa vốn đã đứng chờ để 3 cô gái làng trong trang phục ngày hội ứng thí trò thổi cơm thi trên gánh niêu cơm đã tra nước, tra gạo sẵn của mình. Cuộc thi trò hội cứ thế tiếp diễn trong tiếng reo vui cổ vũ thật đông vui, và cũng thật náo nhiệt.

          Trong những trò thi của đất Hà Nội hiện nay thì có lẽ đây là một trò thi cổ xưa nhất ở đất Thăng Long – Hà Nội. Trò thi phản ánh người Việt xa xưa phải dùng cách cọ xát, cách va đập các loại tre, giang, cuội, đá để lấy lửa từ cõi thiên nhiên bởi hồi đó con người chưa có bao diêm, chưa có các loại bật lửa và những nguyên liệu tạo lửa như bây giờ. Đây là một trò chơi giản dị, song thú vị, giàu ý nghĩa nhân văn bởi ngọn lửa chính là một trong những cội nguồn của cuộc sống nhân loại.

          Có thể thấy, khi đi sâu vào nội dung của hàng trăm lễ hội và trò chơi, trò diễn, người xem, người tham dự còn cảm nhận được dấu vết, ý nghĩa lịch sử qua các nhân vật lịch sử, qua các sự kiện lịch sử và qua các tích trò được khai sinh hoặc có nguồn gốc từ trong lịch sử. Vì vậy, cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” do TS. Nguyễn Viết Chức chủ biên được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019 sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho những độc giả muốn tìm hiểu về văn hoá Thăng Long – Hà Nội.

Thanh Giang

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá