Trong những năm xâm chiếm, thực dân Pháp đã tiến hành các hoạt động xây dựng ở Hà Nội với sự du nhập của các kỹ thuật xây dựng, hình thức kiến trúc và phương pháp quy hoạch phương Tây dẫn đến việc hình thành và cũng làm biến đổi những đặc điểm hình thái không gian truyền thống của Hà Nội. Hoàng thành cũ vốn là một thành phần chiếm ưu thế về hình thái không gian thì nay không còn nữa, trong khi đó “khu phố Tây” ngày càng phát triển và trở thành bộ phận quan trọng trong cấu trúc đô thị Hà Nội.
Các công trình xây dựng của Pháp tại Hà Nội được khởi đầu từ hai địa điểm là ở khu nhượng địa và ở khu Hoàng thành, từ đó đã hình thành nên khu phố Tây nằm ở vị trí nối tiếp giữa hai địa điểm trên, được mở rộng một phần về phía bắc (giáp với khu vực 36 phố phường) và phần lớn hơn về phía nam va phía tây.
Đầu tiên là việc mở đường phố Paul Bert (phố Tràng Tiền ngày nay) nối liền từ khu nhượng địa (phía đông) tới bờ Nam hồ Gươm (phía tây). Trên đường phố này đã xây dựng nhiều cửa hàng buôn bán, quán giải khát, khách sạn… được coi là đường phố được xây dựng đón đầu trục đường phía đông đồng thời đường phố cũng được phát triển dần về phía tây (phố Hàng Khay và Tràng Thi ngày nay).
Trong nửa đầu thế kỷ XX, khu phố này được hình thành dựa trên một mạng lưới đường phố kẻ ô vuông với các tuyến đường song song theo 2 hướng Bắc – Nam và Đông – Tây. Mạng lưới đường này còn được thấy rõ trên bản đồ Hà Nội hiện nay như sau:
- Từ bắc xuống nam có: Tràng Tiền – Tràng Thi (Paul Bert), Hai Bà Trưng (Rollandes), Lý Thường Kiệt (Carreau), Trần Hưng Đạo (Gambetta), Hàm Long (Doudard de la Greé), Nguyễn Du (Riquier)…
- Từ đông sang tây có: Lê Thánh Tông (Bobilliot), Phan Chu Trinh (Rialan), Ngô Quyền (Henri Riviere), Hàng Bài (Đồng Khánh), Bà Triệu (Gia Long), Quang Trung (Jaurigui Berry), Quán Sứ (Richaud), Phan Bội Châu (Colomb).
Đồng thời với việc mở rộng về phía nam, khu phố này còn được phát triển về phía tây – tây bắc, mà trước tiên là việc hình thành đường Điện Biên Phủ cắt qua khu Hoàng thành gần chạm tới góc Tây Nam của Cột cờ, và kéo dài lên tới Ba Đình.
Ở phần phía tây này cũng hình thành mạng lưới đường phố theo hình bàn cờ với các tuyến đường chủ yếu:
- Từ bắc xuống nam có: Phan Đình Phùng (Carmot), Lê Hồng Phoing (Giovaninelly), Trần Phú (Gallieni).
- Từ đông sang tây có: Hoàng Diệu (Pierre Pasquier), Chu Văn An (Van Vollenhoven), Hùng Vương (Briere de l’Isle).
Cấu trúc đô thị mới được hình thành vào đầu thế kỷ XX có thể nhận biết dễ dàng trên bản đồ tổng thể không gian đô thị Hà Nội và được đặc trưng bởi các yếu tố sau:
1. Hệ thống đường phố kiểu ô bàn cờ, khác với mạng lưới đường trong khu phố cổ (36 phố phường) ít nhiều mang tính chất tự phát với đường đi hẹp quanh co, chỗ rộng chỗ hẹp không thống nhất… Mạng lưới đường phố áp dụng để phát triển về phía nam hồ Gươm, được hoạch định trước với nhiều đường song song và vuông góc nhau, tạo thành những khu đất xây dựng tương đối vuông vắn kiểu ô bàn cờ. Mạng lưới đường phố này đã góp phần tạo nên một không gian đô thị khác hẳn không gian đô thị khu vực “36 phố phường”. Những đại lộ Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… được thiết kế là không gian rộng và có đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như: Mặt đường cho xe chạy, hè cho người đi bộ, dải đất trồng cây bóng mát, đèn chiếu sáng… đã tạo nên ấn tượng về sự khoáng đạt của đô thị, đồng thời thoả mãn nhu cầu đi lại của tuyến giao thông hiện đại mà trải qua gần một thế kỷ sử dụng vẫn không lạc hậu.
2. Các phong cách kiến trúc vốn chỉ thịnh hành ở châu Âu như: Kiến trúc Phục Hưng, cổ điển Pháp, Gôtích, Rômăng… được thể hiện trên một loạt công trình kiến trúc ở Hà Nội từ kiến trúc hành chính (Phủ Toàn quyền, Dinh Thống sứ, Toà án Tối cao…), kiến trúc văn hoá (nhà hát, bảo tàng, trường đại học…), các kiến trúc công cộng khác (bưu điện, bệnh viện, ngân hàng…) cho tới nhà ở (các loại biệt thự Pháp). Với những thủ pháp tạo hình không gian bề thế và trang nghiêm (của các công trình hành chính), mềm mại uyển chuyển (của các công trình văn hoá), ít nhiều được nghiên cứu cho thích hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới (ở bộ mái, các kết cấu tránh nắng, và mưa hắt…) đã tạo nên cho quần thể kiến trúc ở đây một sắc thái riêng, có “không khí” của kiến trúc Pháp vốn được coi là tao nhã, duyên dáng… Kiến trúc có sự chuyển hoá từ năm này qua năm khác, có đa dạng nhưng vẫn thống nhất và đạt tới được một sự định hình đủ vững chắc để không bị lẫn với những phong cách kiến trúc khác.
3. Một hệ thống không gian mở gồm các quảng trường, các vườn cây, hồ nước,… Liên hoàn với hệ thống không gian lưu thông các đại lộ có ý nghĩa đáng kể trong việc tạo nên cảnh quan đô thị khang trang đồng thời tăng thêm khả năng thông thoáng của môi trường đô thị. Các không gian này xuất phát từ thắng cảnh hồ Gươm, mở rộng ra phía Đông (qua vườn hoa Lý Thái Tổ) tới quảng trường nhà Ngân Hàng và vườn hoa “Con Cóc” về phía nam qua các trục đường lớn Hàng Bài (Đồng Khánh cũ), Bà Triệu (Gia Long cũ) và về phía tây qua đường Tràng Thi, Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ để thông với quảng trường Ba Đình và vườn Bách Thảo.
Ngoài ra, quá trình đô thị hoá tại Hà Nội trong giai đoạn này còn được ghi dấu bởi sự hình thành một số điểm sản xuất công nghiệp có quy mô hơn hẳn các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (với các nhà máy rượu, nhà máy diêm, nhà máy điện…) cũng như nhiều công trình phục vụ mạng lưới giao thông công cộng (tuyến và ga đường sắt, cầu bắc qua sông Hồng, đường xe điện…). Các công trình này còn có vai trò phục vụ mục đích quân sự, củng cố vị trí của bộ máy thống trị và tăng cường khai thác thuộc địa của người Pháp.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền Thành phố đã quyết định đổi tên một số đường phố, dỡ bỏ một số tượng đài của thực dân Pháp như: Tượng Paul Bert ở Vườn hoa Chí Linh, tượng Đầm Xoè ở Vườn hoa Cửa Nam, tượng Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis) ở bờ sông Hồng. Chỉ hơn một năm sau, thực dân Pháp lại đánh chiếm nước ta một lần nữa. Sau thời gian cầm cự quyết liệt để bảo tồn lực lượng, cơ quan nhà nước và quân đội chủ lực đã rời Thủ đô, thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến. Hà Nội tạm thời bị giặc chiếm đóng. Chín năm đó những xây dựng chủ yếu chỉ là đồn bốt và lô cốt. Những nhà cửa hư hỏng trong những ngày đầu cầm cự phần lớn đã được sửa chữa lại. Lẻ tẻ một số khu ở một tầng cho người nghèo được xây dựng cùng một mẫu như Khu lao động Vân Hồ…
Trên đây là những nét khái quát về cấu trúc đô thị Hà Nội trong thời Pháp thuộc. Diện mạo cấu trúc đô thị của Hà Nội còn có thay đổi nhiều qua mỗi thời kỳ lịch sử, để tìm hiểu sâu hơn kiến trúc đô thị Hà Nội độc giả có thể tìm đọc cuốn sách “Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội” do KTS. Lê Văn Lân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Hoàng Thông