Định đô Thăng Long và diện mạo ban đầu của kinh thành Thăng Long thời Lý
Miền đất Thăng Long – Hà Nội nằm trên địa bàn châu thổ sông Hồng, là nơi định cư và phát triển nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước ở phía Nam của nước Văn Lang vào thời kỳ các vua Hùng. Khoảng thế kỷ III trước Công nguyên, vua Thục lên thay vua Hùng đã đưa trung tâm của nước Việt cổ từ cùng trung du tới nơi tiếp giáp với vùng đã đưa trung tâm của nước Việt cổ từ vùng trung du tới nơi tiếp giáp với vùng đồng bằng, xây dựng thành Cổ Loa làm kinh đô của nhà nước Âu Lạc.
Các vị vua ở thời kỳ đầu đất nước độc lập, từ giữa thế kỷ X tới đầu thế kỷ XI, đã chọn Hoa Lư, ở cách Đại La 100km về phía Nam, để đặt kinh đô Hoa Lư nằm trong vùng núi ở phía Nam đồng bằng sông Hồng, có vị trí chiến lược hiểm trở nhưng khó khăn về giao thương.
Hoa Lư – Kinh đô của nước Đại Cồ Việt dưới hai triều Đinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009) là một vùng núi non hiểm trở, thích hợp với yêu cầu quân sự của một chính quyền độc lập non trẻ còn phải đối phó với nhiều mối đe doạ thù trong giặc ngoài. Với địa thế hiểm yếu của Hoa Lư, triều đình đã đánh bại các thế lực cát cứ địa phương, khôi phục và củng cố nền thống nhất quốc gia, triều Tiền Lê đã đánh tan quân xâm lược nhà Tống, bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc.
Những thành quả bảo vệ và củng cố độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất quốc gia thời Ngô, Đinh, Tiền Lê đã tạo điều kiện đưa đất nước vào thời kỳ mới: thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn, thời kỳ phục hưng toàn diện của dân tộc và nền văn hoá dân tộc. Hoa Lư với vị trí và địa thế núi non hiểm trở lúc này không còn đáp ứng được vai trò là kinh đô ở thời kỳ phát triển mới.
Cuối năm 1009, tại Hoa Lư (Ninh Bình), Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập ra triều Lý (1009-1225), mở ra trang sử mới của một quốc gia phong kiến độc lập. Vua Lý Thái Tổ đã quyết định dời kinh đô từ Hoa Lư về Đại La vào mùa thu năm Canh Tuất 1010. Theo truyền thuyết, khi tới Đại La, nhìn thấy “Rồng vàng bay lên”, vua cho là điềm tốt nên chọn đặt kinh đô tại đó và thủ đô mới được nhà vua đặt tên là Thăng Long (Chữ “Thăng được dùng là chữ Hán cổ mang nghĩa lên về phía mặt trời thay cho chữa “thăng” nghĩa là lên thông thường. Chữ “Long” nghĩa là rồng).
Lý Công Uẩn - vị vua sáng lập của triều Lý đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của kinh thành đối với vận mệnh của đất nước và vương triều, nên đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Trước ngày xây dựng kinh thành Thăng Long, miền đất này là nơi dân cư đông đúc, buôn bán thịnh vượng. Nhờ những điều kiện phát triern kinh tế - xã hội sẵn có ở đây nên khi Lý Thái Tổ thiên đô tới, chỉ phải lo xây dựng Hoàng thành, còn những khu vực dân cư ở không phải xây dựng mới. Nhờ đó việc xây dựng kinh đô chỉ trong mấy tháng cuối năm 1010 và đầu năm 1011 đã hình thành diện mạo.
Sau khi dời đô về Thăng Long, công việc đầu tiên của triều Lý là kiến thiết một cung điện làm nơi ở, nơi làm việc của triều đình quý tộc, xây dựng thành luỹ bảo vệ. Mùa thu năm 1010, một cụm kiến trúc trung tâm gồm các cung điện đã được dựng lên: điện Càn Nguyên (chỗ coi chầu), điện Tập Hiền, điện Giảng Võ, điện Cao Minh, điện Long An, điện Long Thuỵ (nơi vua nghỉ), điện Nhật Quang và điện Nguyệt Minh, phía sau là cung Thuý Hoa và làm chỗ ở cho phi tần, cung nữ.
Khi mới xây dựng, kinh thành Thăng Long được chia làm hai phần: Hoàng thành và Kinh thành. Hoàng thành nằm trong lòng Kinh thành, là khu vực nhà vua ở và triều đình làm việc. Kinh thành là khu vực nhân dân và quan lại ở, bao bọc lấy Hoàng thành. Trong thành còn ngăn ra một khu vực nữa, gọi là Cấm thành, có tường xây kiên cố, quân lính canh gác nghiêm ngặt. Đó là nơi vua, hoàng hậu và các cung tần, mỹ nữ ở. Đây là khu vực thành – chính trị hay thành - thị quân vương giữ vai trò đầu não của nhà nước trung ương tập quyền, tức là trung tâm chính trị của cả nước. Phía ngoài là khu thị dân bao gồm những xóm làng nông nghiệp, những phố phường công thương và một hệ thống bến, chợ của kinh thành. Một vòng thành ngoài cùng bao bọc toàn bộ khu vực thành và thị gọi là thành Đại La hay La thành, tức Thăng Long ngoài thành. Vòng thành này đắp bằng đất với chức năng vùa phòng vệ, vừa là đê ngăn lũ lụt mà nhà Lý đã nhiều lần sửa chữa, tu bổ. Mặt đông, thành chạy theo hữu ngạn sông Hồng như đoạn đê của sông này (từ bến Nứa cho đến Ô Đống Mác ngày nay); mặt bắc dựa theo sông Tô Lịch phía nam hồ Tây cho đến Yên Thái (đường Hoàng Hoa Thám ngày nay); mặt tây theo tả ngạn sông Tô Lịch từ Yên Thái đến Ô Cầu Giấy; và mặt nam theo sông Kim Ngưu qua Giảng Võ, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền nối với đê sông Hồng. Như vậy, trên đại thể, thành này được giới hạn bằng ba con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Trong quy hoạch tự nhiên đó, thành cũng là đê và sông cũng là hào.
Thăng Long với kiến trúc ba vòng thành bao bọc nhau (tam trùng thành quách) và kết cấu trong thành ngoại thị, đã sớm được hoạch định. Từ một trung tâm chính trị, Thăng Long đã phát triển thành một thành thị với những đặc điểm cấu trúc chung của các thành thị phương Đông thời trung đại. Thành thị ấy đã thừa hưởng một số thành quả xây dựng trước đó, nhưng về cơ bản được quy hoạch, cải tạo và xây dựng trên quy mô lớn từ đời Lý với tư cách kinh thành của nước Đại Việt độc lập và thống nhất.
Ngoài bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” do GS. Phan Huy Lê chủ biên, khi nghiên cứu và tìm hiểu diện mạo kinh thành Thăng Long – Hà Nội về mặt kiến trúc, xây dựng bạn đọc có thể tìm đọc cuốn sách “Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội” do KTS. Lê Văn Lân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, cuốn được ấn hành quý 4 năm 2019. Cuốn sách chuyên khảo này viết về kiến trúc Thăng Long - Hà Nội, tổng hợp quá trình hình thành và phát triển của kiến trúc Hà Nội qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử.
Thảo Chi