Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Lễ hội đền Gióng Phù Đổng - một trong những lễ hội kỳ thú và lâu đời nhất của Thăng Long – Hà Nội
Thứ tư, 20/11/2019 02:12

Lễ hội đền Gióng còn gọi là lễ hội Phù Đổng, thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Ở vùng thủ đô, ngoài lễ hội đền Gióng Phù Đổng còn có lễ hội đền Gióng huyện Sóc Sơn, nhưng về mặt quy mô và sự nổi tiếng thì lễ hội đền Gióng Phù Đổng vẫn nổi bật hơn. Vì thế, trong cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long – Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” do TS. Nguyễn Viết Chức chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đã chọn lễ hội đền Gióng Phù Đổng để giới thiệu và miêu tả trong 10 lễ hội tiêu biểu của văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Tổng Phù Đổng xưa là tên gọi chung của 4 làng Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên, Đổng Xuyên cách Hà Nội khoảng 20km về phía Bắc. Từ thủ đô Hà Nội qua cầu Chương Dương đi đến xã Phù Đổng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Vị thần được thờ là Thành hoàng làng được nhà vua phong là Phù Đổng Thiên Vương do đó nơi đây được gọi là Phù Đổng. Đó cũng chính là làng Gióng lấy tên Thánh Gióng để chỉ địa danh. Trong 4 làng đó thì 2 làng Phù Đổng và Phù Dực luân phiên giữ vai chủ hội. Còn 2 làng Đổng Viên và Đổng Xuyên chuyên đảm nhận vai thám báo, cung cấp tin tức cho đội quân của Gióng. Nhưng cơ sở để phân công lễ hội không phải thuộc đơn vị làng mà thuộc đơn vị giáp. Tổng Phù Đổng hồi trước 1945 có 15 giáp, trong đó có 6 giáp của làng Phù Đổng, 4 giáp của làng Phù Dực, 3 giáp của làng Đổng Viên, 2 giáp làng Đổng Xuyên. Như vậy 10 giáp là làng Phù Đổng và Phù Dực luân phiên nhau, mỗi giáp 1 lần trong vòng 10 năm làm chủ lễ. Giáp chủ lễ chịu trách nhiệm tổ chức lễ hội phải cử các ông hiệu cờ, hiệu chiêng, hiệu trống, hiệu trung quân và hiệu tiểu cổ (trống nhỏ). Riêng ông hiệu cờ được che 4 lọng vì ông tượng trưng cho thiên tướng nhà trời cũng tức là Thánh Gióng chỉ huy trận đánh. Số người này được chọn trong đám thanh niên của giáp từ 12 đến 20 tuổi, có thể là người đã có vợ song không quá 26 tuổi. Hai làng đóng vai thám báo phải cử mỗi làng 3 thanh niên để làm hiệu chiêng, hiệu trống và thám báo.

Về quân, người ta chọn ở 4 làng đó là những trai tráng từ 18 đến 36 tuổi, chia thành 10 đội, mỗi đội 1 chỉ huy và 15 quân. Ngoài ra riêng Phù Đổng còn lấy thêm 12 người để làm đội vệ binh. Về trang phục, những người ở vị trí chỉ huy đội mũ đen, mặc áo thụng xanh và đi giày hạ. Quân lính có một mảnh vải đen quanh bụng, thắt tua đen rủ xuống.

Có thể nói, trong lịch sử hội hè ở xứ Bắc thì hội Gióng mở muộn nhất vào ngày mồng 9 tháng Tư âm lịch hằng năm. Thời điểm này mở hội là nắng dữ nhất và xem ra cũng máu lửa nhất vì hội có diễn trò đánh trận của Gióng quyết liệt và căng thẳng với một đội quân tướng hết sức đông đảo, hùng mạnh. Dân gian đã có thơ ca thể hiện điều này: Mồng 7 hội Khám/Mồng 8 hội Dâu/ Mồng 9 đâu đâu/Cũng về hội Gióng/Lâm râm hội Khám/U ám hội Dâu/Nắng vỡ đầu hội Gióng.

Khi chuẩn bị, ngày mồng 8 chức dịch hàng tổng duyệt đội quân đóng vai “địch” (chỉ giặc Ân), gồm 28 cô gái tuổi từ 10 đến 13, trong đó có 2 cô vào vai chánh tướng và phó tướng. Riêng trận đánh cũng đã được chuẩn bị từ trước vào ngày mồng 6. Khoảng 3h chiều ngày mồng 6 người ta làm một cuộc rước nước ra chỗ đền Mẫu để lấy nước rửa binh khí. Đến ngày chính hội mồng 9 tháng 4, thường là nắng vỡ đầu thì trận đánh bắt đầu. Khoảng 11h sau cuộc tế ở đền, đoàn quân xuất phát, đích đến là trận địa Đống Đàm đầu làng Đổng Viên. Tại đây có 28 viên tướng “địch” đang ngồi chịu trận. Khi trống chiêng 3 hồi vừa nổi, từ sân bái đường, cuộc hành tiến bắt đầu. Đi đầu là 2 vị chỉ huy, tiếp đó là một đoàn gồm 12 trẻ em áo màu cầm roi song đi trước. Liền sau đó là đội quân Hồ, rồi mới đến ông hiệu cờ (người sắm vai Gióng) tay cầm cờ lệnh. Sát ông là con ngựa bạch do lính của thần kéo… Và diễn biến của hội càng kịch tính sau hai trận địa diễn ra. Rồi cũng bằng cách múa cờ, múa gõ trống ông hiệu cờ lại chiếm từng chiếc chiếu. Chiến trận kết thúc, cả 28 tướng địch đều bị bắt dần về đền. Ông thủ từ dùng mũi gươm hịch mũ áo tướng địch đem vào dâng lên ban thờ chính điện coi như lễ hiến phù trước ban thờ thánh, tướng địch như vậy là đã bị hành quyết. Cả hội vui mừng ngồi vào tiệc ăn mừng thắng trận. Đúng lúc đó trời cũng tối. Hôm sau mồng 10 tháng 4, điểm binh làm lễ lớn tạ ơn thần. Và thế là từ đó thiện hạ thái bình.

Từ đó đến nay, khi mở lễ hội, làng Phù Đổng vẫn giữ được cung cách diễn trận như xưa. Chính điều đó làm nên nét hấp dẫn của một hội lễ xứ Bắc đã có 1000 năm tuổi. Như vậy vẫn có thể coi hội Gióng Phù Đổng là hội lễ kỳ thú vào bậc nhất và cũng lâu đời nhất của đất Thăng Long – Hà Nội xưa.

Để tìm hiểu kỹ hơn về lễ hội đền Gióng Phù Đổng cùng những lễ hội tiêu biểu khác của văn hóa Thăng Long – Hà Nội, độc giả có thể tham khảo và tìm đọc cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long – Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” do TS. Nguyễn Viết Chức chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019. Hy vọng cuốn sách sẽ là tài biệu bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Thục Linh

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá