Lễ hội Hai Bà Trưng Mê Linh là một trong ba lễ hội lớn kỷ niệm chiến thắng Hai Bà của vùng đất Thăng Long – Hà Nội
Hằng năm, khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh mở lễ hội chính từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội thu hút khá đông du khách của Thủ đô Hà Nội và cả nước đến với hội lễ. Ngày mồng 6 là ngày chính hội, cũng là ngày theo tương truyền Hai Bà tế cờ khởi nghĩa. Lễ được tổ chức cấp nhà nước và truyền thống địa phương gồm dâng hương, mít tinh kỷ niệm và tế lễ theo nghi thức cổ truyền. Đặc biệt cứ 5 năm 1 lần vào dịp lễ hội mùng 6 tháng Giêng âm lịch, đền Hạ Lôi Mê Linh tổ chức rước kiệu Hai Bà, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi và kiệu thánh Cốt Tung (một danh tướng thời Hùng Duệ Vương).
Lễ rước kiệu ở đền Hai Bà Trưng Mê Linh có chi tiết không thể đảo ngược được đó là từ trong sân đền, kiệu bà Trưng Trắc đi trước, nhưng khi ra khỏi cổng đền thì kiệu bà Trưng Nhị đi trước, chi tiết này gọi là giao kiệu lần thứ nhất. Có câu chữ Hán đã giải thích lý do của việc này: “Nội gia tỷ muội, ngoại quốc quân thần”. Cùng thời điểm này, từ đình Hạ Lôi đoàn rước kiệu Thành hoàng làng và kiệu Thánh Cốt đi đến ngã tư cổng đền để nghênh đón kiệu Hai Bà. Chi tiết này gọi là một lần chào hỏi giữa hai kiệu của Hai Bà và hai kiệu của Thành hoàng làng. Đoàn rước kiệu về tới cổng đỉnh làng thì kiệu bà Trưng Trắc vào sân đình trước. Như vậy, khi ở trong sân thì kiệu bà Trưng Trắc (kiệu vua) đi trước, khi ra ngoài cổng thì kiệu bà Trưng Nhị (kiệu tướng) đi trước. Đến lúc rước hồi loan thì kiệu vua cũng vào trước, kiệu tướng vào sau, chi tiết này gọi là giao kiệu lần thức hai.
Thứ tự như vậy phù hợp với đạo quân thần và cũng phù hợp với truyền thống hành tiến của người Việt. Do đó, ở hội rước kiệu đền Hạ Lôi có đến 2 lần giao kiệu, một lần chào hỏi. Riêng về đội tế 18 người bao gồm người cả 3 ngôi đền thờ Hai Bà Trưng thuộc Hà Nội (đền Hát Môn, đền Đồng Nhân, đền Mê Linh) và một đền thờ Hai Bà Trưng ở tỉnh Hưng Yên (đền Phụng Công). Vị chủ tế thuộc đền Mê Linh, 3 vị bồi tế, 12 quan viên tế và 2 vị Đông xướng và Tây xướng tiến hành các nghi thức tế trong tiếng nhạc cung đình rộn rã, trang nghiêm.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng Mê Linh còn tiếp diễn với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như đấu vật, cờ tướng, đu tiên, bịt mắt bắt dê, hát dân ca, diễn chèo cho tới mồng 10 tháng Giêng mới kết thúc.
Có thể nói, lễ hội Hai Bà Trưng ở Mê Linh là một trong ba lễ hội lớn của vùng đất Thăng Long xưa – Hà Nội nay, lễ hội kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 40 sau Công nguyên. Lễ hội Hai Bà Trưng ở Mê Linh mở ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch còn lễ hội Hai Bà Trưng ở Đồng Nhân nội thành Hà Nội mở ngày mồng 6 tháng Hai âm lịch, lễ hội Hai Bà Trưng ở Hát Môn huyện Phúc Thọ mở ngày mồng 6 tháng Ba âm lịch. Như vậy, lễ hội Hai Bà Trưng ở Mê Linh là lễ hội mở sớm nhất sau Tết âm lịch, thu hút đông đảo nhân dân Thủ đô và cả nước đến tham dự và chứng kiến.
Lễ hội Hai Bà Trưng ở Mê Linh luôn được coi là một lễ hội cấp nhà nước, sôi động và hoành tráng. Nó gợi lên âm hưởng của quá khứ hào hùng dân tộc Việt. Đại Nam quốc sử diễn ca đã viết: “Đô kỳ đóng cõi Mê Linh”… Vùng đất Hạ Lôi xưa kia có thành Mê Linh tương truyền là nơi đóng đô của Hai Bà. Huyện Mê Linh thành phố Hà Nội ngày nay xưa là huyện Yên Lãng, từ 1978 nhập vào Hà Nội đổi tên là Mê Linh để kỷ niệm cuộc khởi nghĩa oanh liệt này. Lễ hội Hai Bà Trưng Mê Linh cũng vì thế được coi là một trong 10 lễ hội lớn của vùng đất thủ đô Hà Nội nên được chọn là 1 trong 10 giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội là lẽ đương nhiên.
Cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long – Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” được TS. Nguyễn Viết Chức cùng cộng sự biên soạn, đây là một trong 5 tập thuộc bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long – Hà Nội” – một công trình thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Cuốn sách giới thiệu 10 lễ hội tiêu biểu nhất, 10 trò chơi tiêu biểu nhất, 10 trò diễn tiêu biểu nhất thể hiện giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội. Ngoài ra, độc giả có thể tham khảo những tập sách khác trong cùng bộ sách này với các chủ đề: Đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, nhà thờ; Làng nghề, phố nghề; Ẩm thực; Khách sạn hàng đầu, khi tìm hiểu về văn hóa và những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất Thăng Long – Hà Nội hơn nghìn năm tuổi này.
Khánh Ngân