Tại Hà Nội, chính quyền thực dân cùng với kế hoạch bình định và khai thác thuộc địa đã áp dụng các biện pháp can thiệp về xây dựng và quy hoạch khác nhau. Ban đầu, thực dân Pháp triển khai xây dựng các công trình quân sự, tiếp theo là các cửa hàng buôn bán và dịch vụ ở phố Tràng Tiền, phố Hàng Khay, chợ Đồng Xuân… Công việc đầu tiên phát triển đô thị là mở các con đường nối các điểm xây dựng phân tán ấy, đồng thời mở đường sắt liên hệ với bên ngoài. Hệ thống đường mới mở, trước hết phục vụ mục đích quân sự để củng cố bộ máy chính quyền, sau đó để có điều kiện khai thác nguồn lợi về kinh tế.
Với hai mục tiêu đó, ngay ở giai đoạn đầu, thực dân Pháp đã chiếm Hoàng thành Hà Nội, nhanh chóng phá huỷ hệ thống tường thành cùng các kiến trúc truyền thống của một trung tâm hành chính phong kiến Việt Nam, trong khi đó vẫn giữ nguyên khu vực 36 phố phường - một trung tâm buôn bán sầm uất đương thời để khai thác nguồn lợi kinh tế qua một hệ thống thuế, đồng thời ủng hộ việc xây dựng nhà thờ và các trường dòng. Những loại công trình này phục vụ đắc lực cho ý đồ chính trị của thực dân Pháp.
Toàn bộ các công trình kiến trúc mà Pháp xây dựng ở Hà Nội giai đoạn đầu đều mang tính thực dụng, dựa trên tinh thần của chủ nghĩa công năng đơn giản trong kiến trúc. Đó là loại kiến trúc thực dân thời kỳ đầu, phản ánh một chính sách thực dân trên nền tảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản sơ khai, hoang dã mà Pháp ứng dụng ở Việt Nam. Những can thiệp về quy hoạch ban đầu ở Hà Nội thể hiện rõ ý đồ chiến lược của Pháp: từ những vị trí phân tán ban đầu đã chiếm được, từng bước mở rộng và tiến tới làm chủ toàn bộ Thành phố.
Các công trình xây dựng ở giai đoạn đầu được coi là những hạt nhân để phát triển ra xung quanh. Hệ thống đường phố rộng rãi được quy hoạch theo mạng ô cờ, có trang bị hệ thống kỹ thuật hạ tầng theo kiểu phương Tây, cùng với việc đưa vào sử dụng những phương tiện giao thông cơ giới đầu tiên là những yếu tố cơ bản thúc đẩy quá trình phát triển, mở rộng Thành phố. Cùng với thời gian, trong cấu trúc đô thị Hà Nội đã dần hình thành những khu vực chức năng riêng biệt. Khu thương nghiệp, dịch vụ trung tâm trên trục đường Tràng Tiền – Hàng Khay; khu hành chính, chính trị ở phía đông hồ Hoàn Kiếm và trên khu vực Hoàng thành Hà Nội, khu ở của người Pháp ở phía nam hồ Hoàn Kiếm và các khu vực kho tàng, nhà máy rải rác trong Thành phố. Khu 36 phố phường vẫn là khu thương mại, dịch vụ truyền thống.
Các công trình kiến trúc xây dựng ở giai đoạn này, dù là quân sự, hay dân sự, từ trụ sở hành chính, cửa hàng đến các loại nhà ở đều mang đặc trưng hình thái kiến trúc thuần Pháp, tân cổ điển hoặc địa phương Pháp. Các công trình ấy hoặc lấy mẫu từ Pháp sang, hoặc do các kỹ sư công chính, các kiến trúc sư Pháp thiết kế tại chỗ, đều mang phong cách Pháp, các đặc điểm riêng về khí hậu và văn hoá địa phương chưa được quan tâm. Khu phố mới được xây dựng dành riêng cho người Pháp đã thể hiện hình ảnh của đô thị Pháp. Điều đó, một mặt, nhằm thoả mãn nhu cầu và tình cảm vọng quê của người Pháp sống ở Hà Nội, mặt khác là ý đồ áp đặt văn hoá, phô diễn “tính hơn hẳn về văn minh” của nước Pháp thực dân tại thuộc địa.
Công trình đầu tiên, lớn nhất được xây dựng ở Thăng Long – Hà Nội chịu ảnh hưởng của kiến trúc Pháp là thành Hà Nội thời Nguyễn xây năm 1805 theo kiểu Vauban. Năm 1873, ngay sau khi chiếm thành Hà Nội Francis Garnier đã chiếm dụng các công trình còn lại trong Hoàng thành cũ, chọn Tràng Thi là nơi đóng quân và tập luyện quân sự. Quân đội Pháp liên tục gây sức ép với chính quyền nhà Nguyễn để thực hiện dã tâm xâm chiếm Hà Nội.
Ở Hà Nội theo hiệp ước Philastre ngày 06/2/1874, triều đình nhà Nguyễn phải cắt cho Pháp một khu đất gọi là nhượng địa ở phía đông thành phố, bên bờ sông Hồng. Diện tích khu đất nhượng địa cho Pháp lúc đầu là 2,5ha, sau tăng lên 18,5ha. Tháng 10/1875 thực dân Pháp khởi công xây dựng các công trình kiên cố trên khu nhượng địa, chính thức mở đầu thời kỳ xây dựng ở Hà Nội. Có thể thấy, khi đó mặt bằng tổng thể nhượng địa cùng các công trình kiến trúc do viên sĩ quan công chính Varaigne thiết kế. Cấu trúc tổng thể dựa trên nguyên tắc tổ chức các thương điếm châu Âu ở hải ngoại với lối bố cục truyền thống theo trục đối xứng qua cổng chính, xung quanh có tường cao bảo vệ. Các công trình xếp thẳng dọc theo một trục song song với bờ sông Hồng.
Ở phần đất phía tây hồ Hoàn Kiếm, Giáo hội đã chiếm toàn bộ thôn Báo Thiên lấy đất xây dựng Nhà thờ Lớn trong hai năm 1884-1886.
Trong Hoàng thành các dinh thực bị triệt phá để lấy chỗ xây dựng trại lính cùng các công trình quân sự khác. Năm 1886, điện Kính Thiên bị phá huỷ, chỉ còn sót lại bậc tam cấp cùng đôi rồng đá trang trí có niên đại từ thời Lê. Tại đây thực dân Pháp đã xây dựng sở chỉ huy pháo binh. Như vậy trừ Cột cờ xây dựng năm 1812 được giữ lại để phục vụ cho mục đích liên lạc quân sự, các kiến trúc khác thời phong kiến đều đã bị phá huỷ hoàn toàn, biến thành khu vực quân sự của chính quyền thực dân.
Đó là vài nét sơ lược về những xây dựng ban đầu của Pháp tại Hà Nội, để có cái nhìn tổng quan, cụ thể hơn bức tranh kiến trúc Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ, độc giả hãy tìm đọc cuốn sách “Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội” do KTS. Lê Văn Lân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Sách được xuất bản quý 4/2019.
Hương Thảo