Như vậy, Thăng Long không còn là nơi cư trú của vua chúa và bộ máy triều đình trung ương nữa, mà chỉ còn là nơi trú ngụ của một bộ máy quan liêu địa phương cấp tỉnh và một số quân lính đồn trú thường trực không đông lắm, tương tự như nhiều tỉnh khác mà thôi. Quần thể phủ chúa Trịnh nguy nga đồ sộ cùng nhiều công trình kiến trúc khác ở ngoài Hoàng thành đã bị tiêu huỷ hoàn toàn, nhiều nơi trở thành làng mạc. Do không còn điều kiện chính trị làm chỗ dựa cho sự phát triển, thời gian này đô thành Thăng Long có chiều hướng nông thôn hoá một bộ phận.
Sự tu bổ, vun đắp đối với Hoàng thành chỉ đến thời Tây Sơn là chấm dứt (trong thời Tây Sơn, thành được sửa đắp lại ở đoạn từ Đông Hoa đến cửa Đại Hưng, khi đó thành được mang tên Bắc thành vì Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân). Khi Gia Long lên ngôi (1802) được hơn một năm thì bắt đầu phá bỏ thành cũ, đến năm 1805, xây thành mới nhỏ hơn với sự giúp đỡ của người Pháp và theo kiểu thành Vauban của Pháp, với chức năng là một trấn thành.
Xung quanh tường thành ở phía ngoài là một dải đất rộng chừng 6-7m, rồi đến một con hào. Hào rộng khoảng 15-16, sâu chừng 5m, trong hào lúc nào cũng có nước, nhưng mực nước chỉ cao chừng 1m. Phía ngoài các cửa thành có xây một hàng tường đắp liền trên bờ hào, gọi là Dương Mã Thành (còn gọi là Giác thành hay Mang Cá, dài 2 trượng, 9 thước, cao 7 thước 5 tấc). Các Dương Mã thành đều có một cửa bên gọi là Nhân Môn rồi mới tới cửa thành. Những hào xung quanh về sau vào thời Pháp đô hộ đều bị lấp đi để làm đường, trên bản đồ Hà Nội hiện nay bốn đường Hùng Vương (Tây), Phan Đình Phương (Bắc), Phùng Hưng (Đông), Trần Phú (Nam).
Vào thời Nguyễn, sự sắp xếp bên trong thành bố trí đại thể như sau: Ở giữa là điện Kính Thiên, dựng trên núi Nùng với những cột gỗ rất lớn, thềm điện có chạm những hình rồng bằng đá rất đẹp. Gần điện có hành cung, để khi nhà vua ra Thăng Long thì ngự tại đây. Từ điện Kính Thiên đi ra là cửa Đoan Môn, phía ngoài Đoan Môn dựng một đình bia ghi công trạng của vua Gia Long. Phía Đông là dinh của các quan lại, như dinh Tổng đốc, Tuần phủ, Án sát, Đề đốc. Phía tây là các kho thóc, kho tiền và dinh Bố chính – viên quan phụ trách kho. Phía bắc có xây một nhà ngục, gọi là Tỉnh Bắc Lâu.
Năm 1812, Cột cờ được xây ở phía Nam gần đình bia. Cột cờ cao 36m, hình lục lăng đặt trên một bệ tam cấp, đều xây bằng gạch gốm. Tam cấp hình vuông, cấp trên cùng mỗi chiều dài khoảng 15m, cấp dưới cùng mỗi chiều dài 42m. Tầng giữa có 4 cửa nhìn ra ngoài, mỗi cửa đều đặt một tên riêng. Hiện nay còn 3 cửa mang biển đề tên: Cửa Đông là cửa Nghênh Húc (đón buổi sáng), cửa Nam là cửa Hướng Minh (hướng về ánh sáng), cửa Tây là của Hồi Quang (trả lại tia sáng). Để leo từ dưới lên ngọn Cột cờ, có hai thang xoáy trôn ốc. Trên đỉnh thành, được dùng như một phương tiện thông tin liên lạc với các cơ sở khác của Pháp ở Hà Nội.
Trong nửa sau thế kỷ XVII, toàn bộ kinh thành Thăng Long vẫn được bao bọc một hệ thống thành luỹ (Đại La) như một hệ thống đường đê khép kín, mặt thành quan trọng nhất là nơi ở phía Đông tiếp giáp với sông Hồng, được mở nhiều cửa để thuận tiện cho sự thông thương, ngày nay còn dấu tích: Ô Đông Hà (tức Ô Quan Chưởng) ở phố Hàng Chiếu. Sách cũ còn ghi lại một số tên cửa ở mặt này: phía Nam có các cửa: Yên Thọ, Kim Hoa, Thịnh Quang. Mặt Tây có các cửa Thành Bảo, Thuỵ Chương…
“Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội” do KTS. Lê Văn Lân chủ biên là một đề tài của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Đây là một cuốn sách viết về kiến trúc Thăng Long - Hà Nội mang tính tổng hợp quá trình hình thành và phát triển của Hà Nội qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Bạn đọc muốn tìm hiểu về kiến trúc Thăng Long – Hà Nội, diện mạo các công trình kiến trúc của Hà Nội có thể tìm đọc cuốn sách. Trong cuốn sách, ở từng giai đoạn đã phân tích ngữ cảnh xã hội, những biến đổi về Quy hoạch - Kiến trúc, những công trình tiêu biểu cả về nhà ở, nhà công cộng, kiến trúc công nghiệp và nông thôn. Cuốn sách thể hiện rõ 3 giá trị lớn: giá trị lịch sử, giá trị thông tin và giá trị học thuật, đồng thời có phân tích các giá trị nghệ thuật kiến trúc.
Quỳnh Chi