Giá trị văn hoá tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội – Trò diễn Ải Lao trong hội Gióng
Khi tìm hiểu cuốn sách, độc giả sẽ hiểu rõ hơn sự lựa chọn của các tác giả đối với những trò chơi, trò diễn để giới thiệu giá trị văn hoá tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội. Cuốn sách có tiêu chí rõ ràng khi lựa chọn lễ hội, trò chơi, trò diễn. Sự phân biệt giữa trò chơi và trò diễn ở đây chỉ khác nhau ở chỗ khi thực hiện trò chơi, người tham gia không phải hoá trang, không phải sắm vai, còn khi thực hiện trò diễn, người tham gia phải hoá trang theo vai diễn trong trò. Tất cả các trò chơi và trò diễn đều gắn với lễ hội ở một địa danh thuộc vùng Thăng Long – Hà Nội. Do đó, tập sách này sẽ không có những trò chơi hoặc trò diễn mang tính chất chung chung, mặc dù trò chơi và trò diễn đó từng hiện hữu ở nhiều lễ hội thuộc nhiều làng quê khác. Dưới đây, cúng tôi xin giới thiệu một trò diễn khá thú vị đó là trò diễn ải lao trong hội Gióng để bạn đọc thưởng thức và đánh giá.
Trò diễn ải lao còn gọi là trò tùng choạc, trò múa bắt hổ do phường ải lao trình diễn khi bắt đầu cuộc hành quân ta trận trong hội làng Phù Đổng, còn gọi hội Gióng diễn ra vào mồng 9 tháng Tư âm lịch. Ải lao là từ nói chệch của từ AI Lao, tức nước Lào. Theo truyền thuyết, nước Ai Lao xưa cũng là một chư hầu của Đại Việt. Vua Lý Thái Tổ vì nhớ ơn thiên tướng Thánh Gióng đã dành cho người Ai Lao được cử một đoàn ca múa diễn trò bắt hổ vào cuộc chiến của thiên tướng. Đó chính là phường ải lao. Trong hội Gióng ngày xưa, phường ải lao được giao cho làng Hội Xá phía bên kia bờ sông Đuống sắm vai. Làng Hội Xá được hưởng hoa lọi của 27 mẫu ruộng để hằng năm đến kỳ hội Gióng phải cung cấp 20 người tham gia phường ải lao cùng hành tiến trong đám rước hội Gióng.
Phường ải lao của làng Hội Xuyên tham gia hội Gióng gồm 20 người trong đó có một người hoá trang đội lốt con hổ, một chủ trò mang súng gỗ, một cầm trống cơm, một người mang chiêng, hai người cầm cờ lau là một đoạn tre đầu có quấn tua giấy xanh đỏ. Số còn lại cầm sênh tre để múa hát, Họ đều trang phục màu đen, khăn đen, áo the đen, thắt lưng xanh lẻo mủi bên trái. Trước lúc đoàn rước xuất trận, người đóng vai hổ đến xin quy phục, múa hát nhảy trước chính điện. Cả đoàn làm lễ bái phục theo hiệu lệnh chiêng trống. Tiếp đó họ diễn trò bắt hổ, vừa hát vừa làm động tác rượt bắt, vừa hô “tùng choạc”. Trước sau họ trình diễn 2 điệu múa vây bắt hổ, trói hổ lại và hát tới 12 bài hành khúc theo nhịp sênh tre.
Đây là trò diễn hết sức vui hoạt làm cho cuộc chinh chiến thêm nhộn nhịp, phấn khích, tạo một điểm nhấn thú vị cho hội Gióng. Sự tham gia của phường ải lao nói lên sự tham giao vào đoàn quân của Gióng ngoài sự góp sức của người Ai Lao theo truyền thuyết còn là sự góp mặt của những vai mang tính chất nhân dân như phường săn, phường chăn trâu, phưởng câu cá. Vì vậy, trò diễn đã thể hiện một cách mạnh mẽ tính chất nhân dân rộng rãi của đội quân bảo vệ Tổ quốc ngay từ thời các vua Hùng.
Đối với những người có đam mê và hứng thú với việc tìm hiểu giá trị văn hoá của lễ hội, trò chơi, trò diễn thì khi đi sâu vào nội dung của hàng trăm lễ hội và trò chơi, trò diễn, người xem, người tham dự còn cảm nhận được dấu vết, ý nghĩa lịch sử qua các nhân vật lịch sử, qua các sự kiện lịch sử và qua các tích trò được khai sinh hoặc có nguồn gốc từ trong lịch sử. Có thể nói, cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” do TS. Nguyễn Viết Chức chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019 sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho những độc giả muốn tìm hiểu về văn hoá Thăng Long – Hà Nội, về vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi văn hoá của cả nước, nơi thu nhận và thâu tóm tinh hoa văn hoá các vùng miền đất nước.
Bảo Thanh