Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Nét tinh xảo của hàng thủ công Hà Nội qua đánh giá của triều đình nhà Nguyễn trong Châu bản về Hà Nội
Thứ tư, 20/11/2019 02:48

Thăng Long - Hà Nội với lịch sử hơn một ngàn năm dựng nước và giữ nước luôn giữ vững vị trí là đầu mối chính trị, là trung tâm kinh tế và văn hóa của cả nước. Với vị thế đó, từ lâu Thăng Long - Hà Nội đã thu hút người dân từ mọi miền đất nước về đây sinh sống và lập nghiệp. Đó là cơ sở hình thành nên các phường nghề, phố nghề từ tồn tại hàng ngàn năm qua lịch sử. Qua thời gian, Thăng Long Hà Nội được mệnh danh là mảnh đất “khéo tay hay nghề”. Do vậy, kể cả khi mảnh đất này không được nhà Nguyễn lựa chọn làm kinh đô thì nơi đây vẫn là nơi tập trung những  mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo được triều đình nhà Nguyễn lựa chọn để phục vụ cho đời sống của hoàng gia và các quan lại quý tộc cũng như làm sính lễ bang giao với các nước khác. Qua ấn phẩm Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội - công trình thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến chúng ta sẽ thấy rõ được điều này.

 Thăng Long là nơi hội tụ các làng nghề từ khắp mọi miền đất nước đổ về với 13 trại, 61 phường thời Lý - Trần, 36 phố phường thời Lê - Nguyễn. Những người thợ tài hoa đã mang theo cả gia đình, bạn bè họ hàng làng xóm lên mở nhà rồi lập phố. Bằng sức lao động cần cù và tài năng khéo léo đã làm ra được sản phẩm hàng hoá tinh xảo cung cấp cho dân chúng kinh kỳ và các vùng lân cận, làm cho phố phường ngày càng trở nên sầm uất. Dù đã chuyển Kinh đô đã chuyển vào Huế, các vị vua nhà Nguyễn vẫn luôn yêu cầu Hà Nội cung cấp các sản phẩm hàng hóa thủ công mỹ nghệ đến Triều đình.  Chính sự tài hoa và khéo léo của những người thợ thủ công đã mang đến những sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô cùng tinh xảo, được triều đình yêu thích. Vì vậy, Hà Nội thường xuyên được giao trách nhiệm cung ứng loại hộp sơn son thiếp vàng làm lễ phẩm tặng quan chức Pháp, tạo tác các loại hòm, tráp, cơi trầu khảm vàng, khảm xà cừ dành cho nhu cầu sử dụng của các quý bà trong triều đình. Các vị đại quan Lâm Duy Hiệp, Phan Thanh Giản trong giao tiếp với người Pháp đã tinh tế nhận thấy đồ khảm xà cừ ở tỉnh Hà Nội xứng đáng là vật phẩm đặc biệt cho việc nghi thức ngoại giao này, rất phù hợp với sở thích của “quan tây” về các hộp trầu sơn nhũ và sơn tía hình vuông. Năm 1862, để phục vụ cho việc chuyến đi Tổng đốc Phan Thanh Giản đến làm việc với Pháp về các vấn đề ngoại giao, vua Tự Đức đã giao cho Hà Nội chuẩn bị các quà tặng là các đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo. Châu bản triều Tự Đức – 1862, tập 146, tờ 193-194 chỉ rõ: “Lãnh Tổng đốc Phan Thanh Giản cùng viên đó (Lâm Duy Hiệp) có giao tiếp với quan tây mà không có phẩm vật gì đặc biệt để tặng, xét thấy có các đồ khảm xà cừ ở tỉnh Hà Nội là khá thích hợp. Gần đây nhận đư­ợc thư­ của lãnh Tổng đốc đó nói rằng: Nay quan tây thích các đồ hộp trầu sơn nhũ và sơn màu tía hình vuông, tư­ xin lấy việc đó tư­ cho tỉnh Hà Nội mua 10 chiếc hộp tráp tròn sơn son thiếp vàng, cùng hộp trầu sơn nhũ màu tía hình vuông sao cho đư­ợc tinh xảo chuyển đến để biếu tặng”.

Không những hấp dẫn người ngoại quốc, vẻ đẹp đặc trưng của đồ mỹ nghệ của Hà Nội còn được các vị phu nhân mệnh phụ trong triều ưa chuộng. Do đó, các đình thần để lấy lòng vua và hoàng gia đã yêu cầu Hà Nội cung cấp các mặt hàng này để dâng lên triều đình: “Hôm qua Phủ thần đã gửi cho phố buôn Hà Nội làm 2 chiếc hòm đựng áo kiểu hình vuông, 2 chiếc tráp trầu hình tròn, 2 chiếc cơi trầu, 2 chiếc tráp nhỏ hình chữ nhật đều sơn đen khảm vàng xà cừ gửi về cung tiến Hoàng đích mẫu, Hoàng thân mẫu ngự dùng” (Châu bản triều Duy Tân – 1908, tập 15, tờ 163). Tỉnh Hà Nội với vị thế là nơi hội tụ của nhiều phường thợ lành nghề và tiên phong, là chốn thu hút nhiều nguồn đặc sản bốn phương từng được giao tạo tác các loại chuôi kiếm và hộp đựng phấn sáp có họa tiết tinh xảo với yêu cầu đẹp tinh tế và bền chắc: “sức cho tỉnh Hà Nội chế tạo sơn đen hoặc gỗ khảm xà cừ để làm 15 chuôi kiếm, hộp đựng phấn sáp, tủ nhỏ mỗi loại 20 cái, đều phải tinh xảo, đẹp chắc” (châu bản triều Tự Đức – 1869, tập 190, tờ 104). Không những thế, sự khéo léo và lành nghề của thợ thủ công Hà Nội còn được triều đình nhà Nguyễn tin dùng trong việc tu sửa các vật dụng quý giá của vua quan triều đình, như sử đồng của vua Đồng Khánh: “sức cho thuê thợ tu sửa chiếc đồng hồ là đồ ngự dụng của vua cho hoàn hảo” (châu bản triều Đồng Khánh – 1886, tập 5, tờ 114).

Không dừng lại ở việc cung tiến, sửa chữa các hàng hóa thủ công mỹ nghệ mà các món quà ẩm thực của Hà Nội cũng được triều đình nhà Nguyễn yêu thích, lựa chọn làm món ăn thức uống, đồng thời làm món quà bang giao với nước ngoài như ô mai, trà Ô Long. Do vậy, triều đình thường yêu cầu quan lại Hà Nội tìm chọn mua các thức trà xanh và trà Ô Long dành cung tiến về Kinh đô Huế. “Trước đây bộ thần đã tư cho tỉnh Hà Nội hàng năm ướp làm hai hạng ô mai mặn, ngọt, loại đem cung tiến hơn 10 cân, loại đem thưởng hơn 100 cân. Hơn nữa loại đó quý vì tinh không quý ở nhiều. Nay nên tư cho tỉnh đó từ nay về sau làm những loại ấy. Loại cung tiến [ngự dụng] đổi là 6 cân, mặn, ngọt mỗi thứ một nửa, cốt sao được mười phần tinh tế”. (Châu bản triều Minh Mệnh, tập 61, tờ  85). “Đồng thời năm ngoái nhận được tờ tư của Bộ thần sức cho chọn mua chè Ô Long cùng là các loại chè ngon đệ nạp. Tỉnh ấy đã sức cho 2 phố Hàng Buồm, Quảng Phúc chiếu theo mà mua” (Châu bản triều Tự Đức, tập 22, tờ 213)

Có thể nói, qua thời gian, những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội ngày càng được bồi đắp, lưu giữ và trao truyền. Trong đó các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống độc đáo của Thăng Long xưa, Hà Nội nay vẫn luôn được những bàn tay tài hoa và sức sáng tạo tuyệt vời của đội ngũ nghệ nhân và thợ lành nghề tiếp tục phát huy, sáng tạo làm nên những giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo. 

Hoàng Minh

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá