Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Phác thảo sơ lược về vị thế chính trị và các giá trị văn ở Hà Nội qua tư liệu Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội
Thứ tư, 20/11/2019 02:48

 Sau khi đánh bại vương triều Tây Sơn, tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh chọn Phú Xuân làm kinh đô, lập đàn tế trời đất rồi thiết triều để lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long. Năm 1804, vua Gia Long đổi quốc hiệu là Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân sâu xa khiến cho vương triều Nguyễn chọn lựa việc định đô ở Huế thay vì kế thừa kinh đô trước đó ở Thăng Long. Dù không còn là kinh đô của nước Việt Nam nhưng Hà Nội - vùng đất tích hợp lâu đời các giá trị văn hóa và vị thế chính trị-kinh tế luôn  có vị thế địa chính trị quan trọng trên nhiều phương diện như: bổ nhiệm quan chức, thực hiện các nghi lễ ngoại giao với nước ngoài, việc liên kết với các viên chức y tế nước ngoài để phòng trị bệnh cho nhân dân... Trong từng giai đoạn khác nhau,những diễn biến lịch sử cụ thể, những vấn đề này được phản ảnh cụ thể qua các Châu bản triều Nguyễn. Cùng điểm qua đôi nét về vấn đề này trong ấn phẩm Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội do PGS. TS Đào Thị Diến Chủ biên. Cuốn sách thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. 

Vị thế địa chính trị quan trọng của Hà Nội được thể hiện đầu tiên trên phương diện bổ nhiệm các quan chức trong bộ máy hành chính. Không thể không nhìn nhận tầm quan trọng của việc bổ nhiệm quan chức cấp cao, nhất là quan chức đảm trách nhiệm vụ quân sự ở tỉnh thành Hà Nội. Chính vì vậy những vị vua đứng đầu triều Nguyễn rất trăn trở, cân nhắc trong việc lựa chọn quan chức đảm trách những vị trí quan trọng tại Hà Nội. Điển hình như năm 1870  - đâu là thời điểm nhiều khó khăn đối với Bắc kỳ bao gồm cả tỉnh Hà Nội và Bắc Ninh. Nhiều lực lượng chống đối có nguồn gốc Trung Quốc là Ngô Côn, Lưu Vĩnh Phúc, Hoàng Sùng Anh.. đã nhiều năm liên tục gây rối loạn bất an trong địa phận Bắc kỳ. Trong Châu bản triều Tự Đức, tập 229, tờ 26-29, Đình thần tâu trình các vấn đề bức thiết của Hà Nội, Bắc Ninh và  khẳng định vị trí quan trọng của Hà Nội: “Hà Nội là cửa quan trọng yếu của Bắc kỳ mà Bắc Ninh lại là cửa ô quan trọng ở phía Bắc của Hà Nội. Vậy mà 3 nơi ấy mấy năm gần đây bên ngoài thì giặc Thanh càn quấy, bên trong thì kẻ gian gây hấn”. Chính vì vậy cần phải bổ nhiệm người có năng lực quân sự để xử lý công việc, dẹp loạn, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Đình thần đã: “Xin chọn Võ hiển Đại Học sĩ Nguyễn Tri Phương sung làm Kinh lược sứ Đại thần đến đóng giữ để tính toán xử lý công việc giữa Hà Nội và Bắc Ninh.” Vì đánh giá cao vị thế của Hà Nội nên các vị vua triều Nguyễn rất cân nhắc khi chọn lựa bổ nhiệm quan lại tại tỉnh này. Dù đã được các Đình thần tâu bẩm, phân tích và lựa chọn Nguyễn Tri Phương, dù vẫn tìn tưởng, tín nhiệm Nguyễn Tri Phương nhưng vua Tự Đức vẫn không châu phê ngay mà vẫn để lại để suy nghĩ và cân nhắc. Trong Châu bản triều Thành Thái, tập 75, tờ 50-51, khi quan Kinh lược sứ Trần Lưu Huệ tâu trình về việc xin bổ thụ chức Đề đốc tỉnh Hà Nội cho Nguyễn Văn Nhung. Dù Nguyễn Văn Nhung được đánh giá là “làm việc rất tốt, thực việc, hành sự rất giỏi, bắt tội phạm rất đắc lực, nhưng vẫn bị từ chối trao trọng trách thực thụ Đề đốc Hà Nội vì lý do thời gian làm việc còn ít. Các quan chức Bộ Binh đánh giá rằng chức trách này rất lớn, ý rằng kết quả thực việc của Nguyễn Văn Nhung trong hai năm dù tốt vẫn chưa đủ chứng tỏ năng lực quản lý quân sự một tỉnh quan trọng là Hà Nội. “Bộ Binh tâu: Ngày 22 tháng trước, nhận được tập tâu của viên quyền Kinh lược sứ Trần Lưu Huệ trình rằng: quý Thống sứ Đại thần tư bàn: Viên quan hiện sung Đề đốc tỉnh Hà Nội là Nguyễn Văn Nhung làm việc rất tốt, xét xin cho thực thụ. Bộ thần xét thấy Đề đốc Hà Nội là chức lớn, nên làm tập tâu trình lên xin thăng bổ. Nay Bộ thần phụng xét Nguyễn Văn Nhung là Lãnh binh quyền sung Đề đốc mới được 2 năm, quan Kinh lược sứ đã làm tập tâu xin thăng thụ là chưa hợp. Vậy Nguyễn Văn Nhung vẫn để quyền sung chờ xét sau. Về tập tâu này xin dừng làm phiếu để Bộ xét.

Cùng với vị thế địa-chính trị quan, Hà Nội là nơi hội tụ và kết tinh của nhiều giá trị  văn hóa vật chất và tinh thần từ nhiều vùng đất khác. Hà Nội là nơi hội tụ nhiều sản vật, đặc sản tinh túy của các vùng miền, tể gom góp cung tín lên các vị vua triều Nguyễn để làm lễ vật cống tín và bang giao với các nước láng giềng. Trong đó, thức quà đặc biệt nổi tiếng của Hà Nội là ô mai đã được đánh giá là “quý hồ tinh bất quý hồ đa” và đựa lựa chọn để tiếng cống. “Trước đây Bộ thần đã tư cho tỉnh Hà Nội hàng năm ướp làm hai hạng ô mai mặn, ngọt, loại đem cung tiến hơn 10 cân, loại đem thưởng hơn 100 cân. Hơn nữa loại đó quý vì tinh không quý ở nhiều. Nay nên tư cho tỉnh đó từ nay về sau làm những loại ấy. Loại cung tiến [ngự dụng] đổi là 6 cân, mặn, ngọt mỗi thứ một nửa, cốt sao được mười phần tinh tế”. (Châu bản triều Minh Mệnh, tập 61, tờ  85).  Dù không còn giữ vị thế là kinh đô, nhưng Hà Nội  được đánh giá Hà Nội là tỉnh lớn ở Bắc kỳ, là nơi có vị thế quan trọng, để diễn ra nhiều nghi lễ bang giao với các nước, là nơi đón tiếp nhiều phái đoàn của nước ngoài. Vì vậy, Hà Nội luôn được giao chuẩn bị các nghi lễ bang giao quan trọng. Năm 1841, vua Thiệu Trị đã giao cho Tổng đốc Hà-Ninh và thự Tuần phủ tỉnh Hà Nội bàn bạc chuẩn bị các công việc cho đại lễ bang giao.“Năm tới có đại lễ bang giao, Ngự giá ra Bắc. Hà Nội là nơi hành doanh dừng chân. Liên quan đến việc người từ nước xa tới nhìn vào, nay truyền các công việc xây dựng tại Hà Nội, chuẩn cho Tổng đốc Hà-Ninh Phạm Hữu Tâm đổng lý, thự Tuần phủ tỉnh Hà Nội Nguyễn Đình Hưng hiệp đồng bàn bạc thực hiện. Công việc xây dựng từ tỉnh Bắc Ninh đến tỉnh Lạng Sơn chuẩn cho thự Tổng đốc Ninh-Thái Nguyễn Đăng Giai đổng lý, thự Đề đốc Hà-Ninh Nguyễn Cửu Đức hiệp đồng bàn bạc thực hiện. (Châu bản triều Thiệu Trị, tập tập 9, tờ 146). Hà Nội còn được coi là bộ mặt của cả nước khi đón tiếp và thực hiện các nghi lễ bang giao, vì vậy cần phải thực hiện mọi việc chu đáo, cẩn trọng, và cần phải chọn người cẩn trọng để lo công việc “Việc quan hệ đến người nước ngoài nhìn vào, nên mọi công việc xây dựng và cung ứng, khoản tiếp đều rất bận rộn vất vả, cần người có năng lực mẫn cán cùng giải quyết thì mọi việc mới có thể chu đáo” (Châu bản triều Thiệu Trị, tập 9, tờ 49)...

Không chỉ tạo tác và dâng tặng đặc sản, Hà Nội với những nỗi đau lịch sử đã không phải chỉ là niềm đau riêng của một vùng đất. Những sự kiện chính trị-quân sự liên quan tới thành Hà Nội kéo theo những phản ứng xã hội từ nhiều địa phương khác là minh chứng sắc nét về tầm quan trọng của vùng đất cố đô này.

Anh Vũ

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá