Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Vấn đề làm ăn buôn bán của người Hoa tại Hà Nội và đối sách của triều Nguyễn
Thứ tư, 20/11/2019 02:48

Ở trong nhiều địa phương trên khắp lãnh thổ Việt Nam, nhất là tại những tỉnh thành có nhiều điều kiện thuận lợi cho giao thương, buôn bán hiếm khi vắng bóng người Hoa. Hà Nội – dưới thời Nguyễn là cố đô nhưng lại là trung tâm kinh tế - ngoại giao của cả nước, là nơi tập trung khá đông người Hoa đến sinh sống và làm ăn. Bởi vậy, nhà Nguyễn khá quan tâm đến lực lượng này và đã có nhiều chính sách liên quan trực tiếp đến tầng lớp thương nhân người Hoa này. Hà Nội hiện còn lưu trữ không ít văn kiện về Hà Nội với vai trò thủ phủ của Bắc kỳ - nơi chứng kiến và diễn ra nhiều động thái liên quan tới người Hoa thời nhà Thanh. Vấn đề này được phản ánh khá rõ nét trong hệ thống Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội – công trình thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Trong rất nhiều vấn đề đối ngoại của nhà Nguyễn, không thể không nhìn nhận một vấn đề nổi bật là vấn đề người Hoa làm ăn và cư trú trên lãnh địa nước An Nam nói chung, trên phần đất của Hà Nội nói riêng. Cộng đồng người Hoa tập trung khá đông thành các bang hội kéo theo thói quen cố định là có các dinh cơ quy mô khang trang. Với những kỹ năng buôn bán làm ăn nhạy bén người Hoa thường nhanh chóng thiết lập các mạng lưới buôn bán sâu rộng từ nơi họ cư trú. Ngay từ khi bắt đầu là kinh đô Thăng Long đến khi trở thành cố đô, Hà Nội từ nhiều thế kỷ đã không còn xa lạ với những phố, phường của người Hoa. Một điều dĩ nhiên là trong làm ăn buôn bán khó tránh những mâu thuẫn về lợi ích, và điều này không chỉ xảy ra giữa giới thương nhân người Hoa với người Việt, người ngoại quốc khác mà đôi khi diễn ra trong chính nội bộ người Hoa với nhau. Nhận thấy được tình hình ấy, triều đình nhà Nguyễn yêu cầu quan lại tỉnh Hà Nội phải giám sát kỹ các hoạt động làm ăn buôn bán của người Hoa, đồng thời đưa ra nhiều chính sách nhằm quản lý được tầng lớp thương nhân người Hoa trên địa bàn Hà Nội.

Một ví dụ điển hình đó là, dưới thời vua Minh Mệnh, bản tấu của Nam Định trình việc: “Hà Nội cử người đi theo giám sát thuyền của Lý Nghĩa Thành là nhà buôn người Thanh, về giao tỉnh ấy đưa ra khỏi cửa biển. Sau đó vì gặp gió va vào bờ khiến vỡ thuyền, trôi dạt đến khúc sông xã Chân Ninh huyện Mỹ Lộc tỉnh ấy thì bị rò nước đắm thuyền. Qua việc tâu báo tường tận của phái viên ấy, đã cử người đi khám xét thì đúng sự thực. Căn cứ theo lời khai xin cứu hộ của chủ thuyền Lý Nghĩa Thành, tỉnh ấy trộm nghĩ việc tên ấy xin cũng là thoả đáng. Đã cử biền binh cùng viên nguyên giám sát của Hà Nội giải y về Hà Nội, do tỉnh Hà sức cho trưởng phố quản nhận để bọn họ lo liệu chờ sau này tuỳ liệu trở về nước Thanh” (Châu bản triều Minh Mệnh – 1840, tập 77, tờ 81-82). Từ một trường hợp này có thể nhận thấy những khía cạnh về việc người Hoa được quản lý chặt chẽ với những hội đoàn của họ trên đất Hà Nội, về dòng buôn bán giữa Nam Định - Hà Nội và các địa phương khác, kèm trong đó là nhiều quy tắc, định lệ do chính quyền đặt ra. Đời vua Thiệu Trị, tỉnh Hà Nội cho phép thương gia Thanh quốc vào buôn bán có nộp thuế theo quy định, với điều kiện các tàu buôn phải bị kiểm tra chặt chẽ và không chứa những hàng cấm như nha phiến, sách Tây... Trong bản tấu của tỉnh Nam Định năm 1841 nêu rõ: “Có một chiếc thuyền buôn, chủ thuyền người Thanh là Trần Thuận Dụ vào hạt đó. Đã sức cho cử người khám kiểm thấy trong thuyền đó không chở người Tây, sách Tây, cũng không có nha phiến cùng cấm vật. Bọn đó tình nguyện chạy đến tỉnh Hà Nội buôn bán, đã phái cử người đi theo thuyền đó đến giao cho tỉnh Hà Nội xem xét thu thuế theo lệ và cho mở khoang thuyền bán hàng. Bộ thần sức cho tra xét thuế lệ thấy phù hợp”. (Châu bản triều Thiệu Trị - 1841, tập 13, tờ 68-69). Bản tấu của tỉnh Nam Định trình lên năm 1845 càng chứng minh rõ điều này: ‘Một chiếc thuyền buôn Quảng Châu nhà Thanh, chủ thuyền là Kim Đại Long đến buôn bán. Đã phái người đến khám kiểm, không thấy có sách Tây, người Tây, nha phiến cùng các vật cấm. Còn các loại hàng hóa chở đến đều là hàng Quảng Châu, nhưng vẫn chiểu theo y lệ: tàu ấy rộng 1 trượng 3 thước 6 tấc, nên đánh thuế là 1.224 quan tiền, chiểu thu nửa bạc nửa tiền. Sau đó, căn cứ theo đơn của hộ thuyền ấy nói là tình nguyện đến Hà Nội thông thương buôn bán, đã phái giám tọa thuyền ấy, giao cho tỉnh ấy kiểm tra thu thuế theo lệ. Bộ thần sức tra cứu lệ thuế sổ mục đều phù hợp, xin đem sổ thương khẩu gộp cùng dâng trình” (châu bản triều Thiệu Trị - 1845, tập 30, tờ 340).

Từ đời vua Tự Đức trở về sau, trong châu bản phản ảnh những khía cạnh đa dạng, phức tạp hơn về mối liên quan giữa người Hoa – việc thương mãi của người Hoa – các vấn đề xã hội của người Hoa trên địa bàn Hà Nội. Thương nhân Trung Quốc để được vào làm ăn ở Hà Nội, theo quy định, cần phải chịu trách nhiệm nhận tiền từ công quỹ nước Nam để tìm mua và giao nộp cho chính quyền sở tại một số loại hàng hóa theo yêu cầu, trong thời hạn quy định. Hàng hóa được đặt hàng cho thương nhân Trung Quốc tìm mua thường là đặc sản phương xa, vật phẩm có giá trị mà nước Nam không sản xuất được. Việc hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm này của nhà buôn người Hoa là tiền đề để quan chức Nam triều cân nhắc và đề đạt giảm thuế thương mãi cho thương khách đó. Ví dụ như vào năm 1851, bộ Hộ đã tâu trình về việc xem xét giảm thuế cho các thuyền buôn nước Thanh đến buôn bán: “Từ tháng Giêng đến tháng Chạp, thương thuyền người Thanh lần lượt đến buôn bán tất cả là 5 chiếc. Trong đó có chiếc thuyền Kim Phong Thịnh 1 lần đến buôn bán nguyên có lĩnh 8.000 quan về nước Thanh sắm sửa các loại hàng hoá, nay đã đưa đến nộp. Vậy thuế cảng thuyền ấy được giảm số lượng là bao nhiêu, xin đợi cuối năm tập hợp nhập vào sách thuế cảng của thuyền buôn trong năm. Trong đó có chiếc thuyền Kim Hưng Phát, trước đây có đến buôn bán một lần, nguyên nhận 7.000 quan tiền sắm sửa các hàng hoá đã vâng nộp xong, đã được giảm 7 phần thuế cảng, trưng thu 3 phần. Lần sau lại đến buôn bán 1 lần, không lĩnh mua các loại hàng hoá, đã vâng mệnh gộp cùng số thuế cảng thụ từ các thuyền người Thanh số lượng là bao nhiêu, đem cất trữ xong rồi tập hợp ghi tấu sách. Bộ thần sức cho xem xét số mục ghi trong sách, so với số mục tư báo lần lượt của tỉnh ấy năm ngoái và số tiền bạc thuế cảng cần trưng thu đều phù hợp (Châu bản triều Tự Đức, tập 26, tờ 28-29).

Mặc dù đã cởi mở hơn đối với thương nhân người Hoa, song trong vị trí chủ quản nền hành chính của một tỉnh thành quan trọng ở Bắc Kỳ, quan chức Hà Nội và triều đình nhà Nguyễn không lơi là trọng trách giữ an ninh của tỉnh Hà Nội trước sự xâm nhập từ nhiều hướng của Hoa kiều. Châu bản triều Tự Đức – 1857, tập 73, tờ 219-225, Bộ Hộ đã tâu trình về việc tên Lý Hoán Ký là một thương nhân Trung Quốc có nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ đa dạng ở phố Thanh Hà, huyện Thọ Xương (phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội) đã nhiều năm, xin được tự bỏ tiền dựng một dãy nhà ngói trong thành [Huế] để việc buôn bán được lưu thông. Tuy nhiên quan chức Hà Nội đã tâu báo về lịch trình thương mãi của viên thương nhân này, trong đó có cả ‘tiền án’ về nợ ngân sách công, điều này làm cơ  sở  để triều Nguyễn không phê duyệt cho tên này mở dinh cơ làm ăn ở kinh thành.

Sự hiện diện và tích cực làm ăn của giới thương nhân người Hoa khiến dấu ấn của họ ngày thêm rõ nét trong nhiều vấn đề xã hội của Hà Nội, được ghi nhận nhiều trong châu bản triều Nguyễn càng chứng tỏ vị trí địa - chính trị bất biến của cố đô Thăng Long. Tuy nhiên, trước sự lớn mạnh của tầng lớp thương nhân này, triều đình nhà Nguyễn liệu có đủ tỉnh táo, hay có những đối sách để vừa lợi dụng được họ nhưng phải quản lý được trong khuôn khổ của luật pháp nước Nam. Đó thật sự là điều không dễ dàng cho vua tôi triều Nguyễn nói chung và quan lại tỉnh thành Hà Nội nói riêng.

Anh Vũ

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá