Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Thăng Long - Hà Nội - mảnh đất “trăm nghề” qua cuốn sách “Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội”
Thứ tư, 27/11/2019 09:28

 Mang trong mình bề dày lịch sử 1000 năm,Thăng Long - Hà Nội là mảnh đất hội tụ tinh hoa từ mọi miền đất nước. Các nghề khéo trăm miền, những thợ thủ công tài hoa từ nhiều địa phương kéo về đất Kẻ Chợ cùng nhau “đua sức, đua tài” chế tác nhiều sản phẩm thủ công truyền thống, nổi tiếng trong và ngoài nước. Những sản phẩm hàng hóa tinh xảo mà họ làm ra khiến phố phường Hà Nội trở nên sầm uất, khiến đất Kinh kỳ ngày càng phồn thịnh. Những cuộc di cư, mở nhà, dựng làng, lập phố của họ cũng mang đến cho mảnh đất Hà thành một diện mạo mới, một sắc màu văn hóa mới,vô cùng độc đáo. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, công cuộc tạo dựng và vun đắp của những người “giữ lửa nghề” ấy chưa bao giờ ngừng lại. Tuy đâu đó vẫn còn bị mai một nhưng nó vẫn luôn được tiếp nối và ngày càng phát triển.

Hà Nội xưa được biết đến với lụa Vạn Phúc, mộc mỹ nghệ Vạn Hà, gốm sứ Bát Tràng, dát quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ, chế tác kim hoàn Định Công… Hà Nội nay (sau khi được mở rộng địa giới hành chính, hợp nhất tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình) còn được biết đến với hàng trăm các làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng khác. Thủ đô Hà Nội trở thành địa phương có nhiều làng nghề thủ công truyền thống nhất trong cả nước, trở thành mảnh đất “trăm nghề” với khoảng 1350 làng có nghề, trong đó có 272 làng được công nhận là làng nghề, 198 làng nghề truyền thống (tính đến ngày 31/10/2013). Làng nghề đặc biệt có giá trị trong việc phát triển kinh tế, thu hút lao động thời vụ ở địa phương, tạo việc làm và là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình. Hơn thế, nó cũng là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa, nơi bảo tồn và phát huy các giá trị nghề truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Viết về làng nghề thủ công truyền thống của Thăng Long - Hà Nội từ trước đến nay có khá nhiều công trình tiêu biểu. Trong đó phải kể đến cuốn “Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trên đường phát triển” do chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Vũ Quốc Tuấn chủ biên, Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành vào năm 2010, được in ở giai đoạn I của Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Đến giai đoạn II, với mục đích tiếp nối dòng sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời có sự tổng hợp, đúc kết và hệ thống lại một cách khoa học quá trình hình thành và phát triển các làng nghề theo suốt chiều dài lịch sử, Nhà xuất bản lại tiếp tục cho ra mắt cuốn sách “Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” do TS. Đinh Hạnh chủ biên. Đây là cuốn sách được viết dưới một góc nhìn khác biệt, vừa mang tính “hoài cổ” vừa mang tính “đương đại” lại mang đậm màu sắc văn hóa riêng có của Thăng Long - Hà Nội. Tính hoài cổ của cuốn sách được thể hiện rõ trên từng trang viết. Mỗi dòng, mỗi câu đều thấm đẫm dấu ấn lịch sử. Những bài giới thiệu về các làng nghề thủ công tiêu biểu khi truyền thụ đến người đọc luôn được bắt đầu từ truyền thống lịch sử của các làng nghề, tổ nghề từ hàng nghìn, hàng trăm năm trước, rồi mới miêu tả đến quá trình tồn tại và phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, việc đi sâu phân tích các yếu tố tác động đến quá trình tồn tại và sự phát triển của các làng nghề lại chính là mạch viết mang tính đương đại. Nó nêu bật các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời đại hiện nay, đồng thời cũng đưa ra những mặt trái của sự phát triển. Dù vậy, vẻ đẹp văn hóa cùng sức sống mãnh liệt của các làng nghề thủ công tiêu biểu trong cuốn sách vẫn luôn được khẳng định.

Đối tượng mà cuốn sách đề cập đến không chỉ là những làng nghề thủ công tiêu biểu mà còn là các nghệ nhân tiêu biểu. Dựa trên những tiêu chí lựa chọn nhất định, nhóm biên soạn đã giới thiệu đến người đọc 39 làng nghề và 19 nghệ nhân tiêu biểu. Đó là những làng nghề, những nghệ nhân mang tính đại diện cao có những đóng góp tích cực, những thành tích nổi trội ở mỗi địa phương, và trên hết là được cấp “bằng công nhận” không chỉ trên danh nghĩa mà còn trong lòng của chính người dân Thủ đô và cả nước.

Là người say mê nghiên cứu về kinh tế, trăn trở với sự phát triển của các làng nghề Thủ đô, và đặc biệt là có nhiều năm kinh nghiệm trong việc làm sách, TS. Đinh Hạnh cùng các cộng tác Đinh Thị Liên và Đinh Cẩm Ly đã đưa đến cho bạn đọc một cuốn sách nghiên cứu và tham khảo khá thú vị. Nó không chỉ giới thiệu các làng nghề đến bạn đọc nói chung mà còn có giá trị đối với các nhà chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng như các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Thủ đô.

Trang Phạm

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá