Xác định vị trí cửa Trường Quảng khi tìm hiểu về địa điểm Đàn Xã tắc
Cửa Trường Quảng thuộc thành Đại La. Thành Đại La thì chính là vòng thành ngoài cùng trong cấu trúc tổng thể 3 vòng thành bao bọc lẫn nhau của kinh thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thành Đại La được đắp chính thức từ năm 1014. Năm ấy ghi rõ: “Đắp thành đất ở bốn mặt kinh thành Thăng Long”.
Kể từ năm 1014, thành Đại La được tu sửa, bồi đắp, mở mang liên tục. Sử đã ghi được việc sửa chữa tu bổ toà thành này trong các năm 1078, 1154, 1170, 1239, 1429, 1477, 1517, 1517, 1588, 1592, 1597, 1788… So với các vòng thành bên trong, dấu tích của thành Đại La còn để lại khá rõ và được các nhà sử học, khảo cổ học xác định quy mô khá chính xác. Từ phía bắc, thành Đại La chạy men theo phía nam của sông Tô Lịch mà dấu tích hiện còn chính là đường Hoàng Hoa Thám. Con đường này chạy từ đông sang tây đến dốc Bưởi, thì ngoặt về phía nam và tiếp tục men theo dòng sông Tô Lịch chạy đến Ô Cầu Giấy, thì ngoặt sang phía đông theo đường La Thành – Đê La Thành - Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân – Ô Đông Mác. Ở phía đông, thành Đại La chính là đê sông Hồng. Hiển nhiên do điều kiện sông Hồng bồi lở khôn lường cho nên vị trí chính xác của thành Đại La cổ xưa ở phía này hẳn còn nằm sâu hơn con đê sông Hồng hiện nay.
Như vậy, theo nhóm nghiên cứu, vị trí của 3 mặt bắc, tây và nam thành Đại La được xác định khá rõ, chỉ còn mặt đông vẫn còn là dấu hỏi lớn còn phải nghiên cứu lâu dài. Trong 3 mặt đã được xác định tương đối rõ của thành Đại La, giới nghiên cứu đã xác định được một số cửa mà sử củ ghi tên như: Triều Đông (khoảng dốc Hoà Nhai), Tây Dương (Ô Cầu Giấy), Cửa Nam (Ô Cầu Dền), cửa Vạn Xuân (Ô Đống Mác) và Trường Quảng (Ô Chợ Dừa). Ở đây, Ô là tên gọi về sau có thể từ khoảng năm 1749. Cửa Trường Quảng chính là cửa được sử cũ mô tả có đàn Xã Tắc ở bên ngoài. Thời Lý, sử cũ nhắc tới cửa Trường Quảng 5 lần trong các năm 1033, 1048, 1072, 1201, 1219. Như vậy, có thể thấy đây là một cửa quan trọng của thành Đại La.
Đối chiếu với thực địa, nhóm nghiên cứu có thể thấy vị trí của di tích đã được hồ sơ của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội ghi là đàn Xã Tắc chính là vị trí cửa Trường Quảng thời Lý, vì về phía bắc di tích có dấu tích thành Đại La; giữa đường La Thành và Đê La Thành cắt phố Nguyễn Lương Bằng và Tôn Đức Thắng là Ô Chợ Dừa và gọi đầy đủ là cửa Ô Chợ Dừa. Tên gọi Ô Chợ Dừa được chính thức ghi tên trên bản đồ Hà Nội năm 1873. Cửa ô này, theo thư tịch cổ có rất nhiều tên gọi khác nhau. Gọi là Ô Chợ Dừa vì ngày xưa ở đây có cầu Dừa bắc qua hào để đi vào trong thành. Gọi là Ô Thịnh Quang vì cửa Ô thuộc phường Thịnh Quang. Khi phường Thịnh Quang đổi là phường Thịnh Hào thì lại gọi là Ô Thịnh Hào. Theo Đỗ Văn Ninh còn có tên Ô Thổ Quan vì có lúc ô thuộc phường Thổ Quan. Trong các tên gọi này, tên Ô Chợ Dừa là phổ biến hơn cả. Địa danh Chợ Dừa, cửa Chợ Dừa, cửa Cầu Dừa còn xuất hiện khá sớm. Năm 1588 khi quân Lê Trịnh đánh nhau với quân Mạc, sử đã ghi địa danh Cầu Dừa, cửa Cầu Dừa trong các năm 1588, 1592.
Ngày nay, theo sự phát triển của Thủ đô, Cầu Dừa đã bị mất, nhưng vẫn còn Chợ Dừa và dấu tích Ô Chợ Dừa giữa ngã 5 La Thành - Khâm Thiên - Tôn Đức Thăng - Nguyễn Lương Bằng ngày nay. Ở mỗi một cửa ô đều có chợ, có cầu. Ô Chợ Dừa (hay Ô Cầu Dừa) có chợ Dừa, Cầu Dừa tương tự như Ô Cầu Giấy hay cửa Tây Dương của Thành Đại La có chợ Tây Dương, cầu Tây Dương.
Vấn đề là Ô Chợ Dừa ngày nay có thể được xem là cửa Trường Quảng thời Lý hay không? Hiện, không có tư liệu nào ghi chép về điều này, do đó để trả lời câu hỏi này, theo nhóm nghiên cứu, chúng ta phải tìm xem gần cửa ô này có dấu tích của đàn Xã Tắc hay không? Đây là suy luận ngược hay có người gọi là chứng minh ngược. Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán có lẽ là người đầu tiên làm điều này. Hai ông đã cho biết gần cửa Ô Chợ Dừa có dấu tích đàn Xã Tắc ở ngõ Xã Đàn. Do đó, Ô Chợ Dừa chính là cửa Trường Quảng thời Lý. Một số nhà nghiên cứu khác cũng nhắc tới vị trí đàn Xã Tắc ở đây. Tiếp đó, Hồ sơ của Ban Quản lý Di tích và Danh Thắng Hà Nội đã đánh dấu vị trí của đàn Xã Tắc ở khu vực nhà số 1, ngõ Xã Đàn 1, phường Nam Đồng.
Theo nhóm nghiên cứu, có một số nguồn tư liệu khác hỗ trợ cho việc tìm kiếm dấu tích của đàn Xã Tắc ở đây.
Trước hết, địa danh ngõ Xã Đàn chính là địa danh bắt nguồn tên phường Xã Đàn xưa của kinh đô Thăng Long thời Lê và tỉnh thành Hà Nội thời Nguyễn. Ít nhất thì tên phường Xã Đàn đã tồn tại từ thế kỷ XVII khi mà trong chùa Xã Đàn có một tấm bia Lê năm 1699 cho biết chùa được lập trên đất Xã Đàn.
Theo Đồng Khánh địa dư chí lược (1886-1888) và Đại Việt địa dư toàn biên (1854-1872) đều ghi địa danh phường Xã Đàn tức là phường có đàn Xã Tắc thuộc tổng Yên Hoà, huyện Thọ Xương.
Địa bạ thôn Xã Đàn, tổng Yên Hoà, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội do ông lý trưởng Lê Khuông khai ngày 5/12 năm Minh Mệnh 18 (1837) ghi chép chi tiết về địa vực thôn Xã Đàn: Giáp thôn Trung Tự, phường Đông Tác về phía đông, đối viện với phường Thịnh Hào về phía tây, giáp ngòi nhỏ trại Nam Đồng về phía nam, giáp thôn Thổ Quan về phía bắc.
Đến thế kỷ XIX, nhà Nguyễn phá bỏ kinh thành Thăng Long của nhà Lê để xây thành Hà Nội. Từ đó trở đi đàn Xã Tắc dần dần bị suy tàn chỉ còn nền móng. Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn xác định: “Đàn Xã Tắc nhà Lý ở địa phận huyện Vĩnh Thuận về phía tây nam tỉnh thành, đắp từ năm Lý Thiên Cảm Thánh Vũ thứ 5 (1048), nay vẫn còn nền cũ ở thôn Thịnh Hào”. Đến năm 1942 di tích chỉ còn địa hình cao trên đó có một ngôi miếu nhỏ. Như vậy, khu vực ngõ Xã Đàn cho đến thời điểm năm 2006, trước đó thuộc thôn Xã Đàn thời Nguyễn, phường Xã Đàn thời Lê là nơi có sự hiện diện của đàn Xã Tắc, Xã Đàn chỉ là một tên gọi tắt hay một loại tên gọi của đàn Xã Tắc mà thôi. Trong thực tế, tên Xã Đàn đã xuất hiện chính thức từ thời Trần. Việt điện u linh đã ghi rõ tên đàn ở đây “tục gọi là Xã Đàn tư thần”. Trước đó, tên Xã Đàn xuất hiện từ năm 1284.
Đặc biệt ở đình Đông Các, đối diện với ngõ Xã Đàn 1 có 2 tấm bia thời Lê ghi rõ vị trí của đình trong tương quan với vị trí của đàn Xã Tắc. Tấm bia Cao Sơn Tây Hưng miếu, niên hiệu Chính Hoà thời Lê (1680-1705) ghi: “Bên tả, về phía Thanh Long, dòng nước uốn quanh, đình này đứng song song với đàn Xã Tắc”. Bia Nghĩa Phê tạo đình bi ký năm Chính Hoà thứ 13 (1692) cũng nhắc lại vị trí của đình so với đàn Xã Tắc và cho biết đình “cao ngang đàn Xã Tắc”. Đối chiếu với vị trí của đình hiện nay với vị trí của di tích đàn Xã Tắc theo Hồ sơ của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội nhóm tác giả thấy phù hợp.
Như vậy, địa danh ngõ Xã Đàn, thôn Xã Đàn, phường Xã Đàn nay thuộc phường Nam Đồng, quận Đống Đa bắt nguồn từ tên gọi di tích đàn Xã Tắc được xây dựng thời Lý hay Xã Đàn thời Trần. Như thế, cửa Ô Chợ Dừa, do đó có sự hiện diện của đàn Xã Tắc ở phía đông năm gần đó chính là cửa Trưởng Quảng thời Lý, hay ngược lại, di tích phía đông nam cửa Trường Quảng chính là di tích đàn Xã Tắc của kinh đô Thăng Long. Ngày nay, con đường lớn Ô Chợ Dừa – Kim Liên được mang tên Xã Đàn ghi dấu mãi mãi về sự có mặt của một đàn tế quan trọng của kinh thành Thăng Long ở đây.
Điều thú vị là trong khi tìm hiểu vết tích đàn Xã Tắc, các nhà khảo cổ học bất ngờ tìm thấy bên dưới các dấu tích đàn Xã Tắc còn có các di tích chỉ niên đại thuộc các thời kỳ lịch sử sớm hơn. Ngay dưới di tích đàn Xã Tắc là lớp văn hoá có chứa các di tích, di vật có niên đại khoảng thế kỷ I – II đến thế kỷ IX – X. Bên dưới lớp văn hoá 10 thế kỷ sau Công nguyên là lớp văn hoá Phùng Nguyên muộn có niên đại khoảng 3.500 năm cách ngày nay.
Như vậy, theo nhóm nghiên cứu thì địa điểm khảo cổ này không chỉ là một địa điểm chỉ có di tích đàn Xã Tắc mà còn có dấu tích di chỉ cư trú của hai thời kỳ khác nhau nữa. Do dó chúng tôi gọi đây là địa điểm khảo cổ Đàn Xã Tắc với ý nghĩa một địa điểm khảo cổ chứa các di tích của 3 tời khác nhau: thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên muộn, thời kỳ 10 thế kỷ sau Công nguyên, thời kỳ có di tích đàn Xã Tắc Lý - Trần - Lê. Để có cái nhìn cụ thể, chính xác về vị trí cửa Trường Quảng khi tìm hiểu địa điểm Đàn Xã Tắc, độc giả hay tìm đọc cuốn sách “Di tích khảo cổ Đàn Xã Tắc Thăng Long – Thăng Long – Xã Tắc Altar archaeological site” do PGS.TS. Tống Trung Tín chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.
Kim Thuỷ