Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Diện mạo kiến trúc Hà Nội với chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất
Thứ tư, 27/11/2019 09:52

Cuốn sách “Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội” do KTS. Lê Văn Lân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành sẽ giới thiệu tới bạn đọc bức tranh kiến trúc Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, những biến đổi của không gian đô thị Hà Nội từ khi Pháp xâm lược Việt Nam, những diện mạo thay đổi của đô thị Hà Nội khi Việt Nam giành được độc lập và phát triển ngày nay. Trong nội dung bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu vài nét về diện mạo kiến trúc Hà Nội khi Pháp thực hiện chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất đã được KTS. Lê Văn Lân cùng các cộng sự của mình trình bày chi tiết trong cuốn sách.

Từ năm 1888 đến năm 1920 là thời kỳ tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Đây là thời kỳ thực dân Pháp tập trung nỗ lực xây dựng, mở rộng Hà Nội để biến Hà Nội không chỉ là thủ phủ hành chính, chính trị của xứ Bắc Kỳ thuộc Pháp mà còn là thủ đô liên bang Đông Dương. Trong những năm 1894 – 1897, những phần còn lại của Hoàng thành đã bị phá huỷ nốt chỉ để lại cổng Chính Bắc với vết đạn công thành. Thành Hà Nội đến đây mất hẳn diện mạo quen thuộc trong cảnh quan thành phố.

          Ở khu vực hồ Hoàn Kiếm lịch sử, thực dân Pháp cũng đã phá huỷ gần như toàn bộ hệ thống các di tích văn hoá, kiến trúc truyền thống nằm rải rác xung quanh hồ để lấy chỗ xây dựng khu phố Tây. Sự phá huỷ thô bạo các kiến trúc của Hà Nội thực sự là việc làm phản văn hoá đã khiến cho Paul Doumer toàn quyền Đông Dương phải hối tiếc.  Cùng thời gian, người Pháp tập trung hoàn thiện xây dựng khu trung tâm hành chính, chính trị của thành phố Hà Nội ở phần đất phía đông hồ Hoàn Kiếm. Ý đồ này đã được các toàn quyền đầu tiên Paul Bert và Paulin Vial  khởi xướng và bắt đầu thực hiện vào những năm 1886-1888. Khu trung tâm hành chính thành phố Hà Nội nằm ở vị trí tiếp cận phía nam với khu phố cổ Hà Nội, được giới hạn bởi các phố Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền và Ngô Quyền. Đây là khu vực xây dựng tập trung bao gồm các cơ quan hành chính, chính trị đầu não của bộ máy chính quyền thực dân ở Hà Nội. Đó là toà Đốc Lý, toà Thống sứ, kho bạc, bưu điện, ngân hàng Đông Dương, Sở Công chính, khách sạn Chính quốc, Câu lạc bộ sĩ quan… và vườn hoa Pôn Be.

          Mặt bằng quy hoạch tổng thể cụm công trình trung tâm, ban đầu do Montalembert, chuyên viên trắc đạc thiết kế năm 1884, theo các nguyên tắc quy hoạch thịnh hành thời bấy giờ ở pháp. Đó là nguyên tắc đối xứng trong bố cục quy hoạch. Trục vườn hoa Pôn Be là trục chính được đặt vuông góc với bờ hồ Hoàn Kiếm vừa để tạo sự thông thoáng nhờ hệ thống cây xanh, vừa để nối trung tâm liên hoàn với hệ thống không gian mở có cây xanh, đường dạo xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Toà Đốc Lý (nay là trị sở UBND thành phố) và kho bạc (nay là Ngân hàng Công Thương) đặt ở phía bắc trục chính. Bưu điện và dinh Thống sứ Bắc kỳ đặt ở vị trí đối xứng phía nam trục chính. Công trình cuối cùng là Ngân hàng Đông Dương khép lại trục chính ở phía đông. Năm công trình kiến trúc kết hợp với vườn hoa tạo thành một tổng thể trung tâm trọn vẹn được thiết kế và xây dựng hoàn toàn theo phong cách quy hoạch và kiến trúc Pháp.

          Đặc điểm kiến trúc của những công trình hành chính đầu tiên ấy, về căn bản, vẫn là loại kiến trúc thuộc phong cách kiến trúc thực dân tiền kỳ dựa trên chủ nghĩa công năng đơn giản, tuy đã có ít nhiều sửa đổi về quy mô, tỷ lệ khối và chi tiết trang trí kiến trúc. Cả năm công trình trên đều do Vezin và Huardel thiết kế dưới dự chủ trì của kỹ sư Getten trưởng phòng Công chính và do toàn quyền Pôn Be ký duyệt tháng 7 năm 1886. Các công trình xây bằng gạch kiên cố, cao hai tầng: tầng một cao 2,5m, tầng hai 4,1 mét, xung quanh có hành lang rộng được hoàn thành vào cuối năm 1887.

          Những biến đổi mạnh mẽ về xây dựng ở Hà Nội những năm tiếp theo đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt kiến trúc khu vực trung tâm. Ngày nay chỉ còn lại hai trong số 5 công trình của tổng thể trung tâm ban đầu, đó là toà Đốc Lý và kho bạc. Ba công trình khác đã lần lượt bị phá đi để xây dựng công trình mới có quy mô lón hơn và kiến trúc hoàn toàn khác trước. Để có được khu trung tâm hành chính thực dân ở Hà Nội, thực dân Pháp đã phá đi một số di tích kiến trúc truyền thống của Hà Nội vốn đã gắn bó lâu đời với phần đất phía đông của hồ Hoàn Kiếm. Toà Đốc Lý Hà Nội được xây dựng trên nền chùa Phổ Giác, Bưu điện được dựng lên trên nền chùa Báo Ân xưa. Giờ đây những di tích ấy không còn nữa.

          Cùng thời gian, người Pháp hoàn thiện hệ thống đường dạo, trồng cây xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Nhà hát đầu tiên mà người Pháp đã xây dựng trước đó ở trước của nhà máy điện cũng được xây dựng năm 1885 (nay là Sở Điện), kết hợp với việc khai thác mặt nước hồ cho mục đích đi thuyền du ngoạn, không gian xung quanh hồ đã trở thành không gian nghỉ ngơi, giải trí. Không gian ấy kết hợp với vườn hoa Paul Bert làm sống động khu trung tâm hành chính của Hà Nội, là kết quả hoạt động của Lyautey được người Pháp lúc bấy giờ gọi là một nhà cải cách về đô thị.

          Khu vực hồ Hoàn Kiếm ở thời kỳ này đã được quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh theo phong cách kiến trúc Pháp, đã trở thành một trung tâm có đầy đủ chức năng như hành chính, tín ngưỡng, thương nghiệp, dịch vụ và văn hoá giải trí. Việc xây dựng hoàn chỉnh một trung tâm Hà Nội với đầy đủ các chức năng là nhằm khuyến khích người Pháp sang định cư, làm ăn lâu dài và thể hiện dã tâm xâm chiếm lâu dài Đông Dương.

          Xét về quan điểm quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, vị trí hồ Hoàn Kiếm - một danh thắng độc đáo của Hà Nội, lại ở liền sát với khu phố buôn bán, sầm uất lâu đời của Hà Nội, được người Pháp chọn làm trung tâm để tiếp tục mở rộng thành phố về phía nam là vị trí thích hợp. Nơi ấy, hơn một năm trước đã từng là phủ Chúa Trịnh, một trung tâm hành chính phong kiến, một yếu tố tạo thị thời phong kiến đã có tác dụng “đô thị hoá” các làng xóm xung quanh thành Thăng Long xưa. Khu vực Hồ Hoàn Kiếm lần đầu tiên gia nhập vào cơ cấu chung của Hà Nội với tư cách là một trung tâm mới của Hà Nội thời phong kiến, mặc dù quá trình “trung tâm hoá” khu vực hồ Hoàn Kiếm khi đó chưa tới đích trọn vẹn.

          Song song với việc hoàn thiện khu vực trung tâm hồ Hoàn Kiếm, người Pháp đã tiến hành chỉnh trang khu vực “36 phố phường” của Hà Nội. Bắt đầu từ việc lấy đoạn sông Tô Lịch từ phố Chợ Gạo nơi sông Hồng tiếp nước cho sông Tô, đi vào trong khu phố cổ, tiếp đến phá bỏ các cổng ngăn giữa các phường trong phố, cùng những lều, quán nước trà; mở rộng, nắn thẳng và trải đá mặt đường, đồng thời tạo vỉa hè lát gạch cùng hệ thống cống rãnh thoát nước; cuối cùng là xây dựng một số chợ có mái, cùng một số ít các dinh thự nhỏ dùng làm nơi làm việc tạm thời cho chính quyền thực dân.

          Những can thiệp về chỉnh trang giao thông của người Pháp đã làm thay đổi bộ mặt không gian đường phố của Hà Nội xưa. Phố rộng, liên hoàn tạo thành một mạng lưới liên tục thuận tiện cho các hoạt động giao thương phường thủ công – buôn bán xưa mất đi tính khép kín vốn có của nó trong cấu trúc và tiếp nhận những ảnh hưởng từ bên ngoài về không gian kiến trúc và kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn này, mặc dù đã có một số can thiệp về xây dựng của người Pháp, song vẫn có ảnh hưởng của phương thức xây dựng Việt Nam truyền thống trong sửa chữa và xây dựng mới những ngôi nhà của mình.

          Từ năm 1900 trở đi, sau khi người Pháp đã củng cố về căn bản chính quyền ở Đông Dương, đã tiến hành công cuộc xây dựng các cơ quan đầu não ở Hà Nội với mục đích biến Hà Nội thành một dạng “Thủ đô Đông Dương”. Hà Nội bước sang một giai đoạn xây dựng mới với những đặc điểm kiến trúc và quy hoạch khác với giai đoạn trước. Sự khác biệt đó thể hiện qua việc mở rộng ranh giới Thành phố, việc xây dựng các hệ thống kỹ thuật đô thị, các công trình giao thông và đặc biệt là qua việc xây dựng công trình kiến trúc với quy mô và phong cách kiến trúc châu Âu đa dạng hơn. Có thể nói, đây là giai đoạn xây dựng lớn của người Pháp ở Hà Nội. Các công trình công cộng được xây dựng thời kỳ này, một mặt đã quyết định bộ mặt cơ bản của các khu phố Pháp, mặt khác đã đặt nền tảng về phong cách kiến trúc, kỹ thuật và vật liệu xây dựng cho các khu vực khác.

          Trong giai đoạn này (1888-1920) cũng đã thực hiện việc mở rộng xây dựng ở phía tây Hà Nội từ vị trí thành cổ, từng bước hoàn thiện để trở thành trung tâm hành chính – chính trị đầu não của Pháp ở Đông Dương. Mặt khác cũng mở rộng xây dựng ở khu vực phía Nam hồ Hoàn Kiếm làm cho khu vực này trở thành một khu phố Pháp thực sự với đầy đủ các chức năng kiểu đô thị châu Âu. Khởi đầu là tập trung xây dựng các công trình công cộng có quy mô lớn, rải rác ở những vị trí quan trọng, được nghiên cứu, chọn lựa kỹ với cách nhìn tổng thể. Đó là những vị trí án ngữ các trục đường lớn, có tầm nhìn đẹp và là điểm nhấn quan trọng trong không gian quy hoạch đô thị. Kiến trúc các công trình công cộng của thời kỳ này cũng được nghiên cứu sâu để thoát khỏi chủ nghĩa công năng đơn giản của kiến trúc thực dân tiền kỳ vào những năm 80 của thế kỷ XIX. Phong cách kiến trúc tân - cổ điển với đặc điểm bố cục đối xứng truyền thống được khai thác để thể hiện tính bề thế và hoành tráng qua các mặt chính của công trình, đồng thời được đặt ở vị trí là điểm nhấn trong tổng thể không gian quy hoạch, người Pháp muốn thông qua kiến trúc thể hiện sức mạnh áp đảo của thực dân, đồng thời gây ảnh hưởng của văn hoá Pháp ở Việt Nam.

          Hàng loạt các công trình quan trọng như Phủ toàn quyền, dinh Thống sứ, Toà án, Bưu điện, Câu lạc bộ Liên hiệp mà quàn gọi là nhà Xéc do KTS. Auguste Henri Vildieu phụ trách bộ phận thiết kế các công trình công cộng hành chính Đông Dương thực hiện. Các công trình khác như Nhà ga Hàng Cỏ, trụ sở Công ty xe lửa Đông Dương và Vân Nam, cầu Long Biên được hoàn thành vào năm 1902 theo tinh thần của phong cách cổ điển Pháp.

Cũng trong chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất Pháp đã xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng nối liền Hà Nội với Hải Phòng, Lào Cai, Đồng Đăng và Vân Nam – Trung Quốc, trở thành một trong những yếu tố tạo thị quan trọng. Song song với việc xây dựng các công trình giao thông, công trình công cộng và công trình sản xuất thì việc xây dựng nhà ở cũng đã được người Pháp quan tâm. Từ đầu thế kỷ XX, một số khu ở của người Pháp tại Hà Nội đã được hình thành ở khu vực phía nam hồ Hoàn Kiếm, được quy hoạch và xây dựng theo các nguyên tắc xây dựng phương Tây.  Hệ thống đường phố theo mạng ô cờ được quy hoạch và trang bị kỹ thuật đô thị tạo nên những ô phố vuông vắn. Trên những ô phố ấy, chia thành những lô đất nhỏ để xây dựng nhà ở loại biệt thự độc lập, có vườn riêng. Phong cách kiến trúc nhà ở phần lớn lại là phong cách kiến trúc Pháp ở chính quốc.

          Như vậy, trong 30 năm từ 1888-1920, thực dân Pháp đã có một số điều kiện thuận lợi để tiến hành xây dựng và mở rộng việc xây dựng khu vực dành riêng cho người Pháp và theo kiểu Pháp. Kết quả là “khu phố Tây” đã hình thành với đầy đủ diện mạo là khu phố theo phong cách quy hoạch và kiến trúc Pháp, khác biệt với hình thái đô thị truyền thống của “36 phố phường” Hà Nội. Kể từ đây, trong cấu trúc hình thái đô thị Hà Nội song song tồn tại hai thành phần cấu trúc khác biệt nhau, nhưng có ảnh hưởng lẫn nhau. Đó cũng là quá trình vận động, biến đổi logic từ tiếp xúc văn hoá, đến kết hợp văn hoá và cuối cùng là hoàn thiện một nền văn hoá có bản sắc.

          Cuốn sách chuyên khảo “Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội” viết về kiến trúc Thăng Long - Hà Nội, tổng hợp quá trình hình thành và phát triển của kiến trúc Hà Nội qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Bạn đọc muốn tìm hiểu sâu hơn về Thăng Long – Hà Nội, ngoài những giới thiệu về kiến trúc Thăng Long – Hà Nội qua cuốn sách trên, có thể tham khảo thêm bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” do GS. Phan Huy Lê chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.

Thảo Linh

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá