Đình và chùa Hữu Cước – di sản vật thể xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng
Đình Hữu Cước
Đình Hữu Cước thuộc thôn Hữu Cước, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Đình được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp Tỉnh năm 2007.
Đình thờ Cao Sơn đại vương. Cao Sơn tên thật là Nguyễn Hiển, sống ở thời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương), có công giúp vua Hùng nhiều lần đánh thắng Thục Phán. Cao Sơn là vị thần ngự ở bên tả của ba ngọn Ba Vì (Tản Viên ở giữa, Cao Sơn bên trái, Quý Minh bên phải). Tương truyền, vùng đất Hữu Cước là nơi Cao Sơn đã du ngoạn qua và dạy nhân dân cấy cày, làm nông nghiệp. Nhân dân nhớ ơn nên đã lập đền thờ.
Đình được xây dựng vào thế kỷ XVII và được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Đình quay hướng bắc, nằm sát chân đê sông Hồng. Khu thờ tự chính của đình có bố cục hình chữ “đinh” gồm đại bái, hậu cung. Đại bái có 3 gian 2 chái, bờ dải đắp bờ đinh, 4 bộ vì kèo làm kiểu kèo kẻ quá giang. Hậu cung ở phía sau, ngăn cách với tiền đường bằng một cửa bức bàn và 2 cửa nách hai bên. Phần trên 2 cửa nách là tấm ván bưng chạm trổ hình phượng cách điệu. Phía trên là xà nách cùng các con rường chạm chữ “thọ” và vân mây. Bộ vì thượng của hậu cung làm theo kiểu chồng rường với phần bưng dưới câu đầu là hình lưỡng long chầu nguyệt, dưới câu đầu là 2 quai soi đùi lá mang vắt. Các con rường được chồng khít lên nhau qua các đấu kê hình hoa sen. Phía trên cùng tiếp giáp với thượng lương là hoạ tiết hình hổ phù.
Đình còn bảo lưu 1 cuốn thần tích, 13 đạo sắc phong (sớm nhất là năm Cảnh Hưng thứ 44 (1773), đạo sắc muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924), chấp kích, sập thờ, hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị, đài nước thời Nguyễn…
Lễ hội làng Hữu Cước được tổ chức 5 năm một lần từ ngày 14 đến ngày 17 tháng Ba âm lịch. Ngày 16 tháng Ba là ngày chính hội. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian như đánh tổ tôm, hát ca trù, hát chèo, chọi gà…
Chùa Hữu Cước (Thiên Phúc tự)
Chùa thuộc thôn Hữu Cước, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh năm 2007. Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, qua hướng tây, gồm tam quan, tam bảo, nhà tổ, điện mẫu, nhà khách. Tam bảo bố cục hình chữ “đinh” gồm tiền đường, thượng điện. Tiền đường 5 gian 2 chái, xây kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc để trơn, hai đầu đắp đấu đinh, bờ chảy xây giật nhị cấp, vì kèo cổ ngỗng đỡ hoành hạ qua ván dong có cắt khấc đón các hoành. Phía trước tiền đường có hai trụ biểu, trên đỉnh trụ đắp nổi hai nụ sen, phía dưới là các ô lồng đèn được soi gờ chạy chỉ dọc thân trụ. Thượng điện nối với gian giữa tiền đường, bài trí các lớp tượng Phật theo kiểu tức Phật giáo Tào Động. Ở vị trí cao nhất là ba pho tượng Tam thế. Lớp thứ 2 là A Di Đà ở giữa, hai bên là 2 tượng tổ A Nan và Ca Diếp. Lớp thứ 3, chính giữa là tượng Quan Âm, hai bên là tượng Thị giả theo hầu. Lớp thứ 4 có tượng Ngọc Hoàng ở giữa, hai bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu có niên đại thế kỷ XIX. Lớp tiếp theo là toà Cửu Long Thích Ca sơ sinh. Bên trái của thượng điện đặt tượng Bà chúa Tây Năng, tương truyền là tổ nghề tầm tang. Trước tam bảo đặt tượng Hộ pháp Khuyến thiện và Trừng Ác. Tiền đường là nơi toạ lạc của hai bộ tượng Đức Ông và Thán Hiền.
Chùa còn lưu giữ 1 tấm bia đá Tu tạo cổ tích Thiên Phúc tự bi ký có niên đại Chính Hoà (1680-1705), 1 chuông đồng niên hiệu Minh Mệnh (1820-1841), 3 bát hương gốm…
Trên đây là những nét khái quát về đình và chùa Hữu Cước, đình thờ Cao Sơn đại vương. Độc giả và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về ngôi đình và chùa Hữu Cước, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến có thể tham khảo tập sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Cuốn sách là tài liệu tham khảo có ý nghĩa về các thôn, làng, đình, chùa, miếu… cùng những di sản kiến trúc nghệ thuật tại huyện Đan Phượng hay các huyện Hoài Đức và huyện Phúc Thọ.
Văn Tống