Đình Ngũ Giáp – Di sản kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1990
Cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên dày 1.000 trang, đây là tập thứ 7 của Bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Tập sách này giới thiệu tổng quát về vị trí địa lý, lịch sử diên cách, các đặc điểm nổi bật về lịch sử, kinh tế, văn hoá, các di sản văn hoá vật thể - phi vật thể đã và đang tồn tại tại các cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn 30 quận, huyện Hà Nội hiện nay, trong đó xã Liên Hà là xã có những di sản phi vật thể tài liệu văn khắc, thần tích, thần sắc; nhiều di sản vật thể được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, trong đó có giới thiệu chi tiết đình Ngũ Giáp.
Đình Ngũ Giáp thờ Lữ Gia và Sa Lãng.
Tương truyền, Lữ Gia là người xã Thiên Phúc, huyện Ninh Sơn, làm Thừa tướng của 3 triều vua nhà Triệu, nước Nam Việt. Trong thời gian làm quan, vua Triệu phái Lữ Gia về cai quản vùng Thuỵ Ứng. Nhà Hán muốn Nam Việt quy thuộc nhưng bị Lữ Gia nhiều lần phản đối. Sau khi nhà Hán xâm lược Nam Việt, Lữ Gia đem quân chống lại, giết chết Hàn Thiên Thu. Nhà Hán phản công, Lữ Gia bị thất bại và hy sinh. Tưởng nhớ công ơn, nhân dân trang Hạ Trì đã lập đền thờ phụng Lữ Gia.
Tương truyền Sa Lãng là con gái của một vị hùng trưởng ở bộ Nam Hải, thuộc dòng dõi Hùng Vương. Bấy giờ, Thái thú nhà Hán là Tô Định bạo ngược, vơ vét của cải, tô thuế nặng nề khiến cho nhân dân vô cùng khốn khổ. Bà Sa Lãng đã đứng lên chiêu mộ nghĩa binh tại trang Hạ Trì và các vùng lân cận. Nghe tin Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa, bà đưa nghĩa binh hội dưới cờ Hai Bà Trưng tại của sông Hát. Đất nước độc lập, bà xin Trưng Vương cho về trang Hạ Trì giúp dân việc tang nông. Bà hoá tại đây vào ngày 8 tháng Ba âm lịch.
Truyền thuyết tại làng cho biết, đình được xây dựng từ rất sớm. Đình còn lưu giữ 1 bản sắc phong niên đại Vĩnh Tộ thứ 2 (1620) cho phép khẳng định đình được xây dựng vào thế kỷ XVII, thời Lê Trung hưng. Đầu thế kỷ XIX, đình được trùng tu, xây thêm nhà giải vũ. Đến năm Thành Thái (1901), đình được tu sửa với diện mạo kiến trúc như hiện nay. Đình quay hướng Đông Bắc, nhìn ra sông Hồng, gồm đại bái và hậu cung kết cấu theo hình chữ “đinh”. Đại bái 5 gian 2 chái với 6 bộ vì làm kiểu chồng rường giá chiêng trên 6 hàng chân cột. Trang trí được thể hiện trên các đấu kê, rường, kẻ với các hình vân mây, hoa lá cách điệu với kỹ thuật chạm nổi, chạm bong kênh. Đặc biệt, ở phần chồng rường bên dưới thượng lương được chạm mặt hổ phù ngậm mặt trăng, kỹ thuật chạm nổi sắc nét. Hậu cung có 3 gian nhà xây dọc, là nơi đặt khám thờ và long ngai, bài vị đức thánh. Khám thờ được chạm khắc tỉ mỉ hình rồng, hoa dây lá lật mang phong cách thời Nguyễn. Đình còn lưu giữ 34 đạo sắc phong, trong đó có 20 đạo thời Hậu Lê, 2 đạo thời Tây Sơn và 12 đạo thời Nguyễn, 1 cuốn thần phả do Nguyễn Bính soạn có niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất (1572), 3 bộ kiệu lớn, 1 bộ bát bửu, hoành phi, câu đối…
Hằng năm, lãng Ngũ Giáp tổ chức lễ hội vào ngày mùng 2 tháng Hai âm lịch. Phần lễ gồm tế thần và rước thần, phần hội có chọi gà, cờ tướng, đua thuyền rồng…
Trên đây là những nét khái quát về đình Ngũ Giáo, đình thờ thờ Lữ Gia và Sa Lãng. Độc giả và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về ngôi đình Ngũ Giáp, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến có thể tham khảo tập sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên. Cuốn sách là tài liệu tham khảo có ý nghĩa về các thôn làng cùng những di sản kiến trúc nghệ thuật tại huyện Đan Phượng hay các huyện Hoài Đức và huyện Phúc Thọ.
Văn Tống