Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Những nét chấm phá về lễ hội làng Đông Khê và di sản vật thể đình, chùa Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng
Thứ tư, 27/11/2019 09:52

Thôn Đông Khê cuối thế kỷ XIX trở về trước thuộc xã Đan Phượng Thượng, khoảng năm 1893 đổi thành xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, nay thuộc thành phố Hà Nội. Thôn Đông Khê có nghề xay thóc giã gạo, còn gọi là nghề xay đâm. Ca dao có câu ca như sau:

          “Đoài Khê là đất hiền lành

       Đông Khê lớn bé, tập tành xay đâm”

          Dưới đây là những nét chấm phá về lễ hội làng Đông Khê và di sản vật thể đình, chùa Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng giới thiệu cho những người có đam mê, tìm hiểu và khám phá vùng đất Đan Phượng nơi có thôn Đông Khê, cùng những di sản vật thể tại đình và chùa Đông Khê được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Lễ hội làng Đông Khê

          Là loại hình lễ hội dân gian, tổ cức vào ngày 11 đến 13 tháng Ba âm lịch tại làng Đông Khê, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội do cấp xã tổ chức, cấp huyện quản lý để tưởng nhớ thần Tích Lịch Hoả Quang.

          Theo khoán ước viết năm 1781 thì Đông Khê là anh cả, có trách nhiệm chủ trì lễ hội, chủ tế và tả văn cùng với 8 thôn anh em khác.

          Ngày 11, buổi sáng làng tiến hành tế yết, buổi chiều làm lễ mộc dục, buổi tối tế hoàn cung. Ngày 12, tiến hành làm lễ tổng tế yên vị cầu am. Ngày 13, dân làng tiến hành lễ tế tạ. Mỗi tuần tế diễn ra trong 2 đến 3 giờ đồng hồ.

          Phần hội có các trò chơi dân gian như: đánh đu, bắt vịt, chọi gà, leo cầu ao trước cửa đình. Buổi tối có hát quan họ, chầu văn.

          Di sản vật thể đình Đông Khê

          Đình Đông Khê ở thôn Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Đình được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2008. Đình thờ Tích Lịch Hoả Quang. Đình nằm bên bờ sông Đáy, quay hướng đông nam, gồm các hạng mục kiến trúc: nghi môn, đại bái, hậu cung, tả hữu mạc. Nghi môn xây kiểu tứ trụ. Hai trụ giữa trang trí hình tứ phượng chầu ở đỉnh, tứ linh ở các ô lồng đèn, đế thắt cổ bồng. Hai trụ nhỏ đắp nổi đôi nghê chầu trên đỉnh. Hai dãy tả - hữu mạc nằm hai bên sân dình, xây kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì làm đơn giản theo kiểu vì kèo quá giang. Đại bái gồm 3 gian 2 chái, các bộ vì liên kết theo kiểu thượng chồng rường, hạ rường nách, bẩy hiên. Kết cấu kiến trúc đại bái là kết quả của lần trùng tu vào thời Nguyễn, song vẫn giữ được nhiều chi tiết chạm khắc của thế kỷ XVII, XVIII, tiêu biểu là các đầu dư chạm lộng hình rồng cách điệu, các xà đùi chạm nổi các hình đao mác, mây cụm… Hậu cung gồm 3 gian chạy dọc phía sau, nối với gian giữa đại bái trên mặt bằng chữ “đinh”. Trang trí trong hậu cung được tập trung trên các bộ vì thượng lương với các đề tài mặt trời lửa, tiên nữ múa, rồng, vân mây… bằng phương pháp chạm bong kênh, chạm lộng, mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ XVII.

          Đình còn lưu giữ 3 tấm bia đá có niên đại Vĩnh Thịnh, Chính Hoà, Thành Thái, các bản sắc phong có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn, 1 bức hoành phi, 1 cửa võng chạm lộng, 1 kiệu bát cống niên đại thời Lê thế kỷ XVIII. Hương án trong đình được trang trí bằng kỹ thuật chạm lộng có niên đại thế kỷ XVIII. Phía trước hương án chia thành các ô trang trí đề tài rồng. Hai bên đầu hương án chạm hình rồng chạy xuyên qua biểu tượng mặt trời rồng ấp.

          Di sản vật thể chùa Đông Khê (Sùng Nghiêm tự)

          Chùa Đông Khê thuộc thôn Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Chùa Đông Khê được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2008. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Thần Nông, Khổng Tử và Nguyên phi Ỷ Lan. Thần Nông tương truyền là thần nông nghiệp đã dạy nhân dân biết khai hoang phục hoá, trồng lúa, trồng hoa màu nuôi sống con người. Khổng Tử (551 – 479 TCN) tên thật là Khưu, tự là Trọng Ni, là nhà chính trị, nhà tư tưởng và nhà giáo dục nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Nguyên phi Ỷ Lan quê ở hương Thổ Lỗi, nay là vùng Dương Xá (Gia Lâm), là phi tần của Lý Thánh Tông, mẹ ruột của Lý Nhân Tông. Trong lịch sử, Ỷ Lan đã có nhiều đóng góp cho triều Lý đặc biệt là về Phật giáo.

          Chùa được xây dựng vào thế kỷ XVII và trải qua nhiều lần trùng tu nên không còn giữ được nguyên lối kiến trúc cổ. Chùa quay hướng tây nam, bao gồm các công trình tam bảo, nhà tổ, điện mẫu, nhà khách. Tam quan chùa bị phá huỷ trong thời kỳ kháng chiến. Tam bảo hình chữ “công”, gồm tiền đường ống muống và hậu cung. Tiền đường 5 gian 2 chái với các bộ vì làm kiểu thượng kèo kẻ trụ mọc, hạ chồng rường, bẩy hiên. Phía trước tiền đường mở hệ thống cửa bức bàn, hai chái mở cửa phụ dạng vòm. Kết cấu gỗ nhà tiền đường là sản phẩm nghệ thuật của thế kỷ XVIII. Ống muống nối giữa tiền đường là hậu cung với các bộ vì làm theo kiểu thượng giá chiêng, hạ chồng rường, bẩy hiên. Các con rường ở ống muống được chạm khắc công phu với đề tài mây cụm, rồng cách điệu, các đấu kê chạm cánh sen mỏng. Hậu cung gồm 1 gian 2 chái, kết cấu kiến trúc tương tự tiền đường. Các bẩy hậu phía sau hậu cung được đỡ bởi những con sơn chạm khắc tinh tế theo các đề tài rồng leo, rồng tiên nữ. Đây là những đề tài rất hiếm gặp ở các di tích khác. Hệ thống tượng tròn của chùa mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Tượng Thần Nông đặt ở gian trái thượng điện và tượng Khổng Tử đặt ở gian phải ống muống.

          Chùa còn lưu giữ 1 chân tảng tại thượng điện bằng chất liệu đá mài, 1 bệ sen bằng gỗ thế kỷ XVII, 1 chuông đồng Sùng Nghiêm tự chung niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 9 (1801), 1 khánh đồng Sùng Nghiêm tự niên hiệu Thiệu Trị (1841-184), hoành phi, câu đối, bát hương.

          Trên đây là vài nét chấm phá về lễ hội làng Đông Khê và di sản vật thể của đình, chùa Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng nay thuộc thành phố Hà Nội. Bạn đọc muốn nghiên cứu, tìm hiểu về thôn Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng nói riêng hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến có thể tham khảo cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên dày 1.000 trang, đây là tập thứ 7 của Bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, được Nhà xuất bản ấn hành năm 2019. Cuốn sách giới thiệu tổng quát về vị trí địa lý, lịch sử diên cách, các đặc điểm nổi bật về lịch sử, kinh tế, văn hoá, các di sản văn hoá vật thể - phi vật thể đã và đang tồn tại tại các cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn 30 quận, huyện Hà Nội hiện nay.

Thuý An

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá