Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Lê hội Cổ Loa - một lễ hội lịch sử nổi tiếng nằm trong tour du lịch vùng phía bắc sông Hồng
Thứ tư, 27/11/2019 09:44

Lễ hội Cổ Loa là một trong 10 lễ hội tiêu biểu được lựa chọn giới thiệu trong cuốn sách“Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” do TS. Nguyễn Viết Chức chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Lễ hội Cổ Loa là một lễ hội lớn được diễn ra tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Đây là lễ hội của 12 xóm làng Cổ Loa nhưng cũng là hội chung của 8 làng: Cổ Loa, Văn Thượng, Đài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng. Thư Cưu và Ngoại Xát. Vì cả 8 làng cùng thờ chung Thành hoàng làng là Thục Phán nên hằng năm cùng tham gia mở lễ hội.

Lễ hội Cổ Loa mở 6 hoặc 12 ngày, bắt đàu từ mồng 5 tháng Giêng, ngày chính hội là mồng 6 tháng Giêng, kéo dài đến 16 tháng Giêng mới rã hội. Về lễ hội, có 2 thuyết để giải thích về ngày chính hội Cổ Loa. Một đó là ngày vua Thục nhập cung đến ngày mồng 9 đăng cơ lên ngôi Thục Vương đồng thời ban yến cho quần thần. Hai đó là ngày sinh nhật của công chúa Mỵ Châu nên Thục Vương mở tiệc ăn mừng. Dù lý do thế nào thì dân làng Cổ Loa và 7 làng xung quanh cũng mở lễ hội cầu đức vua và bà chúa Mỵ Châu phù hộ độ trì cho dân trong vùng làm ăn thịnh vượng.

          Lễ hội Cổ Loa mở ngày mồng 6 nhưng thực ra từ chiều ngày mồng 5 bát xã (8 làng) đã tổ chức dâng lễ tại đình. Tại đền Thượng, các chức sắc kỳ mục tổ chức dâng lễ tại đình. Tại đền Thượng, các chức sắc kỳ mục tổ chức đọc mục lục nhắc lại sự tích công lao của Thục Phán.

          Sang ngày mồng 6, hội chính thức tiến hành có 3 sự việc:

          Rước văn tế từ làng Văn Thượng đến đền Thượng

          Tế ở đền Thượng

          Rước từ đền Thượng đến đình Ngữ triều di quy

          Quang cảnh hội

          Sân đền cờ quạt rực rỡ

          Cổng đền ngựa bạch, ngựa hồng

          Kiệu của 8 làng xếp theo thứ tự

          Buổi sáng tế thần

          Buổi trưa dân làng vào lễ

          Buổi chiều: đám rước lớn từ đền Thượng, vòng qua giếng Ngọc, theo đường chân thành rồi vòng về đình Ngự triều di quy.

          Nghi trượng đám rước của 12 xóm làng Cổ Loa thường có 4 thanh niên phất cờ và 1 người đánh trống. Tiếp đó là hương án, lộ bộ và bát bửu, rồi đến phường bát âm là ban nhạc tế gồm 2 kiệu, 1 trống cái, 1 trống khẩu, 1 thanh la và 1 người nhảy múa. Sau đó là đoàn các quan viên kỳ mục chức sắc áo dài thắt khăn đỏ. Tiếp đó là 2 cỗ kiệu bát cống rước tượng vua Thục Phán hoặc bài vị do 15 đô tuỳ khoẻ mạnh khiêng. Hai bên kiệu đều có tàn vàng tán tía, quạt vả. Hai kiệu sau chở sắc phong, nỏ thần, xiêm áo chỉ có 4 đô tuỳ khiêng. Tiếp đó là 2 ngựa trắng, 2 ngựa hồng đặt trên bệ gỗ có bánh xe kéo. Cuối đám rước là đoàn quân cờ bằng người.

          Sau đám rước làng Cổ Loa là đám rước của 7 làng còn lại theo trình tự sau: Văn Thượng, Mạc Tràng, Sàn Dã, Ngoại Xát, Đài Bi, Cầu Cả, Thư Cưu. Quan viên kỳ mục chức sắc của làng nào thì đi theo kiệu của làng ấy. Tất cả hợp thành một đám rước lớn dài tới 2km, ước tính phải mất 2 giờ đám rước mới di chuyển khỏi khu vực cổng đền Thượng. Tới ngã tư cửa điếm làng Cổ Loa thì kiệu của làng nào về lại làng ấy. Còn đám rước của 12 xóm làng Cổ Loa thì tiến thẳng tới sân đình Ngự triều di quy. Tại đây lại có một chầu tế và lễ thần tới hết buổi chiều. Như vậy, riêng phần tễ lễ và rước chỉ diễn ra có 1 ngày. Song phần hội thì kéo dài 10 ngày nữa, đến ngày 16 tháng Giêng mới ra hội. Riêng cuộc rước trở lại đền Thượng của riêng làng Cổ Loa thì diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng.

          Lễ hội Cổ Loa là một lễ hội lịch sử nổi tiếng nằm trong tour du lịch vùng phía bắc sông Hồng, xưa cũng thế và nay cũng thế. Ca dao vùng này xưa đã nêu: “Chết thì bỏ con bỏ cháy - Sống thì không bỏ mồng sau tháng Giêng”. Mồng 6 tháng Giêng là ngày mở hội đền thờ Thục An Dương Vương, tức lễ hội đền Cổ Loa. Hội mở, sắc xuân tưng bừng bao phủ lên cảnh vật, thấm đẫm hồn kinh đô nước Viêt từ thời tiền sử.

          Theo sách Lĩnh Nam chích quái, Thục Phán nối nghiệp các vua Hùng, xưng An Dương Vương, nhập hai tộc Âu Việt và Lạc Việt thành nước Âu Lạc, định đô ở Cổ Loa. Về với lễ hội Cổ Loa là về với cội nguồn lịch sử dân tộc hết sức bi tráng và cũng hết sức tự hào. Là con dân nước Việt ai cũng muốn một lần được tắm trong không khí hội xuân náo nức như thế.

Thăng Long – Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi văn hoá của cả nước đồng thời là nơi thu nhận và thâu tóm tinh hoa văn hoá các vùng miền đất nước. Tập sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” là một tập thuộc bộ sách 5 tập “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến có giới thiệu chi tiết về 10 lễ hội, 10 trò chơi, trò diễn dân gian tiêu biểu, đại diện nhất của Thăng Long – Hà Nội. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu về lễ hội Cổ Loa - một trong 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội Thăng Long – Hà Nội đến với bạn đọc. Để tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn và đầy đủ hơn về 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội Thăng Long – Hà Nội (10 lễ hội mang tính tiêu biểu, đại diện nhất): Lễ hội chùa hương, lễ hội đền Gióng, lễ hội đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh, lễ hội Cổ Loa, lễ hội đền Và, lễ hội chùa Thầy, lễ hội Giám, lễ hội đền Sái, lễ hội làng Đăm, lễ hội làng Lệ Mật, độc giả hãy tìm đọc cuốn sách này.

Huy Giang

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá