Lễ hội đình Đại Phùng và di sản vật thể của đình, chùa Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng
Lễ hội đình Đại Phùng
Là loại hình lễ hội dân gian, tổ chức từ ngày 18 đến ngày 22 tháng Giêng âm lịch tại làng Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội được cấp xã tổ chức, cấp huyện quản lý để tưởng nhớ thần Tích Lịch Hoả Quang và ông Vũ Hùng.
Đình Đại Phùng phối thờ hai vị thần là Tích Lịch Hoả Quang và danh tướng Vũ Hùng. Tích Lịch Hoả Quang là thiên thần (một trong bốn vị thần của tứ pháp: Mây – Mưa - Sấm - Chớp). Vị thần được cả tổng Phùng xưa (8 làng) tôn thờ làm Thành hoàng. Vị thứ hai là nhân thần – Thành hoàng làng riêng của Đại Phùng là danh tướng Vũ Hùng, có công đánh giặc thời Trần.
Từ xa xưa, lễ hội đình Đại Phùng được tổ chức mỗi năm ba lần. Ngày 18 tháng Giêng là ngày đản sinh của thánh Vũ Hùng, là lễ hội lớn nhất trong năm. Những năm mở hội lớn, làng Đại Phùng mời các làng trong xã như Đông Khê, Đồi Khê, Phượng Trì… tham gia hội đồng rước.Từ trước ngày lễ, dân làng trang trí các bàn thờ bái vọng để sẵn sàng đón đoàn rước qua nhà mình. Chiều tối ngày 17, dân làng tiến hành lễ rước nước. Nước được mang về từ giếng Tổng gắn với nơi thờ Tích Lịch Hoả Quang. Khi lấy nước phải dùng gáo bằng đồng, lọc nước bằng khăn lụa đỏ. Lễ rước nước kết thúc lúc nửa đêm. Sáng sớm ngày 18, đám rước xuất phát từ sân đình Đại Phùng, đi qua làng Đông Khê, Đoài Khê vượt lên triền đê, vòng qua chùa Tam Giáo rồi trở về tập kết ở sân đình. Khí thế hùng dũng oai nghiêm của đoàn rước mô phỏng cảnh xuất quân lịch sử năm xưa của tướng Vũ Hùng.
Phần hội có các trò chơi dân gian như đánh đạp, tổ tôm điếm, leo cầu cần, bắt vịt… Ngày nay vẫn duy trì trò chơi chi đấu cờ người, thi thả chim bồ câu.
Di sản vật thể đình Đại Phùng
Đình Đại Phùng ở thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Đình được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1990, đình thờ tướng Vũ Hùng làm Thành hoàng. Tương truyền Vũ Hùng là tướng triều Trần Nghệ Tông (1370-1372) có công đánh giặc ở phía tây kinh thành Thăng Long. Làng Đại Phùng là nơi Vũ Hùng từng đóng quân, giúp dân bảo vệ làng xóm. Ngày 18 tháng 11, ngài lâm bệnh qua đời, nhân dân nhớ ơn nên tôn thờ làm Thành hoàng làng. Vua Trần phong tặng Trần triều Trung quân Ngã Bốn, Vũ Hùng đại vương.
Theo thần phả, đình có từ đời vua Trần Nghệ Tông, hiện tại chỉ còn dấu ấn của kiến trúc nghệ thuật thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII). Năm 2010, đình được trùng tu lớn. Đình quay hướng tây bắc, gồm các hạng mục kiến trúc: cổng, giếng, toà đình… Đại đình bố cục kiểu chữ “đinh” gồm tiền tế, đại bái và hậu cung. Tiền tế có 3 gian 2 chái, vì kèo kiểu chồng rường trên 4 hàng chân cột. Trước đây, tiền tế được dựng trên các chân tảng đá trắng, về sau được chồng thêm một lớp đá xanh hình quả dành để tôn cao nền. Tiền tế là sản phẩm của kiến trúc nửa đầu thế kỷ XX nên ít chú ý đến nghệ thuật điêu khắc, chủ yếu là các mảng chạm mây cụm, lá cách điệu ở các đầu rường, đầu kẻ… Đại bái 3 gian 2 chái, các bộ vì làm kiểu giá chiêng chồng rường con nhị trên 4 hàng chân cột (nay không còn sàn). Đây chính là phần kiến trúc cổ của toà đình hình chữ “nhất” trước kia. Bao quanh đình, thay cho ván đố là hệ thống thượng song hạ tường. Nghệ thuật trang trí của đình tập trung vào đại bái với những mảng chạm gỗ thế kỷ XVII. Đó là những mảng chạm ở đầu bẩy, kẻ, cốn, đầu dư… hình rồng xen kẽ với nhiều hoạt cảnh sinh hoạt như: vinh quy bái tổ, tắm tiên, đá cầu, cầm quạt ngồi nghi, hoạt cảnh lễ hội, tích truyện “Mả táng hàm rồng”… Hậu cung là phần kiến trúc mới được xây dựng cuối thế kỷ XIX, là nơi đặt long ngai, bài vị của Thành hoàng làng.
Di sản vật thể chùa Đại Phùng
Chùa Đại Phùng nằm tại thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2014. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Khổng Tử và Thái Thượng Lão Quân. Khổng Tử (551 – 479 TCN) tên thật là Khưu, tự là Trọng Ni, là nhà chính trị, nhà tư tưởng và nhà giáo dục nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Thái Thượng Lão Quân là vị thần thiên tối cao trong Đạo giáo Trung Quốc. Theo thần thoại Đạo giáo, Thái Thượng Lão Quân có trước trời đất, thời nguyên khí còn hỗn mang. Sau ngài giáng sinh thành Lão Tử, đời Chu (thế kỷ VI TCN). Lão Tử tên hiệu là Lý Bá Hoành, tự là Lão Đam, huý là Thái Ông, vốn là người thông minh, am hiểu thiên văn địa lý. Lão Tử đã viết cuốn Đạo đức kinh và được tôn là Giáo chủ, Đạo tổ của Đạo giáo.
Tương truyền, chùa được xây dựng từ rất sớm và trải qua nhiều lần trùng tu nên dấu vết kiến trúc cổ không còn nhiều. Năm 2001, chùa xây thêm 7 gian nhà tổ và lầu Quan Âm. Chùa quay hướng Tây, mặt bằng kiến trúc gồm: tam quan gác chuông, chùa chính, điện Mẫu, nhà tổ và nhà khách. Tam quan với ba cổng không quan, giả quan, trung quan. Các hàng cột quân tiền, quân hậu được làm bằng đá xẻ to, trên thân khắc câu đối chữ Hán. Trên gác chuông có treo 1 chuông đồng, 1 khánh đá. Bốn bộ vì kiểu thượng giá chiêng hạ kẻ, hoa văn chủ yếu là lá lật. Chùa chính có bố cục kiểu chữ “đinh” gồm tiền đường và thượng điện. Tiền đường 7 gian, xây tường hồi bít đốc, bờ nóc, bờ dải đắp bờ đinh, các bộ vì kiểu thượng chồng rường con nhị, hạ xà nách rường nách, kẻ bẩy trên 5 hàng chân cột. Trang trí trên toà tiền đường được làm đơn giản, chủ yếu là bào trơn đóng bén. Phía sau là thượng điện 3 gian nối liền với gian giữa tiền đường. Các bộ vì thượng điện làm thống nhất theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền xà nách. Ngoài 5 lớp tượng Phật được trí trong tam bảo, chùa có hai pho tượng Khổng Tử và Thái Thượng Lão Quân ở hai bên thượng điện được tạo tác vào thế kỷ XVII.
Chùa còn bảo lưu được 2 tấm bia đá thời Nguyễn, 1 khánh đá niên đại Gia Long thứ 14 (1815), 1 chuông đồng niên đại Chính Hoà thứ 8 (1689), 9 bức hoành phi gỗ, 2 biển gỗ đề bài minh, câu đối, đại tự, nhang án… cùng một số đồ thờ tự khác.
Trên đây là những nét khái quát về về Lễ hội đình Đại Phùng và di sản vật thể của đình, chùa Đại Phùng. Độc giả và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến có thể tham khảo tập sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên, đây là tài liệu tham khảo có ý nghĩa cho độc giả muốn tìm hiểu về di sản văn hiến Thăng Long – Hà Nội nói chung, hay các thôn làng tại các huyện Đan Phượng, huyện Hoài Đức và huyện Phúc Thọ nói riêng.
Anh Đức