Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Phác hoạ kiến trúc nhà ở và công trình công cộng của Hà Nội những năm 1961-1965
Thứ tư, 27/11/2019 09:43

Trong hoàn cảnh đất nước tạm thời chia làm hai miền, nhân dân miền Bắc phải củng cố sức mình để thực hiện sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Kiến trúc Hà Nội cũng như cả miền Bắc lúc này được thực hiện theo phương châm: “Thích dụng, bền vững, tiết kiệm và mỹ quan trong điều kiện có thể”. Chúng ta cùng nhìn lại kiến trúc nhà ở và công trình công cộng của Hà Nội những năm 1961 -1965 để thấy được kiến trúc Hà Nội đã gắng bám sát những yêu cầu và khả năng của đất nước, điều kiện tài chính và tình hình vật tư thiết bị thời bấy giờ. Các đồ án thiết kế được cân nhắc nhiều đến tính thích dụng, bền chắc và kinh tế, phù hợp với các điều kiện thông thoáng, che nắng mùa hè, ấm áp mùa đông, đủ sức chống chọi trước gió bão thất thường. Bạn đọc muốn tìm hiểu về kiến Trúc Thăng Long – Hà Nội, hãy cùng chúng tôi khám phá cuốn sách “Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội”, cuốn sách chuyên khảo do KTS. Lê Văn Lân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019.

 Kiến trúc nhà ở

          Tiếp theo những khu tập thể một và hai tầng đã xây dựng, năm 1960 Hà Nội khởi công xây dựng khu Kim Liên. Lần đầu tiên nhà ở được bố trí theo hình thức tiểu khu. Tiểu khu nhà ở là hình thức nhà ở được phát triển từ lý thuyết The Family’s neighbouhood của Clarence Perry ra đời tại Mỹ, đã được xây dựng nhiều ở Anh nhưng phát triển mạnh mẽ ở các nước xã hội chủ nghĩa, dẫn đầu là Liên Xô, phù hợp với cách tổ chức xã hội theo tầng bậc. Và nhóm nhà ở - Tiểu khu nhà ở - khu nhà ở, hình thức ở chủ yếu trong các đô thị thay cho cách tổ chức ở theo ô phố trước đó. Bên cạnh đó có nhóm nhà ở, hệ thống nhà trẻ mẫu giáo, trường học với sân vận động, cửa hàng, quản trị hành chính và sinh hoạt chung, trạm xử lý nước thải… Nhà ở cao 5 tầng, chủ yếu bố cục chạy dài và song song để tiện cho di chuyển cần trục lúc lắp dựng. Khu A được xây dựng đầu tiên, lắp bằng tấm nhỏ (blốc) với sự giúp đỡ của chuyên gia Triều Tiên. Mặt bằng bố trí những căn hộ hoàn chỉnh, mỗi căn hai phòng 18,2m2 có bếp, xí, tắm. Ngay sau đó, những căn hộ xây dựng đầu tiên được làm nơi ở cho chuyên gia nước ngoài.

          Những năm sau, Hà Nội triển khai khu ở 5 tầng xây gạch ở Thọ Lão, tiếp theo là Khu Quỳnh Lôi, cũng là một tiểu khu nhà ở dành cho công nhân Nhà máy dệt 8/3 cao 4 tầng thí điểm loại sàn chịu lực ở giữa đặt trên tường ngang cho hai dãy nhà xây dựng đầu tiên. Khu ở Nguyễn Công Trứ được triển khai tiếp khá hoàn chỉnh trên khu đất 6ha theo đường Nguyễn Công Trứ, vốn là một nghĩa trang ngoại kiều vừa được giải toả, chỉ giữ lại duy nhất một kiến trúc kiên cố là Nhà quàn, mãi sau này khi giặc Mỹ đánh phá Hà Nội mới sử dụng làm nơi trú ẩn, sau dó dùng làm nơi sinh hoạt và câu lạc bộ. Trong khu bố trí hai dãy nhà ở 5 tầng, trong đó hai nhà làm nơi ở tập thể cho cán bộ độc thân. Các nhà ở gia đình được chia cỡ 20m2, 24,8m2, 25,2m2 cho mỗi căn, ở được khoảng 4.200 người (4m2/người). Toàn khu có nhà mẫu giáo, nhà trẻ, có cửa hàng bách hoá với mặt chính theo đường Nguyễn Công Trứ, phần quay vào trong là nhà ăn và giải khát. Trong khu giữa các khối nhà có cây xanh, sân chơi, nơi thu rác cùng với hạ tầng hoàn chỉnh, chỉ riêng đường cấp nước chính ngoài nhà phải tạm thời đặt nổi vì an toàn vệ sinh.

          Khu nhà ở Văn Chương, xây dựng năm 1963 lại được bố cục chủ yếu bởi những nhóm nhà ở hai tầng mái ngói, mỗi nhà có khu phụ tập trung vào phía giữa, tạo mặt bằng dạng “chuôi vồ”. Kết hợp với những nhà xây gạch năm tầng, bố trí mềm dẻo theo tuyến đường bao bên ngoài, một số ở dưới có cửa hàng. Trong khu cũng có đủ trường học, nhà trẻ, mẫu giáo và vườn tiểu khu gắn kiền với hồ nước lớn. Thời gian xây dựng kéo dài vì chiến tranh, những nhà mái ngói hai tầng được xây dựng đầu tiên nhanh chóng xuống cấp.

          Công trình công cộng

          Nhiều công trình lần lượt được xây dựng, tiêu biểu là Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Đại học Thương Mại, Học viện Thuỷ Lợi, Cục Thống kê Trung ương, trụ sở Tổng cục Lâm nghiệp, Cải tạo Bách hoá tổng hợp, Trụ sở Uỷ ban trị thuỷ sông Hồng, Nhà sàn Bác Hồ, Lễ đài Ba Đình, Cổng và cầu Công viên Thống Nhất phía đường Nam Bộ, Bệnh viện Mắt Trung ương, Hội trường Ba Đình, Nhà hát Quân đội, Trụ sở Bộ Công nghiệp nặng, Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm, Viện Thí nghiệm Vật liệu xây dựng Nghĩa Đô, Sân vận động Hàng Đẫy…

          Công trình kiến trúc ở giai đoạn này nói chung quy mô vừa phải, tác phầm của các kiến trúc sư Mỹ thuật Đông Dương với phong cách tiền hiện đại (tân cổ diển), đa phần có mặt bằng đối xứng ngay ngắn. Mặt nhà có bệ và sênô bề thế với nhiều tìm tòi từ hình khối trong tương quan tỷ lệ, khai thác những nét gần gũi với văn hoá dân tộc, biểu hiện rõ nét của tinh thần độc lập tự chủ, tuy vậy kiến trúc vẫn chưa thoát nhiều khỏi tư duy xây dụng gạch đá thấp tầng. Các ngôi nhà có khẩu độ hẹp, trang thiết bị thiếu thốn, cửa hầu hết là kính và chớp bằng gỗ. Sau những năm 1960, ngôi nhà của Uỷ ban trị thuỷ sông Hồng đưa vào sử dụng với giải pháp lắp sàn bằng panen hộp lần đầu tiên sử dụng, được rút kinh nghiệm và nhanh chóng áp dụng khắp nơi ở miền Bắc. Sàn và mái đúc tại chỗ không còn sử dụng nữa. Giải pháp khung bê tông cốt thép chịu lực, sàn panen hộp, tường gạch gần như phổ biến trong mọi công trình xây dựng.

          Năm 1961, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được xây dựng với viện trợ của Liên Xô vẫn chủ yếu bằng bê tông cốt thép, nhưng lần đầu tiên Hà Nội có một công trình rõ nét của kiến trúc hiện đại. Với Hà Nội, công trình đã tạo sự thúc đẩy đáng kể trong kiến trúc, đặc biệt ở chặng đường chúng ta từ xây dựng bằng gạch đá đang dần chuyển sang bê tông cốt thép. Những năm sau này, đáng tiếc là trong điều kiện yêu cầu và quy mô sử dụng ngày một tăng, công trình phải cơi nới thêm ở nhiều bộ phận, gây biến dạng đáng tiếc.

          Một công trình viện trợ khác là Viện Khoa học Việt Nam được xây dựng ở Nghĩa Đô. Quá trình xây dựng Viện bị kéo dài vì chiến tranh, ban đầu chỉ thiết kế cho một số ngành nghiên cứu. Sau này khi nhiều ngành cùng phát triển, nhiều hạng mục đã phải chắp nối xây dựng thêm, không còn một tổng thể chặt chẽ như trước.

          Trên đây là vài nét chấm phá về kiến trúc nhà ở và công trình công cộng của Hà Nội giai đoạn 1961-1965. Bạn đọc muốn tìm hiểu kỹ hơn về kiến trúc Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử có thể tìm đọc cuốn sách “Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội” do KTS. Lê Văn Lân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Cuốn sách sẽ là một tư liệu quý cho những nhà nghiên cứu, nhà quản lý đô thị, những người làm công tác nghệ thuật, kiến trúc sư, sinh viên kiến trúc xây dựng, cùng nhiều độc giả quan tâm khác.

Lê Lân

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá