Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Thăng Long – Hà Nội: Từ những tụ cư bên sông Hồng tới Đại La
Thứ tư, 27/11/2019 09:43

Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội là quá trình tạo dựng kinh đô lâu dài của dân tộc ta, là công sức từ mọi miền mà trực tiếp là cư dân Thăng Long xưa, cho tới Hà Nội hôm nay. Cuốn sách chuyên khảo “Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội” do KTS. Lê Văn Lân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, viết về kiến trúc Thăng Long - Hà Nội, tổng hợp quá trình hình thành và phát triển của kiến trúc Hà Nội qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Bạn đọc muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử Thăng Long – Hà Nội, ngoài những giới thiệu về kiến trúc Thăng Long – Hà Nội qua cuốn sách trên, có thể tham khảo thêm bộ sách “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội” do GS. Phan Huy Lê chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Trong nội dung bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu vài nét về diện mạo của Thăng Long – Hà Nội từ buổi đầu tụ cư sơ khai của cư dân bên sông Hồng đến Đại La.

Điều kiện tự nhiên của Hà Nội gắn liền với quá trình hình thành vùng châu thổ Bắc Bộ, kết quả của sự lắng đọng phù sa do sông Hồng vận chuyển từ thượng nguồn về tạo nên sự lấn dần của đất liền ra biển. Hà Nội nằm ở vị trí trung gian giữa miền “thượng châu thổ”, tức miền đất ngược về thượng nguồn lên tới Sơn Tây, Việt Trì, có địa hình tương đối cao hơn (10-20m so với mặt biển) và miền “hạ châu thổ” xuôi về Hà Nam, Hải Dương, phù sa trải ra trên diện rộng, tuy chiều dày lớp trầm tích rất lớn nhưng địa hình thoải dần về phía biển (3-6m so với mặt biển). Sông Hồng càng ra gần tới biển, độ dốc càng giảm đi do lòng sông được bồi đắp và nâng cao, sụ bồi tụ trong các khu vực bị ngập tăng lên rất nhanh. Quá trình nâng cao lên diễn ra phía gần biển rồi lan dần vào phía trong, đó chính là nguyên nhân của những vụ lũ lụt sau này. Chính tại vùng trung tâm của đồng bằng sông Hồng, nơi châu thổ rộng lớn và giàu có nhất với nhiều thuận lợi cho sự khai phá mà sau này đã phát sinh một trung tâm văn hoá lớn: Văn hoá Đại Việt, với một trung tâm dân cư tiêu biểu là kinh thành Thăng Long.

Theo các tài liệu khảo cổ học, người ta tìm thấy dấu tích con người vào cuối thời đại đồ đá cũ cách đây trên dưới 2 vạn năm trên miền đất Hà Nội. Vào các năm 1971-1972, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy ở vùng thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh những viên đá cuội có dấu vết bàn tay con người ghè đẽo, gia công… và rộng ra trên những thềm gò sót trong khu vực này, người ta cũng phát hiện thêm nhiều viên đá cuội có gia công… Miền đất Hà Nội đã có cư dân sinh sống từ thời đại đá mới, vị trí nơi hợp lưu của sông Hồng và sông Tô Lịch, một phần đã bị lấp đi nhưng nay còn dấu vết ở gần Vườn hoa Bách Thảo (cũ) và bao quanh phía tây Thành phố. Xưa kia, nơi đây đã từng có ngôi làng ven bờ sông Hồng. Vào thế kỷ V, dưới thời Bắc thuộc đã hình thành nên thị tứ có tên là Tống Bình. Vào năm 544, có cuộc khởi nghĩa Lý Bí đã dựng thành bằng gỗ và đắp đất ở mạn cửa sông Tô Lịch.

Vào khoảng đầu Công nguyên, ở nơi cao điểm và trung tâm của cả miền đất mà về sau sẽ là Hà Nội, xuất hiện điểm tụ cư đầu tiên của những người Hà Nội đầu tiên. Đó là “hương Long Đỗ” - gọi theo tên ngọn núi đất mà ngôi làng Hà Nội gốc này chọn lựa để định vị thế mà sinh tồn, hoặc cũng chính là “làng Tô Lịch”. Đến giữa thế kỷ V, một vùng đô thị sơ khai đã xuất hiện trên miền đất này nên nhà Lưu Tống mới dám đặt cho nơi đây cái danh hiệu Tống Bình. Sau cuộc khởi nghĩa năm 542, thủ lĩnh nghĩa quân Lý Bí xưng và nêu cao danh hiệu Lý Nam Việt Đế vào năm 544, đứng đầu nhà nước Vạn Xuân với tầm nhìn chiến lược, đã nhận ra những giá trị của vùng đất – nơi có núi Nùng, sông Tô để tạo dựng một điểm sơ khởi cho quốc gia Vạn Xuân. Ít nhất cũng đã có hai công trình kiến thiết quan trọng trên vùng đất Hà Nội gốc này được chép vào sử sách từ các năm 544-545 trước hết là “đài Vạn Xuân”, sau đó là “chùa Khai Quốc” để làm nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần của cư dân đương thời.

Chính toà thành luỹ có phần còn sơ sài được xây dựng bằng tre, gỗ ở nơi cửa sông Tô Lịch từ 545, đã vừa khai mở truyền thống chọn đất nơi đây để xây thành đắp luỹ mà hình thành tiền đề đô thị, lại vừa bắt đầu truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất của đất và người nơi đây bằng sự kiện mùa hè năm 545, lão tướng Phạm Tu, từ quê hương bên bờ sông Tô Lịch đã tới mạn Đông của sông này trong cương vị người trấn giữ toà “Tô Lịch giang khẩu mộc sách”, đồng thời là người chỉ huy trận đánh bảo vệ vùng đô thành sơ khởi ở toà thành luỹ đầu tiên trên đất núi Nùng sông Tô này, và đã hy sinh oanh liệt giữa sự nghiệp kháng chiến của nước Vạn Xuân non trẻ chống giặc ngoại xâm tái đô hộ.

Sau cuộc xâm lược năm 607, nhà Tuỳ đã dời trung tâm đô hộ từ Long Biên tới Tống Bình và xây vòng thành bảo vệ đặt tên là La Thành. Đó là bức thành bằng đất có chu vi hơn 6km, vào thế kỷ IX, thành được mở rộng và mang tên Đại La.

Khởi đầu từ toà “Tử thành” do đại tổng quản Khâu Hoà xây năm 618 với quy mô 900 bộ qua các toà La Thành do đô hộ Trương Bá Nghi đắp năm 767, Đại La Thành do đô hộ Trương Chu xây dựng năm 808… quy mô các toà thành đã rộng lên đến 2.000 bộ  (khoảng 3.700km). Đến thời Tiết độ sứ Cao Biền, thì toà thành Đại La, đắp năm 866 đã có chu vi lên tới 3.000 bộ (khoảng 5.580m).

Nằm giữa châu thổ, nơi hợp lưu sông Hồng, sông Tô, miền đất Hà Nội xưa những người Việt đến định cư, ngày càng thuận lợi hơn trong sinh sống, trao đổi, giao tiếp..., an toàn hơn khi chống chọi với thú dữ, với giặc dã, trong điều kiện của thiên nhiên nhiệt đới khắc nghiệt. Và sau nhà nước Âu Lạc, nước Nam Việt bị nhà Hán xâm chiếm đổi tên thành Giao Chỉ. Nơi đây Lý Bí từng chống ách đô hộ của nhà Lương, xưng đế và đặt Quốc hiệu là Vạn Xuân, rồi trở thành Tống Bình thủ phủ của Giao Châu, thuộc An Nam đô hộ phủ. Cho đến lúc mang tên Đại La Thành (866), cư dân đã đông đúc, ngoài người bản địa, có người ở các vùng lân cận, người Hoa, binh lính và bộ máy cai trị của lỵ sở. Tiếp các triều đại Ngô, Đinh, Lê, mùa Thu năm Canh Tuất (1010) Lý Thái Tổ dời Đô từ Hoa Lư về Đại La. Từ đây Thăng Long là trung tâm của đất nước, ... đầu mối tiếp xúc với lân bang. Kẻ sĩ, thương nhân, thợ khéo... theo nhau hội tụ, góp sức xây dựng một kinh kỳ sầm uất và đậm tính chất Việt.

    Hùng Trần

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá