Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Trò bắt chạch trong chum làng Bạch Trữ - một trò chơi thuộc nghi thức phồn thực của loài người
Thứ tư, 27/11/2019 09:43

 Trò bắt chạch trong chum làng Bạch Trữ còn gọi là trò thi bắt chạch trong chum nhân dịp hội làng Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. Đình làng Bạch Trữ thờ Ả Nương tức Ngọc Hoa công chúa thời vua Hùng và Cống Sơn tướng của Hai Bà Trưng. Xưa hội đầu thu tổ chức từ ngày 10 đến 15 tháng Tám có rước 2 kiệu từ đình về miếu và quay lại. Hội này có nhiều trò chơi như bịt mắt bắt dê, bắt vịt trong ao, đập niêu đất, leo cầu vồng nhưng hấp dẫn nhất là trò thi bắt chạch trong chum.

Ngay tên làng Bạch Trữ cũng là một cái tên rất gợi. Theo nghĩa chữ Hán, Bạch Trữ là vải gai trắng. Thời cổ, Bạch Trữ là làng chuyên nghề dệt cửi, nghề do chính Ngọc Hoa công chúa dạy cho dân làng. Dân làng trồng gai tước lấy vỏ, đem vỏ ngâm xuống ao. Được vài hôm, phần vỏ ngoài bong ra, người ta vớt gai lên rồi lấy chày nện cho tướp ra, quay thành một loại sợi chuội mềm, dùng dệt vải tấm màu trắng ngà, may áo mặc rất bền. Hồi ấy cách ăn mặc của người dân Bạch Trữ rất giản dị. Đàn ông quanh năm đóng khố cởi trần, đến mùa đông lạnh họ khoác thêm một tấm choàng buộc sợi dây bó quanh bụng là được. Còn đàn bà chỉ mặc yếm che ngực, hở lưng và hai bên mạn sườn. Họ mặc váy ngắn nhuộm thâm để đỡ dính bùn khi lội ao chuôm. Khi làm ruộng nước. Cho nên có thể nói Bạch Trữ là một làng Việt cổ, theo truyền thuyết ít nhất làng đã có từ thời vua Hùng.

          Ở tỉnh Vĩnh Phúc xưa không chỉ có làng Bạch Trữ mà ở huyện Vĩnh Tường cũng có trò bắt chạch trong chum. Ca dao vùng này có câu: “Bỏ con bỏ cháu không thể bỏ mồng sáu chợ Dưng” bởi vào phiên chợ ấy cũng có trò bắt chạch trong chum rất sôi động và hấp dẫn.

          Riêng trò bắt chạch trong chum ở hội làng Bạch Trữ là trò đã đi vào điển lễ. Để phục vụ trò thi, người làng đã sắm sẵn loại chum sành gốm Phù Lãng từ lâu, cất trong tả vũ. Khi mở hội họ mới khiêng chum ra sân, dàn hàng ngang 4 cái chum đại trước cửa đình làng. Chiều cao của chum 0,8m, miệng chum rộng 0,4m. Người ta đổ bùn loãng vào chum 0,3m, thả vào mỗi chum 4 con chạch tươi sống cỡ ngón tay cái. Tiếp đó 4 cặp đôi thanh niên nam nữ, gái yếm đỏ, quần lĩnh, trai đóng khố quàng tấm khăn chéo, từ vai xuống phía dưới bụng chừng như đã có đăng ký dự thi dắt tay nhau đứng trước hàng chum. Sau khi họ làm lễ bái yết Thành hoàng làng thì cuộc thi bắt đầu. Bốn cặp đôi quàng vai nhau, tay phải người nữ và tay phải người nam cùng thò nhanh xuống bụng chum. Bụng và ngực của họ tỳ áp vào vai chum. Ông của họ cong rớn lên một cách tự nhiên. Việc cùng bắt chạch trong chum nước sâu đưa họ vào một tư thế ngộ nghĩnh, tức cười với những nét đường cong hấp dẫn. Lưng họ lom khom cật mà không cúi hẳn được. Đầu họ lấp ló sau miệng chum. Họp ép sát vào nhau, còn đôi tay thì chới với. Họ càng muốn thọc sâu xuống lớp bùn loãng để bắt chạch thì họ càng phải nhón gót lên, phô ra bắp chân trắng ngà, phô ra tấm lưng trần bóng nhoáng. Vì vậy mà cuộc thi tài càng trở nên hấp dẫn. Kết thúc cuộc thi, đôi nam nữ nào bắt được chạch, kẹp trong kẽ các ngón tay đúng theo quy định thì sẽ được làng thưởng hậu. Còn đôi nam nữ nào tuy có bắt được chạch song lại nắm chạch trong lòng bàn tay hoặc không bắt được con chạch nào thì sẽ không được phần thưởng. Dù không nhận được phần thưởng thì họ cũng rất vui vì đây là dịp họ trình diện một cách công khai trước cả làng, trước cả hai họ và trước cả đôi bên cha mẹ. Nguyên cái sự họ sờ bắt tay nhau trong chum nước mà không tìm cách lùa bắt chạch cũng đủ làm cho họ mãn nguyện. Vì vậy, cả 4 đôi nam nữ dự trò chơi bắt chạch trong chum đều hớn hở hạnh phúc. Và đó chính là cái chất của cuộc thi tạo nên sức hút kỳ diệu của trò chơi này.

          Có thể nói, trò chơi này thuộc nghi thức phồn thực của loài người. Ở đây đấng thần linh đã kiến tạo sự kết đôi duy trì nòi giống, đã trình bày rộn rã một thao tác âm dương hợp với lẽ tự nhiên, hợp với quy luật của đất trời.

Cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” là một tập thuộc bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội” thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội là chủ đầu tư gồm 5 tập. Cuốn sách giới thiệu 10 lễ hội tiêu biểu nhất, 10 trò chơi tiêu biểu nhất, 10 trò diễn tiêu biểu nhất thể hiện giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội. Trò thi bắt chạch trong chum làng Bạch Trữ là một trong 10 trò chơi được giới thiệu trong cuốn sách này. Cuốn sách sẽ là tài liệu bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Bên cạnh đó, độc giả có thể tham khảo những tập sách khác trong cùng bộ sách này với các chủ đề: Đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, nhà thờ; Làng nghề, phố nghề; Ẩm thực; Khách sạn hàng đầu.

Thục Linh

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá