Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Trò kéo mỏ hội làng Ngải Khê – trò chơi thể hiện sức mạnh, sức bền của người dân Ngải Khê khi bắt đầu một năm mới
Thứ tư, 27/11/2019 09:43

Cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” là một tập thuộc bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội” thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do TS. Nguyễn Viết Chức chủ biên. Cuốn sách giới thiệu 10 lễ hội tiêu biểu nhất, 10 trò chơi tiêu biểu nhất, 10 trò diễn tiêu biểu nhất thể hiện giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội. Trò kéo mỏ hội làng Ngải Khê – trò chơi thể hiện sức mạnh, sức bền của người dân Ngải Khê khi bắt đầu một năm mới được lựa chọn giới thiệu trong tập sách này.

Trò kéo mỏ hội làng Ngải Khê còn gọi là kéo co bằng 2 cây tre bánh tẻ đập dập đầu bện chặt thành một cái mỏ. Khi kéo co đôi bên cầm nắm vào phần gốc chiếc mỏ nên gọi là trò thi kéo mỏ.

          Để chuẩn bị cho trò thi kéo mỏ từ trước Tết âm lịch dân làng đã chọn 2 cây tre bánh tẻ đẹp thẳng, da xanh, dài từ 6 đến 7m. Đó phải là 2 cây tre tương đồng nhau về tuổi cây, về chất lượng, có đủ ngọn, lá, cành, không có đốt bị sâu hoặc kiến đục. Số đốt tre được tính từ gốc trở lên theo 4 chữ “sinh”, tránh bị ứng vào chữ “tử”. Hai ngọn tre được hơ lửa cho dẻo, cho mềm lại và dai hơn rồi xoáy vặn quặp như hai cái mỏ ngoặc vào nhau, được buộc thêm lạt tre để cố định, tạo thành một cái mỏ dài ngoắc bằng độ dài của thân 2 cây tre để 2 phía cùng kéo, nên gọi là thi kéo mỏ.

          Khác với thi kéo co bằng dây thừng, dây chão, thi kéo mỏ trước khi vào cuộc, hai bên phải kéo thử, du đi du lại vài ba lần rồi mới bắt đầu.

          Kéo mỏ ở Ngải Khê được chia ra nhiều hiệp. Có thể thi kéo mỏ giữa xóm Trên với xóm Dưới hoặc thi kéo mỏ giữa giáp này với giáp khác. Những người dự cuộc thi phải nai nịt gọn gàng, chuẩn bị tinh thần, sức khoẻ. Họ dồn tâm lực vào đôi tay, đôi chân và toàn thân với ý chí quyết thắng.

          Cuộc thi bắt đầu, hai đội chơi ra sân, một vạch vôi kẻ dài phân đôi ranh giới. Hai cây tre dùng làm mỏ kéo đặt thẳng vuông góc với vạch vôi, chỗ 2 ngọn cây hơ làm mỏ ngoặc nhau đặt chính giữa vạch vôi đã kẻ, còn đội thi đứng dóng hàng dọc cạnh các đốt tre phần gốc. Tiếng trống lệnh “tùng, tùng, tùng” 3 tiếng vừa dứt, cuộc thi bắt đầu với những bắp tay cuộn nở, những cái môi mím chặt giữa tiếng reo hò cổ vũ của người xem và những tiếng trống ngũ liên thúc giục. Cả hai đội thi đều gồng mình lên, xoãi chân chèo, bám chắc “dây mỏ” như hai “dây người”, lúc ngả rạp xuống, lúc vụt đứng lên, hết sức gay cấn, hết sức quyết liệt. Cuộc đua kéo dài ba hiệp, mỗi hiệp 10 phút.  Kết thúc cuộc thi đội nào kéo được đối phương bước qua vạch vôi 2 hiệp, đội ấy sẽ thắng. Còn trong trường hợp cả hai đội thi cân sức cân tài, tuy có lúc kéo được đối phương, song lại bị đối phương phản công kéo ngược trở lại thì cả hai đội sẽ hoà và cùng thắng. Kết thúc cuộc thi, cả hai cây tre dùng làm mỏ sẽ được cưa cắt, chẻ ra thành những mảnh nhỏ chia cho những người cùng tham dự. Họ coi đây là một thứ lộc quý đầu năm, đem về nhà cất trên ban thờ hoặc chẻ thành tăm tre dùng trong những ngày giỗ chạp hoặc tiếp đón bạn bè. Có nhiều cụ ông ngày xưa búi tóc dài, thường vót một chiếc tăm tre từ những mảnh tre lộc quý đó rồi cài lên búi tóc như một biểu tượng cho sự may mắn.

          Trò chơi kéo mỏ trong hội làng Ngải Khê thể hiện sức mạnh, sức bền của người dân bản địa khi năm mới bắt đầu. Trò chơi còn là một món quà quý tặng cho những ai đến với hội làng. Năm nào hội làng sôi nổi rộn ràng, năm ấy dân làng Ngải Khê tin rằng sẽ làm ăn tốt, sẽ có sức khoẻ dồi dào, sẽ có cuộc sống ngày một sung túc hơn.

          Lễ hội, trò chơi và trò diễn Thăng Long – Hà Nội có số lượng lớn và chất lượng cũng ở dạng tuyệt hảo, tiêu biểu, tượng trưng cho tinh hoa văn hoá của cả nước. Tất cả lễ hội, trò chơi, trò diễn tạo nên bản sắc văn hoá của Thăng Long – Hà Nội. Để tìm hiểu kỹ hơn về trò kéo mỏ hội làng Ngải Khê cũng như những trò chơi dân gian tiêu biểu khác trong các lễ hội của đất Thăng Long xưa – Hà Nội nay, độc giả có thể tìm đọc cuốn sách này. Cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” cũng như những tập sách khác của bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội” với các chủ đề: Đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, nhà thờ; Làng nghề, phố nghề; Ẩm thực; Khách sạn hàng đầu sẽ là tài liệu bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Phương Linh

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá