Trò vật lầu trùng trinh của đồng bào Mường xã Tiến Xuân thể hiện triết lý phồn thực, cầu mong sự nảy nở, sinh sôi
Trò vật lầu trùng trinh của đồng bào Mường xã Tiến Xuân còn gọi là trò thi vật cầu hoặc vật lầu như ở trò chơi vật cầu làng Ngải Khê vì đều dùng đạo cụ chính là quả cầu tròn gọt từ một củ chuối lớn. Người dân tộc Mường gọi đó là “trò trùng trinh”. Tuy nhiên nội dung và cách chơi có khác nhau.
Trước ngày tổ chức lễ hội, người ta chọn một củ chuối rừng cỡ đại, gọt lại cho tròn trịa, đường kính quả cầu chừng 20-25cm. Tại đám ruộng ven đình tràng, người ta đào 3 hố đất lớn, đường kính mỗi hố chừng 30cm, sâu 30cm trên một trục thẳng ngang, mỗi hố cách nhau chừng 3m. Về thể lệ cuộc chơi, người ta để quả cầu củ chuối lọt vào hố giữa rồi lăn đẩy sao cho quả cầu củ chuối ấy lăn lọt vào hố bên mình chứ không phải ôm gọn quả cầu vào bụng như ở hội vật cầu làng Ngải Khê. Hai đội chơi gồm toàn trai bản mới lớn khoẻ mạnh, không ngại quần đùi ở trần, không ngại lấm láp xô đẩy và sẵn sàng nhảy xuống hồ đình tắm táp ngay sau cuộc chơi thì mới tự do đăng ký dự trò chơi. Có điều dù thế nào chăng nữa thì mỗi đội cũng phải cân nhau 3, 5 hoặc 6 chàng trai là được. Theo hiệu lệnh của người cầm trịch, bắt đầu hiệp đấu dài chừng 15 phút. Họ ùa vào thi tài chen đẩy, giành giật nhau quả cầu củ chuối trơn trượt và ướt nhẫy, cố gắng lăn hoặc đẩy cho lọt vào hố bên mình thì được công nhận là đã chiến thắng. Còn nếu cân tài cân sức không bên nào lăn đẩy được quả cầu củ chuối lăn xuống hố bên mình thì hết thời gian 15 phút cũng chấm dứt hiệp chơi. Hai đội chơi lúc đó giải tán ra ngoài sân nhảy xuống hồ tắm ngụp. Trong khi đó hai đội chơi khác vừa mới tập hợp lại bắt đầu vào hiệp chơi mới. Cuộc chơi cứ thế tiếp tục cho đến khi hết người dự chơi thì thôi.
Trong diễn trình trò chơi, hễ cứ đội nào lăn được quả cầu củ chuối lọt vào hố của bên mình thì sẽ được nhận thưởng của làng tuỳ theo thời cuộc như bao chè, bao thuốc, bánh tét, bánh chưng…
Trò vật lầu trùng trinh của người Mường thuộc xã Đào Lạn cũ nay là xã Tiến Xuân và xã Đông Xuân, cũng như trò vật lầu của người Việt làng Ngải Khê huyện Phú Xuyên đều ít nhiều thể hiện triết lý phồn thực, cầu mong sự nảy nở, sinh sôi. Đây là một trò chơi hồn nhiên vì có sự tham gia đông đảo của trai bản và dân bản tham dự hội xuân. Cho tới năm 1957, xã Đào Lạn mới chia tách thành 2 xã Đông Xuân và Tiến Xuân. Xưa họ chung một xã, chung một ngôi đình, chung một trò hội. Ngày nay, trò trùng trinh không còn được tổ chức lại vì lớp thanh niên thời đại mới không muốn sự lấm láp bùn đất và nhựa củ chuối đeo bám khó có thể tẩy giặt cho dù có rất nhiều bột giặt cao cấp. Vì vậy, du khách đến với hội xuân của người Mường ở xã Tiến Xuân vào thời nay chỉ có thể được thưởng thức trò cồng chiêng và trò ném còn. Riêng trò vật lầu trùng trinh thì mãi mãi vẫn là một kỷ niệm, trò chơi này diễn ra lần cuối vào năm 1948.
Thăng Long – Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi văn hoá của cả nước đồng thời là nơi thu nhận và thâu tóm tinh hoa văn hoá các vùng miền đất nước. Lễ hội, trò chơi và trò diễn Thăng Long – Hà Nội có số lượng lớn và chất lượng cũng ở dạng tuyệt hảo, tiêu biểu, tượng trưng cho tinh hoa văn hoá của cả nước. Tất cả lễ hội, trò chơi, trò diễn tạo nên bản sắc văn hoá của Thăng Long – Hà Nội. Để tìm hiểu kỹ hơn về trò vật lầu trùng trinh của đồng bào Mường xã Tiến Xuân cũng như những trò chơi dân gian tiêu biểu khác trong các lễ hội của đất Thăng Long xưa – Hà Nội nay, độc giả có thể tìm đọc cuốn sách này. Cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” cùng những tập sách với các chủ đề: Đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, nhà thờ; Làng nghề, phố nghề; Ẩm thực; Khách sạn hàng đầu của bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội” sẽ là tài liệu tham khảo có ý nghĩa, bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
Thảo Linh