Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
“Ngoại thích” một điểm nổi bật trong triều đại phong kiến Việt Nam
Thứ năm, 28/11/2019 08:46

“Ngoại thích” đây là một vấn đề hay trong lịch sử Việt Nam được tác giả GS. TS Lê Thị Quý nhắc đến trong một nghiên cứu “Gia đình Thăng Long - Hà Nội” năm trong “Tủ sách ngàn năm văn hiến giai đoạn II” .

 Ngoại thích có nghĩa là các thế lực bên nhà vợ xen vào nắm quyền lực bênh nhà chồng. Trên thực tế, mối quan hệ này không thể tránh khỏi khi mối quan hệ giữa hai bên gia đình trở nên thân thiết. Nhiều vị vua quan niệm rằng thà những người họ ngoại bên mẹ hoặc vợ mình nắm quyền còn tin tưởng hơn người ngoài.

Trường hợp ngoại thích dưới thời vua Lý Huệ Tông.

        Lý Cao Tông (Không phải con đẻ của Lý Nhân Tông) lên ngôi khi mới 3 tuổi, mẹ là Đỗ phu nhân trở thành Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu, Đỗ An Di em trai bà trở thành ngoại thích. May mắn thời kỳ này có vị quan tài giỏi, thanh liêm là Tô Hiến Thành được giao cho việc kèm cặp phụ chính nên chặn được các xung đột.         

Quá trình suy vong của nhà Lý liên quan đến vấn đề gia đình: các thế lực phong kiến đặt quyền lợi của gia đình, dòng tộc lên trên quyền lợi của đất nước. Năm 1210, thái tử Lý Sảm lên ngôi, tức Lý Huệ Tông, lúc ấy mới 16 tuổi. Hai lực lượng lớn nhất tranh quyền lúc đó là họ Trần và họ Đàm. Lý Huệ Tông lo ngại ngoại thích nhà vợ họ Trần thế lực lớn, nên dựa vào ngoại thích nhà mẹ là cậu Đàm Dĩ Mông. Tuy nhiên đã quá muộn vì lúc đó, Trần Tự Khánh dẫn quân đi đánh khắp nơi, thu phục được nhiều đất đai.

      Năm 1213, quân nhà Lý do Huệ Tông và thái sư Đàm Dĩ Mông bị thua. Huệ Tông bỏ chạy lên Lạng châu. Trần Tự Khánh cố thuyết phục Lý Huệ Tông trở về kinh không được, bèn lập một hoàng thân nhà Lý là Lý Nguyên Vương lên ngôi làm vua mới. Lực lượng họ Trần rất mạnh buộc vua Huệ Tông phải trở về dựa vào họ Trần. Năm 1216, Huệ Tông sách phong Trần Thị Dung làm Thuận Trinh phu nhân. Đàm thái hậu cho Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc, nên ghét Trần Thị Dung, bảo vua đuổi bỏ đi, lại nhiều lần muốn làm hại, nhưng Huệ Tông đều che chở. Trần Tự Khánh bèn phế bỏ vua mới Lý Nguyên Vương, tôn Huệ Tông là vua như cũ.

       Vài năm sau đó, Chiêu Hoàng đặt đại hội ở điện Thiên An, ngự trên bảo sàng, các quan mặc triều phục vào chầu lạy dưới sân. Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự, khuyên mời Trần cảnh lên ngôi Hoàng đế, phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, coi việc thiên hạ. Thủ Độ nói: "Hiện nay giặc cướp nổi lên, họa loạn mỗi ngày càng thêm... lòng dân chưa phục, mới họa không phải là nhỏ. Ta tuy là chủ nhưng không biết chữ nghĩa gì, còn phải bôn đông tẩu tây để chống với bọn giặc cướp, không gì bằng mời Thánh phụ tạm coi việc nước, làm Thượng hoàng, một hai năm sau thiên hạ nhất thống lại trao trả quyền cho Nhị lang Trần Cảnh". Các quan đều cho là phải, mời Thánh phụ Trần Thừa nhiếp chính.

Trường hợp ngoại thích dưới triều Trần. Dưới thời Trần Minh Tông, trong huyết thống hoàng gia đã bắt đầu có ngoại thích xen vào. Đó là việc ông sủng ái Anh Tư phu nhân, con gái một quan viên họ Lê và em phu nhân là Sung Viên Lê thị. Cả hai bà đều sinh ra các Hoàng tử đều là những người sẽ kế thừa ngôi vị Hoàng đế Đại Việt tương lai. Minh Tông muốn lập con của phu nhân Anh Tư là Trần Vượng làm Thái tử, nhưng gặp phải sự phản đối từ cha của Lệ Thánh hoàng hậu là Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn, một đại thần trụ cột đương thời, là con trai của Nhân Tông hoàng đế, người mà Minh Tông phải gọi bằng chú. Khi Anh Tông hấp hối, ông đã giao Quốc Chẩn chăm nom vua.  Sau đó, dưới sự xúi giục của Trần Khắc Chung, Văn Hiến hầu là con trai của Trần Nhật Duật, cùng sự hợp tác ngấm ngầm của Anh Tư phu nhân, Minh Tông đã bắt giam Quốc Chẩn vào một ngôi chùa và khiến Quốc Chẩn thiệt mạng.

           Minh Tông sau đó truyền ngôi cho Thái tử Trần Vượng, gọi là Trần Hiến Tông. Hiến Tông chết khi còn trẻ, ông lập con của Lệ Thánh hoàng hậu là Trần Hạo, tức Trần Dụ Tông. Năm 1358, Thượng hoàng Minh Tông băng hà, hưởng dương 59 tuổi. Dụ Tông tự mình điều hành chính sự, thời kỳ suy vong của nhà Trần bắt đầu.

          Hồ Quý Ly có hai người cô ruột lấy Trần Minh Tông. Người cô đầu, Thuận Nương sinh ra Hoàng tử Vượng (tức vua Trần Hiến Tông về sau), rồi sinh ra Hoàng tử Phủ (tức vua Trần Nghệ Tông về sau). Người em là Sùng Viên (một bậc cung tần), sinh ra hoàng tử Kính (tức vua Trần Duệ Tông, người tử trận khi đi đánh Chiêm Thành năm 1376). Có hai người cô như thế, nên khi Trần Nghệ Tông lên ngôi, rất tín nhiệm, đã cất nhắc Quý Ly lên đến Phụ chính Thái sư nhiếp chính. Sau đó, ông cướp ngôi nhà Trần, đặt quôc hiệu là Đại Ngu, truyền ngôi cho con là Hán Thương.

          Hồ Quý Lý còn lấy công chúa Huy Ninh là em của Trần Nghệ Tông. Kết quả cuộc hôn nhân này là bà Huy Ninh sinh ra công chúa Hồ Thánh Ngẫu, sau lấy vua Trần Thuận Tông, được phong Khâm Thánh Hoàng hậu.

Trường hợp ngoại thích trong thời Hậu Lê

          Để loại trừ bớt quyền hành của bên ngoại, Lê Thái Tông giết bố vợ là đại thần Lê Sát lộng quyền. Sau đó ông càng khắt khe đối với các công thần, trong tâm có ý giết Tư khấu Lê Ngân (cũng là bố vợ Thái Tông). Lúc đó Lê Nhật Lệ , con gái của Lê Ngân được phong làm Huệ phi nhưng không được sủng ái, Lê Ngân sai thuê phù thủy làm lễ ở nhà, đúc tượng vàng Quan Thế Âm để mong con gái được yêu thương. Thái Tông nghe đến, sai người vào nhà ông tra khảo, bắt được bọn phù thủy yếm và tượng vàng. Lê Ngân hoảng hốt vào triều, tâu sớ giải bầy, nhưng Thái Tông quyết xử tử, ban cho ông tự vẫn tại nhà như Lê Sát trước đây. Cũng như Lê Sát, cả nhà ông bị lưu đày, con trai Lê Nho Tông bị buộc làm lính giữ cửa, không được trọng dụng.

           Thời vua Lê Uy Mục, do sự tàn bạo của vua đã gây nên một làn sóng bất bình trong hàng ngũ quan lại, tôn thất. Quyền hành trong triều rơi vào tay họ ngoại. Bấy giờ, phía đông thì làng Hoa Lăng (quê của Nguyễn Kính Phi), phía tây thì làng Nhân Mục (quê của Trần hoàng hậu), phía bắc thì làng Phù Chẩn (quê của Chiêu Nhân thái hậu) đều chuyên cậy quyền thế, vùi dập các quan, kẻ thì vì ý riêng mà giết hại dân, kẻ thì yêu sách tiền của. Muôn dân ta oán mà hoàng đế lại mang lòng ngờ vực, đố kỵ.

         Thời Tây Sơn, chính quyền Nguyễn Quan Toản bị suy yếu sau khi vua Quang Trung mất. Ngoại thích Bùi Đắc Tuyên là em của mẹ Quang Toản chuyên quyền. Quang Toản không chống đỡ được với Gia Long và bị Gia Long tiêu diệt.

Có thể thấy trường hợp ngoại thích thường xuất hiện ở các triều đại khi mà các ông vua không để ý đến triều chính chỉ lo ăn chơi, thêm nữa các ông vua có quá nhiều vợ nên các lực lượng ngoại thích nhiều. Họ không chỉ đe dọa triều đình mà còn xung đột, hãm hại lẫn nhau khiến triều đình rối ren, suy yếu. 

Đặng Tình

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá