Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Một số di sản phi vật thể xã Đại Phùng nay thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng
Thứ sáu, 17/04/2020 12:39

Cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên dày 1.000 trang, đây là tập thứ 7 của Bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, được Nhà xuất bản ấn hành năm 2019. Tập sách này giới thiệu tổng quát về vị trí địa lý, lịch sử diên cách, các đặc điểm nổi bật về lịch sử, kinh tế, văn hoá, các di sản văn hoá vật thể - phi vật thể đã và đang tồn tại tại các cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn 30 quận, huyện Hà Nội hiện nay, trong đó xã Đan Phượng là xã có những di sản phi vật thể tài liệu văn khắc, thần tích, thần sắc; một số di sản vật thể được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia như đình, chùa Đại Phùng; đình, chùa Đông Khê; quán Đoài Khê… Dưới đây, xin giới thiệu một số di sản phi vật thể của xã Đại Phùng xưa, nay thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng.

Bia chùa Tam Giáo

“Tam giáo tự, Tam bảo vật” là bia tại chùa Tam Giáo, xã Đại Phùng, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai; sưu tầm tại chùa Đại Phùng, tổng Đan Phượng Thượng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, nay thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Bia được dựng năm Hồng Ninh thứ nhất (1591). Bia có nội dung: Xã Đại Phùng có chùa Tam Giáo là một danh thắng nổi tiếng, nằm giữa vùng hồ ao và vườn cây rậm rạp, phong cảnh rất đẹp. Trước chùa đã được Đô đốc họ Mạc trùng tu khi trị nhậm vùng này. Lâu năm chùa đã bị dột nát. Đến năm Sùng Khang thứ 9 (1590) dân xã lại tiến hành tu sửa chùa lần nữa. Năm Hưng Trị thứ 3 (1590) dân xã xuất 70 quan tiền mua 1 sào 5 thước ao cúng vào chùa. Đóng góp tiền mua ao chùa có phi tần của Khiêm Thái vương là Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Thái bảo Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn, Phúc Thành Thái trưởng công chúa Mạc Ngọc Lâm… Bia kết thúc bằng bài minh nêu cảnh đẹp của chùa Tam Giáo và ca tụng công đức các tín chủ.

Thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm 2 mặt với 56 dòng chữ Hán và Nôm, toàn văn ước khoảng 1.300 chữ, có hoa văn, không có chữ húy.

Bia văn miếu huyện Đan Phượng

1.“Trùng tu Văn miếu bi” là bia văn miếu huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai; sưu tầm tại văn chỉ xã Đại Phùng, tổng Đan Phượng Thượng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, nay thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Bia dựng năm Hoằng Định thứ 16 (1615), niên đại ước đoán là năm Minh Mệnh thứ 16 (1835). Người soạn bia là Dương Bá Cung, quê quán tỉnh Hà Đông, chức vụ Huấn đạo huyện Đan Phượng. Người viết chữ là Bùi Thời Nghi, quê La Sơn, Hà Tĩnh.

Bia có nội dung: Văn miếu phủ Quốc Oai đặt tại xã Đại Phùng, huyện Đan  Phượng dựng từ đời Lê, gồm 9 gian tường gạch mái ngói. Trải qua chiến tranh, văn miếu bị hư hỏng. Một năm sau khi nhà vua lập tỉnh hạt mới, viên quan họ Bùi người Hoan Châu về trị nhậm địa phương bàn với các quan bản huyện đóng góp lương bổng giao cho quan thông lại Ngô Gia Quí cai quản việc tu sửa, bắt đầu là từ năm Giáp Ngọ, qua đến năm Ất Mùi thì hoàn thành. Cuối bia ghi tên họ những người đóng góp, cung tiến và các thửa ruộng của Văn miếu.

Thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm 2 mặt với 35 dòng chữ hán, toàn văn ước khoảng 1.000 chữ, có hoa văn không có chữ húy.

2. “Trùng tu Văn miếu ký” là bia văn miếu huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai; sưu tầm tại văn chỉ xã Đại Phùng, tổng Đan Phượng Thượng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, nay thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Bia có nội dung liệt  kê các khoản mục đóng góp xây dựng Văn miếu huyện Đan Phượng vào năm Tự Đức Mậu Thìn (1868), trong đó bổ đều cho 6 tổng 600 quan, hạng Tú tài, Cai tổng, Phó tổng mỗi người 6 quan, các hạng hương thân, tổng mục, đỗ tam trường, Chánh, Phó lý từ 2 đến 3 quan, khóa sinh 1 quan và nhiều người hằng tâm đóng góp khác.

Thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bia 1 mặt với 22 dòng chữ hán, toàn văn ước khoảng 750 chữ, không có hoa văn, không có chữ húy.

            Thần tích xã Đại Phùng

Thần tích xã Đại Phùng, chép năm 1938, lưu tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, ký hiệu Q4o 18/II,9. Nội dung thần tích: Sự tích một nhân thần là Trần Chung Quân Ngả Bốn.

Hương ước, tục lệ xã Đại Phùng

1. Tục lệ xã Đại Phùng, văn bản gồm 1 bản viết 44 trang chữ Hán có nội dung: Tục lệ gồm 99 điều ước, trong đó có 29 điều lập ngày 16 tháng 9 năm Gia Long thứ 14 (1815) với nội dung về các vấn đề lên lão, khuyến khích sĩ nhân học tập, cấm đánh bạc, tu sửa đê điều, đặt ruộng công thu hoa lợi, tế thần, thờ hậu Phật…, 700 điều sửa đổi và bổ sung về các vấn đề đặt đất châu thổ, nhập tịch, cầu phúc, ngôi thứ, hôn lễ, tang ma, tô thuế, binh dịch…, lập tháng 6 năm Thành Thái thứ 10 (1898).

          2. Hương ước xã Đại  Phùng, lập năm 1942, văn bản gồm 63 trang chép tay chữ Hán Nôm, lưu tại Viện Thông tin Khoa học xã hội.

Địa bạ xã Đại Phùng, tổng Đan Phượng Thượng huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, nay là thôn Đông Khê, Đoài Khê, xã Đan Phượng và một phần thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Văn bản lập năm Gia Long thứ 4 (1805), chép tay chữ Hán Nôm, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Đình Đại Phùng còn lưu giữ 3 câu đối:

1. Hựu quốc tâm đan, Phượng sơn chính khí.

Trạch dân đức đại, Phùng chứ linh thanh.

Dịch đối:

Giúp nước lòng son, chính khí cao ngời núi Phượng,

Yên đân đức lớn, linh thanh rộng trải bến Phùng.

2. Tư dân thọ vực xuân đài, càn khôn đức đại,

Kỳ địa thanh sơn tú thủy, tả hữu nguyên phùng.

          Dịch đối:

          Dân vui cõi thọ đài xuân, ơn đức sánh ngang trời đất,

                Cảnh đẹp non xanh nước biếc, suối ngầm giao hội đông tây.

                3. Đạo hữu đan, Phượng quận văn chương vô trị loạn,

          Lễ vi đại, Phùng giang trở đậu mỗi xuân thu.

          Dịch đối:

          Đạo lý son tươi, văn đất Phượng chẳng kể gì trị loạn,

          Lễ nhi việc lớn, đình làng Phùng khói trải xuân thu.

Thăng Long – Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi văn hoá của cả nước đồng thời là nơi thu nhận và thâu tóm tinh hoa văn hoá các vùng miền đất nước. Trên đây là những nét khái quát về một số di sản phi vật thể của xã Đại Phùng xưa, nay thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Độc giả và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến có thể tham khảo tập sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên. Cuốn sách sẽ cung cấp những thông tin bổ ích, hữu dụng cho những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Ngọc Hà

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá