Đình Thuỵ Ứng
Đình thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Đình được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp Tỉnh năm 2004. Đình thờ Tích Lịch Hoả Quang và tướng quân Lữ Gia. Tương truyền Tích Lịch Hoả Quang là một vị thiên thần thời Hùng Vương thứ 18 đã có công chữa bệnh cho dân trong vùng, phù giúp Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên Mông thời Trần.
Tướng quân Lữ Gia là người xã Thiên Phúc, huyện Ninh Sơn. Ông làm tướng của 3 triều nhà Triệu nước Nam Việt. Tương truyền, trong thời gian làm quan, vua Triệu đã phái Lữ Gia về cai quản vùng Thuỵ Ứng. Do không hàng phục nhà Hán nên Lữ Gia nhiều lần bị hoàng hậu Cù Thị ám sát nhưng không thành. Sau khi nhà Hán xâm lược Nam Việt, Lữ Gia đem quân chống lại, giết chết Hàn Thiên Thu. Nhà Hán phản công, Lữ Gia thất bại. Dân làng đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của Lữ Gia.
Đình được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII, XVIII). Theo văn bia chùa Thuỵ Ứng cho biết, đình xưa kia nằm giáp chân đê đầu làng. Sau đó, đình bị chiến tranh phá huỷ và được xây dựng ở vị trí hiện nay. Đình gồm: nghi môn, giếng, đại đình, hai dãy tả hữu mạc và nhà khách. Đại đình bố cục hình chữ “đinh”, gồm tiền tế và hậu cung xây kiểu tường hồi bít đốc. Phần chính diện của tiền tế làm kiểu giả hiên, hiên được xây gạch, bổ trụ, phía trên đỉnh mái đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, hai bên đắp bốn cột đồng trụ, đỉnh trụ lớn đắp tứ phượng chầu, đỉnh trụ nhỏ đắp hình nghê. Tiền tế 5 gian với 6 bộ vì, 4 vì giữa làm kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền, trang trí đơn giản kiểu bào trơn, đóng bén, hai vì hồi làm kiểu thượng chồng rường, hạ rường nách được chạm khắc công phu đề tài tứ quý, lưỡng long chầu nguyệt… Phía sau là hậu cung 3 gian, các bộ vì kèo làm kiểu thượng ván mê, chạm khắc đề tài long cuốn thuỷ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Đình còn bảo lưu được bộ sưu tập mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII – XIX như: 1 bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng, 1 kiệu bát cống, 1 kiệu bành chạm đầu long, sơn son thếp vàng, long ngai, bài vị, giá văn, nhang án, choé sứ men rạn…
Hội đình diễn ra vào hai kỳ: Ngày 12 tháng Giêng âm lịch – ngày hội chung của tổng Phùng với các tiệc lệ và tế chung, không mở hội đám. Ngày 10 tháng Hai âm lịch – là ngày hội chính. Ngày hội diễn ra các nghi thức tế lễ, rước kiệu và nhiều trò chơi dân gian như: đánh đu, đấu vật, cờ người, đập niêu đất, thổi cơm thi…
Chùa Thuỵ Ứng (Sùng Phúc tự)
Chùa thuộc thôn Thuỵ Ứng, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh năm 2004.
Chùa được xây dựng thời Lê Trung hưng, quay hướng Tây, phía trước là sông Đáy. Mặt bằng kiến trúc tổng thể của chùa gồm tam quan, gác chuông, tiền đường ngoại, chùa chính, nhà tổ, điện mẫu, nhà khách và sân vườn. Tiền đường ngoại 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai. Hai bên hồi xây tường cánh gà cao ngang diềm mái trước, đầu tường có các trụ biểu. Các bộ vì làm theo 2 kiểu thượng chồng rường con nhị, hạ rường nách, quá giang và thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền, quá giang trốn cột. Trang trí trên các bộ vì không nhiều, chủ yếu ở các đầu rường và con rường với hoạ tiết vân xoắn, mây cụm. Bên trong tiền đường đắp động tượng thiên đường, địa phủ và ban thờ Địa Tạng bồ tát và bia hậu.
Chùa chính gồm tiền đường nội và thượng điện. Tiền đường nội có 5 gian, 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc. Bờ nóc đắp bờ đinh, chính giữ nóc mái đắp hình lưỡng long chầu nhật. Các bộ vì làm kiểu thượng chồng rường con nhị, hạ rường nách, bẩy hiên trên 4 hàng chân cột. Về trang trí, trên các xà, đầu rường chạm khắc hình mây cụm, trúc hoá rồng.. mang phong cách thời Nguyễn. Đặc biệt, một số con rường làm kiểu nổi khối vồng bụng, đặc trưng nghệ thuật thế kỷ XVIII. Thượng điện gồm 5 gian, xây kiểu nhà dọc bít đốc, các bộ vì làm kiểu thượng ván mê, hạ cốn mê, thượng chồng rường, hạ rường nách và thượng ván mê, hạ kẻ chuyền. Các ván mê được chạm hình hổ phù ngậm chữ “thọ”, mang đặc trung thời Nguyễn. Gác chuông được làm sát tường hồi trái thượng điện, gồm 3 gian, xây kiểu 2 tầng 8 mái. Phần chồng diêm giữa hai tầng mái làm chấn song con tiện, các đầu đao được đắp nổi hình rồng. Bộ vì nhà làm kiểu chồng rường con nhị, cốn mê bẩy và chồng rường bẩy. Các cốn mê chạm khắc hình long cuốn thuỷ thời Nguyễn, các con rường chạm vân xoắn, lân… có niên đại thời Hậu Lê.
Hiện nay, chùa còn lưu giữ được 2 tấm bia hậu niện đại Chính Hoà thứ 17 (1696) và Gia Long thứ 17 (1818), 1 quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800), 1 khánh đồng đúc năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753), 1 bức phù điêu thời Nguyễn cùng nhiều hoành phi, câu đối, bát hương…
Trên đây là những nét khắc hoạ về di sản vật thể của đình Thuỵ Ứng và chùa Thuỵ Ứng thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng là hai di tích được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá năm 2004 và Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh năm 2006, được giới thiệu trong tập sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Độc giả và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến có thể tham khảo tập này. Sách được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019.
Văn Tống