Đình Hạ
Đình Hạ thuộc thôn Hạ, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Đình được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia năm 1990. Đình thờ Côn Lang, tương truyền là con của Hùng Trác và Hà Hoà, người trấn Sơn Tây đã có công trong việc giúp trang Hạ Trì đắp đê chống lũ, cải tạo đồng ruộng. Khi Thục Phán đánh vua Hùng, Côn Lang đã chiêu mộ nhiều trai tráng trong trang Hạ Trì đi theo thánh Tản Viên. Chiến thắng trở về, ngài được vua Hùng khen thưởng. Thời gian sau, Côn Lang xin vua trở về quê giúp dân chăn tằm dệt lụa. Sau khi ngài hoá, nhân dân thôn Hạ xây dựng miếu thờ và tôn vinh làm Thành hoàng.
Đình gồm nghi môn, sân, toà đình và nơi thờ Quan Công. Nghi môn làm theo kiểu tứ trụ, hai trụ lớn được trang trí tứ phượng chầu trên đỉnh, phía dưới là các ô lồng đèn và câu đối chữ Hán, đế trụ thắt cổ bồng. Hai trụ bên trang trí đôi nghê chầu ở đỉnh trụ. Bên trái sân đình là nơi thờ Quan Công gồm 23 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc với bốn bộ vì làm kiểu kèo cầu quá giang. Trang trí trên các cấu kiện chủ yếu là các hình vân mây, văn thực vật… Đình bố cục hình chữ “đinh” gồm tiền tế, đại bái và hậu cung. Tiền tế 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì làm kiểu vì kèo đơn giản. Đại bái 3 gian, kết cấu tương tự như tiền tế. Hậu cung là 3 gian nhà dọc nối từ gian giữa đại bái. Các bộ vì làm kiểu thượng giá chiêng chồng rường hạ kẻ trên 4 hàng chân cột. Hậu cung đặt long ngai bài vị đức thánh Côn Lang.
Đình còn lưu giữ 12 đạo sắc phong, sớm nhất là đạo sắc thời Lê, niên hiệu Dương Hoà thứ 5 (1639), muộn nhất là đạo sắc niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924), 1 cuốn thần phả, 1 bộ long ngai, 1 bộ bát bửu thời Nguyễn, 1 bộ chấp kích, cây hương, cây đèn, chân nến, giá văn, cửa võng, y môn, hoành phi, câu đối…
Hằng năm, nhân dân thôn Hạ tổ chức lễ hội vào ngày 14 tháng 8 âm lịch.
Chùa thôn Hạ (Vĩnh Hưng tự)
Vĩnh Hưng tự thuộc thôn Hạ, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1990. Diện mạo của chùa hiện nay mang dáng dấp của lần trùng tu lớn vào năm Thành Thái thứ 17 (1905). Các hạng mục chính của chùa hiện gồm: cổng, chùa chính, nhà tổ, điện mẫu, nhà bia.
Chùa có bố cục hình chữ “đinh”, gồm tiền đường và thượng điện. Tiền đường 5 gian kiểu tường hồi bít đốc, vì kèo chồng rường bẩy hiên trên 4 hàng chân cột. Nghệ thuật trang trí tập trung trên các con rường, bẩy hiên, cốn, kẻ với hình hoa lá cách điệu, vân mây, rồng lá hồi văn… mang phong cách thời Nguyễn. Thượng điện 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, vì kèo kiểu thượng rường hạ kẻ. Nhà tổ gồm 7 gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, vì kèo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền. Trang trí trên các cấu kiện gỗ phong phú với các hình lão trúc, lão mai hoá rồng, văn thực vật… mang đặc điểm thế kỷ XIX.
Chùa còn lưu giữ 7 tấm bia đá vào các năm Vĩnh Khánh thứ 4 (1732), Thiệu Trị thứ 3 (1843), Tự Đức thứ 14 (1861)… 13 bức đại tự, 12 câu đối, 7 bộ y môn, 3 bộ cửa võng, cây đèn, mâm bồng, lư hương, đài nến…
Với những nét khái quát về di sản vật thể của đình Hạ và chùa thôn Hạ thuộc xã Liên Trung, huyện Đan Phượng được giới thiệu trong tập sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, độc giả và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về xã Liên Trung, huyện Đan Phượng hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến có thể tham khảo tập này. Sách được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019.
Thục Linh