Khám phá di sản vật thể quán Thuỵ Ứng – Di tích lịch sử - văn hoá cấp Tỉnh năm 2004
Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội được thành lập năm 1994 và điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị định số 38/2002/NĐ-CP ngày 8/4/2002 của Chính phủ. Thị trấn Phùng hiện nay gồm các khu phố: Phùng Hưng, Phan Đình Phùng, Tây Sơn, Nguyễn Thái Học, Phượng Trì và Thuỵ Ứng, xưa kia thuộc các xã Đại Phùng, Phượng Trì và Thuỵ Ứng. Xã Đại Phùng nay chủ yếu là thôn Đại Phùng thuộc xã Đan Phượng, một phần thuộc thị trấn Phùng. Xã Phượng Trì nay thuộc thị trấn Phùng. Xã Thuỵ Ứng, cuối thế kỷ XIX về trước là thôn Thuỵ Ứng thuộc xã Đan Phượng Hạ, khoảng năm 1888 tách thành thôn độc lập thuộc tổng Đan Phượng Thượng, đến khoảng năm 1926 đổi thành xã Thuỵ Ứng. Xã Thuỵ Ứng nay thuộc thị trấn Phùng.
Quán Thuỵ Ứng thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Quán được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp Tỉnh năm 2004. Quán thờ Tích Lịch Hoả Quang và tướng quân Lữ Gia. Tương truyền Tích Lịch Hoả Quang là một vị thiên thần thời Hùng Vương thứ 18 đã có công chữa bệnh cho dân trong vùng, phù giúp Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên Mông thời Trần. Tướng quân Lữ Gia là người xã Thiên Phúc, huyện Ninh Sơn. Ông làm tướng của 3 triều nhà Triệu nước Nam Việt. Tương truyền, trong thời gian làm quan, vua Triệu đã phái Lữ Gia về cai quản vùng Thuỵ Ứng. Do không hàng phục nhà Hán nên Lữ Gia nhiều lần bị hoàng hậu Cù Thị ám sát nhưng không thành. Sau khi nhà Hán xâm lược Nam Việt, Lữ Gia đem quân chống lại, giết chết Hàn Thiên Thu. Nhà Hán phản công, Lữ Gia thất bại. Dân làng đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của Lữ Gia.
Quán được xây dựng cùng với đình vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII, XVIII). Đến nay, quán đã tu sửa, tôn tạo nhiều lần. Quán quay hướng Đông Nam, nằm sát đình, bên dòng sông Đáy. Bố cục chính được làm theo hình chữ “đinh”, gồm đại bái và hậu cung xây kiểu tường hồi bít đốc. Đại bái 3 gian 2 chái với 4 mái đao. Bốn bộ vì gian giữa làm kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền, 2 bộ vì gian bên làm kiểu thượng chồng rường, hạ ván bưng, thượng giá chiêng chồng rường, hạ kẻ chuyền xà nách. Nhìn chung, trang trí trong quán không nhiều, các cấu kiện gỗ chủ yếu thiên về độ bền, chắc.
Quán còn bảo lưu được một số di vật có giá trị cao, mang phong cách thể kỷ XVIII – XIX như 1 bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng, 1 kiệu bát cống, 1 kiệu bành chạm đầu long, long ngai, bài vị, giá văn, nhang án, choé sứ men rạn…
Hằng năm, hội đình – quán Thuỵ Ứng diễn ra vào hai kỳ: ngày 12 tháng Giêng âm lịch – ngày hội chung tổng Phùng với các tiệc lệ và tế chung không mở hội đám, ngày 10 tháng Hai âm lịch – là ngày hội chính. Ngày hội diễn ra các nghi thức tế lễ, rước kiệu và nhiều trò chơi dân gian như: đánh đu, đấu vật, cờ người, đập niêu đất, thổi cơm thi…
Trên đây là những nét khắc hoạ về di sản vật thể của quán Thuỵ Ứng thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng là di tích được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá năm cấp Tỉnh năm 2004, được giới thiệu trong tập sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Độc giả và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến có thể tham khảo tập sách này. Sách được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019.
Ngọc Đoàn