Lễ hội và di sản vật thể đình Sông – Di tích được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1990
Lễ hội đình Sông
Lễ hội đình Sông là loại hình lễ hội dân gian, tổ chức ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch tại làng Đại Thần, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Lễ hội do cấp xã quản lý. Đền Sông là nơi thờ các thủy thần của ngư dân ba vạn chài trên sông Đáy: Vạn Thượng, Vạn Giữa và Vạn Hạ. Đó là những vị thần gắn bó chặt chẽ và chi phối trực tiếp cuộc sống của những người ngư dân, phù trợ nguồn nước, dạy cho dân nghề chài lưới, giúp họ có đời sống ấm no.
Lễ hội được tổ chức để tưởng niệm: Mộc Lạc Long vương - thượng đẳng thần, Hà Bá Thủy quan đại vương – trung đẳng thần, Ngư Phụ tiên sư.
Tương truyền Mộc Lạc Long vương là Lạc Long Quân. Trong một lần, Lạc Long vương lên rừng tìm diệt Mộc Tinh, ngài xuống theo các dòng sông tới vùng sông Cái (Long Biên). Tại đây, Lạc Long Vương đã đánh và diệt được Hồ Tinh chín đuôi chuyên quấy nhiễu nhân dân ở vùng hồ Dâm Đàm (hồ Tây). Sau đó, ngài đi về Biển Đông. Để tưởng nhớ công ơn, nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ phụng ngài.
Hà Bá Thủy quan đại vương (trung đẳng thần) là thủy thần cai quản các dòng sông, cửa biển. Vì vậy, ngư dân thờ Hà Bá với cầu mong cho công việc trên sông nước được thuận lợi.
Ngư phụ tiên sư là ông tổ nghề chài lưới của ngư dân, dạy các ngư dân cách đánh chài, thả lưới trên sông để mưu sinh.
Phần lễ có tế, rước. Phần hội có đua thuyền.
Hằng năm vào đầu xuân ngày mồng 6 tháng Giêng làng Đại Thần tổ chức lễ hội tại đền Sông. Dân làng dâng phẩm vật cúng tế trước Thành hoàng làng thành kính cầu mong các vị thủy thần linh thiêng phù cho ngư dân cuộc sống an bình no đủ, nước thịnh dân giàu.
Di sản vật thể đình Sông
Đình Sông thuộc thôn Đại Thần, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng thành phố Hà Nội. Đình được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1990. Đình vốn là nơi thờ phụng của 3 làng chài Vạn Thượng (thị trấn Phùng), Vạn Giữa (thôn Đại Thần) và Vạn Hạ (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức). Đình thờ Lạc Long Vương, Hà Bá Thủy quan đại vương và Ngư Phụ tiên sư.
Đình nằm bên tả ngạn sông Đáy, rộng 400m2, gồm nghi môn, tiền tế, hậu cung. Nghi môn làm theo kiểu vòm mái với 3 lối đi chính, phía trên có bức long cuốn thủy đắp nổi hình rồng, mây, hoa lá. Hai bên cửa chính là hai trụ biểu, trên đỉnh đắp hình trái dành cách điệu, các ô lồng đèn đắp nổi hình tứ linh và thân trụ có đôi câu đối chữ Hán. Tiếp đến là ba gian nhà dọc xây theo kiểu tiền đao hậu đốc, các bộ vì làm khá đơn giản theo hai kiểu vì kèo quá giang và vì kèo trốn cột. Tiền tế 3 gian nhà ngang, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Trên tay ngai đắp phù điêu hình mây cụm. Các bộ vì là kiểu chồng rường kẻ chuyền. Hai đầu bờ nóc đắp nổi hình đầu rồng và hình lá. Liền tường hồi là bức bình phong và trụ biểu. Hậu cung gồm 4 gian chạy dọc phía sau. Hai gian trong cùng khép kín tạo thành cung cấm, bên trong đắp nổi, vẽ màu các đề tài rồng, mây, hổ phù… Đây là nơi bài trí các đồ thờ tự và bài vị Thành hoàng làng. Trước kia đình có nhà đại bái nhưng do bị dột nát, xuống cấp nên làng đã hạ giải vào năm 1958.
Trong kháng chiến chống Pháp, đình là điểm hội họp, liên lạc của cơ sở cách mạng. Ngày 19/5/1947, tại đình Đại hội Đảng bộ huyện Đan Phượng lần thứ nhất đã được tổ chức.
Đình còn lưu giữ 15 đạo sắc phong, sắc phong có niên đại sớm nhất vào năm 1783, 3 sắc phong thời Tây Sơn Quang Trung thứ 5 (1792), Cảnh Thịnh thứ nhất (1793) và Bảo Hưng thứ 2 (1802), 7 đôi câu đối chữ hán, 1 bức hoành phi, 3 bộ kiệu thờ Hậu Lê, nhang án, bát hương, đôi lọ lộc bình, long ngai, bài vị…
Với những nét khái quát về lễ hội và di sản vật thể đình Sông tại làng Đại Thần, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, cung cấp cho độc giả một số thông tin bổ ích phần nào hình dung được di sản vật thể của làng Đại Thần. Để có cái nhìn tổng quát về vùng đất Đan Phượng cũng như tìm hiểu về di sản văn hiến Thăng Long – Hà Nội xưa và nay, cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” sẽ là cuốn sách rất bổ ích đẻ tham khảo.
Liên Hương