Lễ hội làng Đăm - một hội bơi hoành tráng nhất của vùng phía tây kinh đô Thăng Long
Truyền thuyết kể rằng, xưa kia làng Đăm chia ra làm ba thôn Thượng, Trung, Hạ nhưng chưa có đình miếu gì cả. Có một ông câu ếch họ Vũ lần mò tới tận đền Bạch Hạc đem bài vị thánh Tam Giang về giấu ở giàn mướp bên bờ phía đông sông Nhuệ. Giữa lúc đó có dịch lớn, người và gia súc chết rất nhiều. Dân thôn Thượng biết có bài vị thánh Tam Giang ở nhà họ Vũ liền lập miếu ở bờ sông Nhuệ rồi rước bài vị về thờ. Nạn dịch nhờ đó chấm dứt. Một lần lũ to, nước sông dềnh lên ngập lênh láng, khi thấy có một mũi thuyền gỗ chạm hình đầu hạc trôi dạt vào miếu, ông câu ếch họ Vũ nhận ra đó là thuyền đua bến Hạc trên sông Hồng. Thế là dân làng cử người lên bến Hạc xin mẫu đóng thuyền, bơi thể thức thi bơi trải rồi về tổ chức thi cho cả ba thôn. Từ đó, ba thôn làng Đăm có lệ thi bơi trải trên sông. Khi đoạn sông qua làng hóa thành đầm dài chừng 1km, rộng 200m tìi làng xây tòa thủy đình gọi là nhà thủy ba gian ở cuối đầm để làm khán đài cho thánh ngự xem dân làng thi bơi trải. Từ đó làng Đăm có hội, chính hội vào ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch.
Ngày mồng 9 khai hội khởi đầu bằng đám rước thánh từ miếu ở thôn Thượng, xuống đình thôn Hạ. Đám rước có đủ nghi trượng lệ bộ cổ truyền. Sáng mồng 10, sau khi tế lễ, ngai thánh được rước ra thủy đình để ngài ngự xem cuộc đua tài. Tiếp đó 3 thôn trình thánh 3 đội trải tham dự cuộc đua của thôn mình. Thôn Thượng có mũi trải hình đầu chim hạc, thôn Trung có mũi trải hình đầu con rồng, thôn Hạ có mũi trải hình đầu con lân. Màu áo của giai bơi thôn Thượng màu vàng, thôn Trung màu tía, thôn Hạ màu lam.
Sau tiếng trống báo ngai thánh đã yên vị, cả 6 trải đua tập trung trước nhà thủy. Một sợi dây dài cờ đuôi nheo được căng từ bờ đầm bên này sang bờ đầm bên kia làm mốc xuất phát. Thể lệ cuộc đua ngày mồng 10: buổi sáng đua 2 vòng đầm, buổi chiều đua 1 vòng đầm. Ngày 11 buổi sáng cũng đua 2 vòng đầm, buổi chiều đua 1 vòng đầm. Thế là cả 6 trải đều phải bơi đủ 6 vòng trong tiếng trống chiêng giục giã liên hồi, trong tiếng hò reo cổ vũ của hàng nghìn người xem hai bên bờ đầm. Trải nào đoạt giải có nhiệm vụ được dự chở ngai của thánh về lại miếu thôn Thượng với ý nghĩa thánh ngài lúc đến thì đi đường bộ, lúc về thì đi đường thủy.
Đến ngày 12 tháng Ba, lễ hội làng Đăm mới thực sự rã đám và cũng là lễ tiễn thánh Tam Giang về yên vị tại miếu thôn Thượng.
Hội Đăm là một trong 4 hội lớn của vùng kinh đô. Đây cũng là một lễ hội có từ thời vua Hùng. Hội bơi Đăm xưa là một hội bơi hoành tráng nhất của vùng phía tây kinh đô Thăng Long và cũng là một cuộc đua trải hoành tráng ít thấy ở châu thổ sông Hồng. Hội đăm còn nổi tiếng ở sự chuẩn bị công phu, mỗi xưởng thuyền sản xuất ít nhất 2 con trải lớn. Như vậy cả 3 thôn Thượng, Trung, Hạ có 6 con trải thi tài. Riêng về trải bơi thuộc loại đầu nhọn dạng thuyền độc mộc. Mỗi trải bơi có 20 khoang dài tới 15m có tới 18 trai bơi và 6 ông chỉ huy phụ trợ. Ngay mức nước trong đầm cũng phải tháo từ sông Nhuệ vào để đảm bảo cho cuộc thi bơi trải dồi dào nguồn nước. Không những thế người ta còn phải phát quang bụi rậm, làm giàn mướp, rước kiệu thánh ngự trên khán đài. Có nghĩa là tuy chính hội diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Ba nhưng quá trình chuẩn bị phải diễn ra từ ngày mùng 1 đầu tháng. Có thể thấy, về mặt chuẩn bị đạt được mục đích của lễ hội, đây là một lễ hội thi bơi trải được chuẩn bị rất công phu.
Trên đây là những nét khái quát về lễ hội làng Đăm thuộc quận Bắc Từ Liêm ngày nay. Để tìm hiểu về một số lễ hội nổi tiếng khác của Thăng Long – Hà Nội bạn đọc có thể tham khảo cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long – Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” là một tập trong bộ sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long – Hà Nội” do TS. Nguyễn Viết Chức chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Bộ sách được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019.
Văn Giang