Lễ hội Giá hoành tráng nhất là đám rước. Ngày chính hội thời nay là 15 tháng Ba, khởi đầu là đám rước. Vào dịp đại đám 5 năm một lần thì đây là đám rước khổng lồ của 500 con người với đủ cơ số cờ quạt, tàn tán, ngựa, hương án, 3 kiệu thánh (1 của vị thành hoàng, 2 của 2 vị phu nhân). Đám rước trải dài 200m xuất phát từ quán Giá, tiến về phía Văn chỉ làng (để rước văn) quãng đường 2km rồi lại quay về quán Giá. Nhân dân quanh vùng, quanh hai bờ sông Đáy thường náo nức rủ nhau đi xem đám rước Giá. Vì vậy mà ca dao có câu: “Nhớ ngày mồng 7 tháng Ba/Trở vào hội Giá, trở ra hội Thầy”.
Đám rước Giá diễn ra trọn buổi sáng thì buổi chiều là trò nghiềm quân diễn ra tại sân quán Giá. Nghiềm quân thực chất là một cuộc biểu dương, diễn lại cách luyện quân, cách điều quân, cách chỉ huy của vị tướng tài ba Lý Phục Man chỉ huy đội quân tinh nhuệ của mình đánh trận, phá vòng vây quân địch thời Lý Nam Đế. Nghi thức này huy động sự tham gia của 400 – 500 người, phần lớn ở độ tuổi 11-16 là phần tổng cờ (tay cầm cờ đuôi nheo) và phần ít hơn ở độ tuổi 17 – 18 là hàng phục khăn đầu rìu màu đỏ, áo chẽn đỏ, quần màu trắng, thắt lưng đai xanh. Các hàng quân được một vị “tướng cờ đầu” dẫn tiến vào góc sân, rẽ một góc vuông trái, vòng qua một cột tiêu, rồi lại quay trở lại phía trái để sang hàng thứ hai, đến mép sân bên trái, lại vòng qua cột tiêu, rồi trở lại phía trái quay 180 độ để sang hàng thứ ba. Cứ thế đoàn quân rải ra từ 18 đến 24 hàng, mỗi hàng có từ 21 đến 26 quân. Mỗi hàng quân có 2 vị tướng, một ở đầu, một ở cuối. Cứ 2 đến 4 hàng có một tổng cờ. Khi các hàng quân đã xếp ngay ngắn hàng ngang, cân hàng dọc kín hết khoảng sân rộng thì buổi diễn bắt đầu.
Tiếp đó, vị tướng tổng chỉ huy bắt đầu gióng trống hiệu. Tiếng trống thứ nhất: nghiêm hàng quân. Tiếng trống thứ hai: hàng quân bắt đầu chuyển động hàng lẻ rẽ sang trái, hàng chẵn rẽ sang phải. Tiếng trống thứ ba: hàng quân chiều ngang trở thành hàng quân chiều dọc, tạo thành đội hình mới với 1 hàng quân kiệu cầm côn, 1 hàng cờ tổng cầm cờ đuôi nheo.
Tiếp theo đó là lễ tế cờ, lễ bái tướng hết sức trang nghiêm, dõng dạc đúng với nghi thức của thời phong kiến.
Nhịp trống hiệu tùng cắc đều đặn bắt đầu. Khi nghe tiếng “tùng”, các hàng quân giương côn lên rồi hạ xuống. Cứ thế 4 lần “tùng” – “cắc” các hàng cầm cờ vẫy lên rồi hạ xuống. Cứ thế 4 lần “tùng” – “cắc” là 4 lần cả đoàn quân sôi động nhịp xuống, nhịp lên. Cuối cùng mới đến nghi thức nghiềm quân. Lúc này các hàng quân số lẻ chuyển sang phải, các hàng quân số chẵn chuyển quay sang trái, cùng 1 góc 90 độ. Trong tiếng trống ngũ liên dồn dập, đoàn quân hùng dũng bừng bừng khí thế nối gót nhau qua cửa trụ biểu tạo thành các vòng tròn đổ trắng đẹp mắt đan xen nhau. Viên tướng dẫn đầu đoàn quân ra khỏi cửa trụ biểu, đoàn quân tiến theo đường xoáy trôn ốc trước cửa quán, đến vòng xoáy trôn ốc cuối cùng, viên tướng dẫn đầu hô to một tiếng cả đoàn quân hô theo rồi quay vòng trở lại và rầm rập chạy trong tiếng trống ngũ liên dồn dập, thúc giục. Cả đoàn quân chạy một vòng như thế, đứng nhìn xem có vẻ rất rối, như một trận đồ bát quái, dễ bị mất hàng, lạc hàng. Song khi trống ngũ liên vừa dứt thì cả đoàn quân đã trở về theo đúng hàng dọc, hàng ngang, như lúc mở đầu của buổi lễ.
Trận chiến đã kết thúc. Đoàn quân đã ca khúc khải hoàn.
Lễ hội Giá là lễ hội lớn của vùng đất thượng đô, lễ hội Giá là một trong 4 lễ hội lớn vùng Hà Nội, từng được so sánh với hội chùa Thầy: “Nhớ ngày mồng 7 tháng Ba/ Trở vào hội Giá, trở ra hội Thầy”, “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy/Vui thì vui vậy chẳng tày rã La”. Lễ hội Giá là lễ hội hoành tráng, tiêu biểu cho tài trí thông minh, cách trang phục, cách điều hành của người nông dân thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt rước Giá được các nhà nghiên cứu đánh giá là nổi bật nhất, quan trọng nhất, đông người tham gia nhất và đông người xem nhất.
Thăng Long – Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi văn hoá của cả nước đồng thời là nơi thu nhận và thâu tóm tinh hoa văn hoá các vùng miền đất nước. Tập sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian” là một tập thuộc bộ sách 5 tập “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến có giới thiệu chi tiết về 10 lễ hội, 10 trò chơi, trò diễn dân gian tiêu biểu, đại diện nhất của Thăng Long – Hà Nội. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu về lễ hội Giá - một trong 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội Thăng Long – Hà Nội đến với bạn đọc. Để tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn và đầy đủ hơn về 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội Thăng Long – Hà Nội (10 lễ hội mang tính tiêu biểu, đại diện nhất): Lễ hội chùa hương, lễ hội đền Gióng, lễ hội đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh, lễ hội Cổ Loa, lễ hội đền Và, lễ hội chùa Thầy, lễ hội Giá, lễ hội đền Sái, lễ hội làng Đăm, lễ hội làng Lệ Mật, độc giả hãy tìm đọc cuốn sách này.
Huy Giang