Tìm hiểu về di sản vật thể chùa Phượng Trì và quán Phượng Trì – Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh năm 2006
Chùa Phượng Trì (Thiên Phúc tự)
Chùa thuộc tổ dân phố Phượng Trì, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh năm 2006. Chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII) và được trùng tu nhiều lần. Chùa quay hướng Nam, mặt bằng kiến trúc tổng thể gồm: tam quan, gác chuông, tam bảo, điện mẫu, nhà tổ và nhà khách. Tam quan được xây theo lối truyền thống, đỉnh trụ đắp nổi hình trái dành cách điệu, các ô lồng đèn trang trí tứ linh và thân trụ có ghi các câu đối chữ Hán. Phần gác chuông mô phỏng theo kiến trúc kiểu lâu môn gồm 2 tầng 8 mái, các bộ vì kèo làm kiểu giá chiêng chồng rường, các con rường tạo kiểu vân xoắn lá lật, trên nóc mái đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. Bên trong treo một quả chuông thời Cảnh Thịnh (1793-1801) và một khánh đồng thời Gia Long (1802-1819). Tam bảo có bố cục hình chữ “đinh”: gồm tiền đường, thượng điện. Tiền đường 5 gian 2 chái, xây kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì kèo làm kiểu kèo kẻ quá giang, phía trước đắp tường hoa chắn mái, phía trên đề ba chữ Thiên Phúc tự. Trang trí trong chùa tập trung vào hệ thống tượng tròn trên Phật điện và cửa võng. Hai bên tiền đường có tượng Đức Ông và Thánh Tăng. Bên trong điện mẫu có một giếng nước cổ. Theo lời kể của người dân, giếng nước này rất tinh khiết, thường được dùng cho những ngày lễ tiết của làng. Về tâm linh, đây là nơi tụ thuỷ tụ phúc đem lại sự hanh thông cho dân làng Phượng Trì.
Chùa còn lưu giữ 1 quả chuông thời Cảnh Thịnh (1793-1801), 1 khánh đồng niên hiệu Gia Long thứ 18 (1819), 1 tấm bia đá Kiến lập hậu Phật bi ký niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711), hệ thống tượng tròn, các bức hoành phi, câu đối, đại tự…
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi sinh hoạt và hội họp của chính quyền địa phương, đặt cơ sở bám dân chống giặc. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều cơ quan của Chính phủ và quân đội đã về sơ tán ở chùa.
Quán Phượng Trì (Quán Quạ)
Quán Phượng Trì thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, thành phồ Hà Nội. Quán được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh năm 2006. Quán thờ Tích Lịch Hoả Quang và tướng Đào Hành Một.
Tương truyền Tích Lịch Hoả Quang là một vị thiên thần thời Hùng Vương thứ 18 đã có công chữa bệnh cho dân trong vùng, phù giúp Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên Mông thời Trần. Tướng quân Đào Hành Một quê ở trang Vĩnh Nối, huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sau khi cha mẹ mất, ông đi chu du thiên hạ, khi đến trang Phượng Tường đã ở lại khai khẩn đất hoang, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm. Về sau, ông có công giúp chúa Trịnh Tùng phù Lê diệt Mạc. Sau khi hoá, Đào Hành Một được nhân dân trang Phượng Tường phụng thờ tại miếu.
Tương truyền, quán được xây dựng từ rất sớm, ban đầu là một ngôi miếu nhỏ. Đến năm Nhâm Tuất (1922), miếu được tu sửa thành quán với diện mạo kiến trúc như hiện nay. Quán gồm các công trình cổng, ao cảnh, nghi môn, bình phong, tả hữu lầu đài, gác chuông gác trống, hai dãy tả - hữu mạc, táp môn và khu thờ chính. Chính giữa nóc mái là hình lưỡng long chầu nguyệt. Bên phải cổng quán là ao cảnh được kè đá xung quanh, ở giữa có trang trí hòn non bộ. Đối diện với bức bình phong đá là nghi môn xây kiểu trụ biểu. Trên trụ trang trí hình tứ phượng chầu, kìm cách điệu. Hai lầu đài xây kiểu bát giác gồm 2 tầng mái, các mặt để trống. Bên trong có bàn đá để đấu cờ. Gác chuông, gác trống là hai toà nhà 4 mái kích thước bằng nhau, kết cấu đơn giản. Hai dãy tả - hữu mạc gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít dốc, các vì làm kiểu kèo kẻ quá giang, là nơi đón khách và chuẩn bị đồ hành lễ. Nổi bật nhất là táp môn với dáng dấp kiến trúc Gô tích. Táp môn xây 2 tầng với 3 lối đi, lối giữa có đắp đôi voi chầu và trang trí hình hổ phù cách điệu. Tầng trên có 5 vòm trống, hai bên là hai trụ biểu đắp tứ phượng chầu, long cuốn thuỷ, lưỡng long chầu nguyệt và bốn chữ Hán Trách giá đình chỉ. Đại bái 3 gian 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, các vì làm kiểu thượng câu đầu, hạ kẻ trên 4 hàng chân cột. Trang trí đại bái chủ yếu là hình rồng, hổ phù mang đặc trưng thời Nguyễn. Hậu cung gồm 3 gian nhà dọc, vì kèo làm kiểu cốn mê, chồng rường. Trang trí trong hậu cung được thể hiện trên các cốn, nách với các hình hổ phù, tượng hậu có đặt một khám thờ bưng kín, phía trước có cửa bức bàn.
Quán hiện còn bảo lưu được một đôi nghê đá thời Hậu Lê, 2 đôi hạc thờ, 2 bát hương gốm Thổ Hà, 1 bức hoành phi Tham tán hoá dục, gươm trường, bát bửu, giá văn, áo thánh, cửa võng.
Lễ hội làng Phượng Trì được tổ chức vào ngày mùng 1, 2 tháng Hai âm lịch hằng năm. Lễ hội có rước kiệu văn, tế thần và nhiều trò chơi dân gian.
Trên đây là vài nét khái quát về di sản vật thể chùa Phượng Trì và quán Phượng Trì thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng là hai di tích được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh năm 2006. Những hình ảnh khắc hoạ về hai di tích này được giới thiệu trong tập sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đối với những độc giả và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến thì cuốn sách này là một trong những tài liệu có ý nghĩa để tham khảo. Sách được Nhà xuất bản Hà Nội đấn hành năm 2019.
Anh Đức