Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Chức năng tinh thần, tình cảm của gia đình
Thứ ba, 03/12/2019 02:06

Gia đình là một nhóm tâm lý tình cảm đặc thù trong đó chứa đựng tình yêu  thương, tình  ruột thịt, lòng biết ơn, sự thư giãn để giúp cho khả năng tái sản xuất ra sức lao động của con người  Để gia đình được bền chặt mọi thành viên của gia đình phải luôn nỗ lực điều này được thể hiện khá rõ trong cuốn “Gia đình Thăng Long- Hà Nội” do GS.TS Lê Thị Quý biên soạn thuộc Dự án Tủ sách ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản ấn hành.

Trong nhiều xã hội, các gia đình được coi như những nhóm tình cảm chủ yếu đối với các thành viên của chúng, đem lại cho con người cảm giác an toàn về mặt cảm xúc, cảm giác sở hữu và cảm giác có giá trị. Đối với những thành viên gia đình, có thể đặt ra câu hỏi, nếu như gia đình ta không yêu quý ta? Khi còn trẻ, ta mong muốn cha mẹ, anh chị em và những bà con họ hàng đánh giá cao ta. Sau đó ta mong muốn điều này từ vợ/ chồng hoặc thậm chí từ con cái của ta. Tất nhiên, không phải tất cả các gia đình đều đáp ứng được nhu cầu này cho các thành viên của chúng và hậu quả là khủng hoảng, xung đột, bạo lực, ly hôn, lạm dụng, ngược đãi thành viên, ngoại tình, bỏ nhà ra đi, tự tử. Trong những trường hợp này, người ta sẽ ít nhờ cậy vào sự giúp đỡ về tinh thần của gia đình và gia đình đã không làm tròn chức năng quan trọng và đặc thù của nó là chức năng tinh thần, tình cảm. Nỗi căm hận, oán trách của các thành viên với gia đình sẽ nặng nề hơn với các người dưng trong cùng một trường hợp.

Thời đại nào cũng vậy, hai chữ “ Gia đình” thường được nhắc đến với những gì dịu ngọt nhất. “Tổ ấm “, “ Lạc thú gia đình” là những ngôn từ trong cuộc sống, trong bài hát và trong trái tim của mỗi người. Gia đình là ngọn lửa  ấm áp, là chỗ dựa tình cảm cho mỗi con người. Hầu hết chúng ta, khi nghĩ tới gia đình, nói về gia đình vẫn thường hình dung đến những gì êm ấm và hạnh phúc nhất.

Trong cái nhóm nhỏ những con người liên kết với nhau thành gia đình cũng có biết bao nhiêu mối quan hệ không kém phần phức tạp. Tuy vậy, mặc cho đôi lúc những quan hệ gia đình có thể sẽ là cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, có thể sẽ không chỉ là những vấn đề thuần tuý nội bộ mà phải đưa ra xử lý bằng pháp luật và đạo lý ngoài xã hội, nhưng quan hệ gia đình vẫn là những mối quan hệ nặng về tình cảm nhất so với các quan hệ xã hội khác. Những quan hệ về tình mẫu tử, phụ tử, về tình yêu đôi lứa, tình cảm anh chị em… đã là nguồn cảm xúc vô tận cho biết bao nhiêu sáng tác nghệ thuật. Các nền văn minh trên thế giới có thể là rất đa dạng nhưng đều tôn vinh tình cảm gia đình, dành cho gia đình những chuẩn mực văn hoá tốt đẹp nhất.

Quan hệ gia đình, trước hết là quan hệ của những trái tim, cái quan hệ mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã nói là : “Có phải duyên nhau thì thắm lại đừng xanh như lá bạc như vôi”. Chính tình cảm gia đình đã tạo cho mỗi cá nhân sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trở ngại và vươn tới những thành công trong cuộc đời. Tình cảm gia đình có thể biến “Túp lều tranh với hai trái tim vàng” thành những lâu đài của hạnh phúc, giúp những cặp vợ chồng nghèo khổ có thể “Tát cạn biển Đông”. Khuôn mẫu tình cảm gia đình của bất cứ nền văn hoá nhân đạo nào cũng không phải chỉ là “Những lầu son gác tía chứa đầy của cải nhưng giá lạnh” mà là những gian bếp gia đình lúc nào cũng bập bùng ngọn lửa ấm và đầy ắp tiếng cười. Bởi vậy giá trị cao nhất trong nấc thang về hạnh phúc bao giờ cũng là những giá trị về gia đình, là sự giản dị của cuộc sống “Chồng cày, vợ cấy con trâu đi bừa”, “ Râu tôm nấu với ruột bầu; Chồng chan vợi húp gật đầu khen ngon”.

 Cấu trúc của chức năng tình cảm trong gia đình, chúng ta có thể thấy các dạng quan hệ gia đình được biểu hiện như sau:

Thứ nhất là những tình cảm trong mối quan hệ giữa các thế hệ.  Chẳng hạn như tình cảm ông bà đối với con cháu, tình cảm cha con, mẹ con, tình cảm cô bác chú dì và các cháu…

Thứ hai, những tình cảm trong mối quan hệ giới, đặc biệt là vợ chồng, tình yêu và hôn nhân. Tình cảm vợ chồng bắt nguồn từ tình yêu. Các nền văn minh của nhân loại luôn tôn vinh tình yêu như thứ chất xúc tác không thể thiếu cho một cuộc hôn nhân thành công.

Thứ ba, tình cảm giữa những người cùng một thế hệ như anh em, chị em, anh chị em họ… Người xưa rất coi trọng tình cảm anh em trong gia đình và thường ví nó cũng giống như  là chân tay với nhau. Người ta thường lên án mạnh mẽ những kẻ bất nghĩa, tham lam, chỉ vì sự giàu sang và tiền bạc mà bán rẻ tình nghĩa anh em. Nền tảng của quan hệ anh em, chị em là ở mối quan hệ ruột thịt, sự chung huyết thống giữa họ với nhau.

                                                                                                             Kim Sơn

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá