Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Đôi nét về phụ nữ Thăng Long trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm
Thứ ba, 03/12/2019 02:06

Nói đến phụ nữ người ta thường chỉ nghĩ đến việc nội trợ, nuôi dậy con cái, nâng khăn sửa túi cho chồng. Nhưng bên cạnh đó nhiều người phụ nữ phong kiến đã dám đứng lên đấu tranh chống giặc ngoại xâm được TS. Nguyễn Ngọc Mai thể hiện khá rõ trong cuốn “Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội”, thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội làm chủ đầu tư thể hiện khá rõ nội dung này mời độc giả tìm đọc để thấy được một hệ thống về phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc nổi dậy của hai người phụ nữ đất Thăng Long cổ đã tạo ra cơn lốc dữ dội làm rung chuyển khắp các quận thuộc khối Bách Việt, khiến nhà Hán hết sức hoang mang phải cử một viên tướng khét tiếng nhất lúc bấy giờ của triều đình Hán là Mã Viện xuống phương Nam đối phó.Cuộc khởi nghĩa dựng nước đầu tiên đó đã tạo ra hệ quả lan truyền thu hút rất nhiều phụ nữ của quận Tống Bình xưa và cả khu vực tham gia cùng Hai bà Trưng đứng lên lập kỳ tích cứu nước.

Công lao và cũng là vinh quang lớn nhất của nhà Trần là đánh tan ba cuộc xâm lược của nhà Nguyên, đội quân hùng mạnh và hung hãn nhất lúc bấy giờ. Trong công lao đó, có phần đóng góp không nhỏ của Trần Thị Dung Ngay từ lần đầu tiên, khi giặc Nguyên đi đường tắt vào cướp nước ta, Kinh thành thất thủ, bà đã tổ chức di chuyển toàn bộ hoàng tộc từ Thăng Long về Thiên Trường, ở Hoàng Giang lo giữ gìn Hoàng Thái tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng soái thoát khỏi tay giặc cướp. Điều này có ý nghĩa hết sức lớn lao, không chỉ làm yên lòng quan tướng mà còn tạo ra một hậu phương vững chắc cho cuộc chiến lâu dài. Sự kiện bà đích thân lệnh khám xét thuyền các nhà có chứa giấu quân khí đều trưng tập để đưa dùng vào việc quân. Trong khi vua và các tướng, đặc biệt là Thái sư Trần Thủ Độ đang đánh giặc ở bên ngoài thì bà ở hậu phương sắp xếp mọi việc lớn nhỏ trong vương phủ của chồng, cùng các quan lo việc nội trị, bảo đảm “hậu phương” vững chắc.

Noi theo tấm gương tiết liệt ấy của Quốc Mẫu Trần Thị Dung, rất nhiều người con gái quý tộc Trần cũng đã hy sinh thân mình, hy sinh hạnh phúc đời tư để làm tròn bổn phận với nước non dân tộc. Đó là những An Tư thuận mệnh vua một mình dấn thân vào trại giặc để hiến mình cho Thoát Hoan đổi lại một thời gian đình chiến cho quân dân nhà Trần kịp củng cố lại quân đội. Không biết nàng đã làm gì trong vai trò con tin, vai trò nội gián, chỉ biết sau đó quân dân nhà Trần đã đại thắng liên tiếp với cáctrận chiến lừng danh lịch sử trung đại Việt Nam: Tây kết, Chương Dương, Hàm Tử… chặn đứng âm mưu thôn tính Đại Việt của quân Nguyên.

Sử sách cũ với quan điểm phong kiến đã gần như không ghi chép gì nhiều về những người phụ nữ quý tộc cũng như dân thường, nhưng thực tế lịch sử chiến tranh ở Thăng Long nói riêng, Việt Nam nói chung đã ghi lại nhiều dấu ấn những nữ anh hùng vô danh khác:

Đình Hoàng xá, Gia Lâm Hà Nội ngày nay vẫn là nơi thờ tự nàng Quốc. Dân làng kể nàng là con gái người phụ nữ họ Đào. Khi khởi nghĩa Bà Trưng nổ ra, nàng đã chiêu mộ 2000 nghĩa binh tham gia khởi nghĩa, cuộc chiến diễn ra quyết liệt cho tới khi nàng bị lâm vào thế bất lợi, nàng đãphi ngựa lên đỉnh núi và không ai thấy bóng đâu nữa. Từ đó dưới gốc cây Đào đình Hoàng Xá nơi nàng Quốc sinh ra, dân làng lập đền thờ nàng làm thành hoàng.

Xung quanh cuộc chiến của Hai Bà Trưng vẫn còn được dân làng Yên Ninh (Thanh Trì) kể lại về nàng Tía, mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng rất can trường và giỏi võ nghệ. Khi Trưng nữ vương đi kinh lý qua quê nàng đã rất mến nàng Tiá và cho dân làng vàng lụa để nuôi dưỡng nàng. Khi Mã Viện đem quân sang đánh dẹp Hai Bà Trưng, nàng Tía đã mộ quân đánh giặc làm nội ứng cho hai bà ở Thanh Trì. Về sau nàng cầm quân chống giặc ở cửa Thuận Phù (Ninh Bình). Tại đây quân giặc từng mắc kẹt hàng tháng trời vì tài cầm quân của nàng Tía. Khi quân ta suy yếu, vào một ngày Đông lạnh chiến thuyền của nàng Tía chìm trong sóng nước Thần Phù. Biết ơn nàng dân làng Vĩnh Ninh đã lập đền thờ nàng Tía. Hằng năm cứ vào ngày 13/ 5, làng lại mở hội trận giả để tái dựng lại nàng Tía xinh đẹp và dũng cảm khi xưa

Làng Kẻ (Thượng Cát) là một làng nằm ở ven đề bờ Nam sông Hồng. Đình thờ hai nữ tướng Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương là hai nữ tướng chiêu tập binh sĩ theo hai Bà Trưng diệt giặc đánh đuổi Tô Định. Thần tích tại đây do Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1575 cho biết hai bà được vua Bà phong làm Bình Khấu công chúa và cử về trấn thủ vùng quê.Trong một buổi luyện thủy quân trên sông Hồng bỗng nhiên bị cơn lốc xoáy lật thuyền nên mất tích. Ba năm sau trong cuộc chiến với Mã Viện, một viên tướng của hai bà là Quách Lãng cũng đã hy sinh trên mảnh đất này. Về sau dân làng nhớ ơn hai nữ tướng và lập đền thờ cùng phối thờ với viên tướng Quách Lãng.

Đình Giảng võ ở Hà Nội hiện nay là nơi thờ một phụ nữ có tên Trần Thị Châu. Bà là người trông coi kho lương của triều đình ở phủ Phụng Thiên. Trần Thị Châu đã hy sinh thân mình để bảo vệ nguyên vẹn được cơ sở hậu cần quan trọng của quân đội và triều đình nhà Trần trong kháng chiến chống quân Nguyên.

Đền Dục Anh của làng Hòa Mục (Trung Hòa, Cầu Giấy) vẫn còn thờ tự và lưu truyền về câu chuyện bà Phạm Thị Uyển cùng hai em trai là Phạm Miên và Phạm Huy đã theo vua Đen (Mai Hắc Đế) khởi sự chống nhà Đường, và hy sinh trong một trận Thủy chiến trên sông Tô Lịch. Nhân dân ven sông đã tìm vớt được thi hài đem chôn cạnh bờ sông và lập đền thờ. Về sau đến thời Lê lợi khởi binh bà và hai em lại hiển linh giúp vua Lê đánh giặc Minh. Sau khi đất nước yên bình, vua nhớ ơn đã sai sửa sang đền, dựng bia ghi công và ban sắc phong thần, miễn trừ sai dịch cho dân tạo lệ. Dân làng Hòa Mục vẫn kính cẩn gọi họ là Đức Thánh Chị và Đức thánh Cậu…. và còn rất nhiều nữ anh hùng khác có công với dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm.

Tinh thần, lòng quả cảm anh dũng trong chiến đấu chống quân thù đã tạo ra những khí phách anh hùng. Tinh thần dũng cảm, ý chí bất khuất kiên cường trong chiến đấu của những người phụ nữ đất Thăng Long trong lịch sử chống giặc ngoại xâm khiến họ trở nên bất diệt.

                                                                                                           Lê Ngân

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá