Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Thực dân Pháp đã xây dựng lực lượng cảnh sát của chính quyền thuộc địa ở Hà Nội
Thứ ba, 03/12/2019 02:06

Từ khi xâm lược nước ta thực dân Pháp ráo riết xây dựng bộ máy chính quyền thuộc địa. Năm 1884, bộ máy cảnh sát đã được thiết lập ở Hà Nội. Lực lượng “đội xếp” cả người Pháp và người Việt Nam đặt dưới quyền chỉ huy của một ông Cẩm (commisaire - cảnh sát trưởng) người Pháp. Viên cảnh sát trưởng mỗi ngày phải viết một báo cáo, sao thành 3 bản để gửi cho Công sứ Hà Nội, Tổng chỉ huy quân đội và Trưởng phòng các vấn đề dân sự và chính trị để trình bày tình hình thành phố và những công việc đã làm được trong ngày. Ngày 31 - 12 - 1891, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập bộ máy cảnh sát của thành phố Hà Nội. Đây là một vấn đề khá nổi trội được GS. Phạm Hồng Tung và Trần Viết Nghĩa thể hiện khá rõ và đầy đủ trong cuốn “Lịch sử cận đại Hà Nội 1883 - 1945” thuộc cơ cấu Dự án Tủ sách ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản ấn hành mời ddoocjgiar timg đọc để có một cái nhìn bao quát nhất về thời kỳ này.

Năm 1905, số cảnh sát người Pháp gồm 2 thư ký, 2 thanh tra, 2 đội trưởng, 6 đội phó và 53 nhân viên. Số cảnh sát người Việt gồm 2 thông ngôn, 2 đội trưởng, 6 đội phó và 92 nhân viên. Cảnh sát làm cả công việc cứu hỏa. Mỗi khu cảnh sát có hai máy bơm và một nhân viên chuyên môn cứu hỏa.

Ngày 30 - 6 - 1915, thực dân Pháp thành lập Lực lượng cảnh sát đặc biệt. Ngày 28 - 6 - 1917, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập Sở tình báo và An ninh Trung ương (Sở Mật thám Đông Dương - Sûreté) cho toàn Liên bang Đông Dương. Sở này có nhiệm vụ tổng hợp các tin tức tình báo liên quan đến trật tự an ninh; đào tạo, chỉ đạo và kiểm soát về mặt kỹ thuật chuyên môn đối với các cơ quan tình báo khác ở Đông Dương. Ngoài ra mỗi xứ lại có một cơ quan mang tên Cảnh sát an ninh (Sở Mật thám) để theo dõi, ngăn chặn tất cả các hành động có tính chống đối; điều tra, truy lùng thủ phạm và cùng giới cầm quyền đàn áp các vụ nổi loạn.

Sở Mật thám (hay còn gọi là Sở Liêm phóng) được người Pháp xây dựng năm 1906 trên một phần nền đất khu Hội chợ năm 1902, thuộc góc phố Gambetta và Delorme (đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng ngày nay). Cổng trước của Sở Mật thám quay ra phố Gambetta, đường sau sát với đường Reinach (đường Trần Quốc Toản). Hình ảnh tòa nhà của Sở Mật thám Hà Nội gợi lên trong mỗi người dân nỗi ám ảnh và sự sợ hãi. Chỉ cần một tên chỉ điểm có thể gieo tai họa lên đầu những người dân vô tội. Bọn mật thám bắt những nghi phạm về đây tra hỏi. Họ thậm chí bị tra tấn bằng những ngón đòn hiểm độc. Nhiều nghi phạm không chịu nổi những đòn tra tấn đã khai báo và phản bội các đồng chí anh em của mình. Tuy nhiên, nhiều người đã tỏ rõ lòng can đảm, khí phách hiên ngang trước kẻ thù. Một số tên mật thám người Việt Nam nổi tiếng tàn bạo trong Sở Mật thám là Sinh, Khánh, Vân, Lộc và Nghĩa. Thực dân Pháp thường chọn những người Pháp gốc đảo Corse sang làm mật thám và cai ngục. Đến những năm 30, 40 của thế kỷ XX, thực dân Pháp sử dụng một số Tây 1ai, vừa hung ác vừa sõi tiếng Việt, làm cai mật thám và cai ngục như anh em Fleutôt, Lutz và Robert.

Số lượng cảnh sát tăng dần lên theo thời gian. Đến năm 1937, số nhân viên Sở cẩm Trung ương là 314 người. Năm 1938, số nhân viên được tăng thêm 64 người. Số lượng cảnh sát tăng nên số đồn cảnh sát cũng tăng lên tạo thành một mạng lưới ở các khu vực trong thành phố và các cửa ô.

Số lượng cảnh sát tăng vọt trong thời kỳ 1940 - 1945. Thành phố Hà Nội được chia làm ba khu cảnh sát, tổ chức theo hình thức quận và số cảnh sát lên tới 3.000 người.

Bộ máy cảnh sát là một công cụ đắc lực của chính quyền thực dân ở Hà Nội. Chúng bắt bớ, đánh đập nhân dân một cách tàn nhẫn. Bọn cảnh sát tìm mọi cách để xử phạt dân chúng từ việc chưa kịp quét nhà, đổ nước, không treo chuông giật, đỗ xe lâu, để đồ thò ra đường phố. Chính quyền thành phố thu được một khoản ngân sách đáng kể từ việc xử phạt dân chúng của cảnh sát. Việc tổ chức bộ máy cảnh sát của thực dân Pháp ở Hà Nội vừa để bảo vệ an ninh trật tự thành phố, vừa làm công cụ để đàn áp và bóc lột nhân dân, chủ yếu là những đối tượng nghèo khổ. Cảnh sát lạm quyền trong khi xử phạt là phổ biến. Tờ báo Zân, số 1, ngày 15 - 7 - 1938 đã phản ánh việc xử phạt của cảnh sát như sau:

“Hình như họ được lệnh bắt phải phạt dân thành phố mỗi ngày là bao nhiêu tiền để nộp vào quỹ. Cho nên họ hay phạt lắm.

Qua cửa nhà nào thấy:

-   Chưa kịp quét cũng biên phạt.

-   Nước chưa đổ cũng biên phạt.

-   Không treo chuông giật cũng biên phạt.

-   Tấm cánh cửa, cái chõng vô ý để thò đầu ra cũng biên phạt.

-   Cái xe đỗ lâu cũng biên phạt.

Tóm lại, cái gì muốn phạt cũng phạt được. Ai kêu gào, hay phản đối thì thôi. Nếu không, 4 hào thành 6, 6 hào thành đồng hai, buộc cổ kẻ nộp phạt chậm”.

Ngoại trừ bộ máy cảnh sát của thành phố, ở Hà Nội còn có hệ thống tổ chức mật thám ở Bắc Kỳ và toàn xứ Đông Dương. Nhiệm vụ của các cơ quan mật thám này là khủng bố và đàn áp các phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 - 3 - 1945, tổ chức mật thám và cảnh sát của thực dân Pháp trở thành công cụ đắc lực của phát xít Nhật. Chúng phối hợp với các cơ quan hiến binh Nhật để khủng bố, bắt bớ, tra tấn và giết hại những người Việt Nam yêu nước, chống lại phong trào cách mạng đang ngày càng phát triển ở Hà Nội lúc đó.

Qua đây chúng ta thấy âm mưu tàn bạo của chế độ thuộc địa chúng chỉ nhằm bóc lột sức người sức của và tài nguyên thiên nhiên của nước ta và đàn áp nhân dân ta. Chính vì âm mưu thâm độc của chúng càng làm cho những người dân yêu nước của ta đấu tranh mạnh mẽ bằng chứng là một luột các phong trào của nhà nho yêu nước nổ ra tuy thất bại nhưng nó cũng là sự chống cự bước đầu để cổ vũ nhân dân ta trong các cuộc chiến tiếp theo.

                                                                                                                Lê Ngân

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá