Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Thực dân Pháp đã xây dựng Tòa án của chính quyền thuộc địa ở Hà Nội như thế nào?
Thứ ba, 03/12/2019 02:06

Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta chúng tập trung xây dựng hệ thống tòa án và nhà tù nhiều hơn trường học để thống trị và đàn áp nhân dân ta. Thấy đây là một điểm khá nổi tbaatj trong thời kỳ đầu Pháp xâm lược GS. TS Phạm Hồng Tung và PGS.TS TRần Viết Nghĩa đã dày công nghiên cứu vấn đề này được thể hiện khá rõ trong cuốn “Lịch sử Hà Nội cận đại 1883 -1945” thuộc Dự án Tủ sách Thang Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II mời đọc giả tìm độc để thấy được một hệ thống trong việc xây dựng chính quyền thuộc địa ở Hà Nội cũng như trên đất nước ta.

Ngày 13 - 1 - 1894, Tổng thống Cộng hòa Pháp ra Sắc lệnh về việc thành lập Tòa Thượng thẩm tại Hà Nội. Theo sắc lệnh, Tòa Thượng thẩm Hà Nội được thành lập với thẩm quyền xét xử tại các xứ bảo hộ Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Tòa Thượng thẩm gồm 1 chánh án, 2 cố vấn, 1 cố vấn cán sự, 1 lục sự và 1 thư ký tòa. Chức năng Viện Công tố bên cạnh Tòa Thượng thẩm do Chưởng lý đảm nhiệm. Các quan tòa của Tòa Thượng thẩm do Tổng thống Cộng hòa Pháp bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng phụ trách thuộc địa, Chưởng ấn và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Ngày 15 - 9 - 1896, Tổng thống Cộng hòa Pháp ra Sắc lệnh về tổ chức Tòa án Pháp tại Bắc Kỳ. Theo sắc lệnh, tại Bắc Kỳ có 1 Tòa án Thượng thẩm, 2 tòa Sơ thẩm ở Hà Nội và Hải Phòng, các tòa án cấp tỉnh và 2 Tòa Đại hình ở Hà Nội và Hải Phòng. Tòa Thượng thẩm ở Hà Nội có 1 chánh án, 3 cố vấn, 1 chưởng lý, 1 tham lý và 2 tùy viên công tố. Mỗi tòa sơ thẩm có 1 chánh án, 1 phó thẩm phán, 1 thẩm phán dự khuyết, và 1 biện lý. Phạm vi xét xử của Tòa Sơ thẩm và Tòa Đại hình ở Hà Nội gồm các tỉnh: Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Hóa, Chợ Bờ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên và Phủ Lý. Các tòa án ở Hà Nội có thẩm quyền xét xử tất cả các vụ án dân sự và thương mại ở khu nhượng địa Pháp.

Mô hình tòa án Nam đặt ở Hà Nội là Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Tòa án này do hai viên quan người Việt Nam phụ trách xét xử. Tuy nhiên, họ được triều đình Huế chỉ định theo sự lựa chọn của Toàn quyền Đông Dương. Như vậy là trong thực tế tòa án Nam triều cũng chịu sự kiểm soát của thực dân Pháp. Năm 1898, Tòa thượng thẩm Hà Nội bị xóa bỏ và thay vào đó là Tòa thượng thẩm Đông Dương, mở rộng đối tượng xét xử tù phạm ra toàn cõi Đông Dương.

Để biểu trương sức mạnh của công lý, người Pháp đã xây dựng một lâu đài Công lý ở Hà Nội (Palais de Justice). Tòa án chiếm một diện tích rộng lớn, khoảng 16.000 m2 ở thôn Phụ Khánh. Tòa án là một ngôi nhà lớn đồ sộ, có 4 tầng và mặt ngoài được làm theo kiến trúc cổ Hy Lạp. Tầng dưới là chỗ làm việc của Tòa án Sơ thẩm Hà Nội, tầng trên là chỗ làm việc của Tòa án Thượng thẩm, tầng trên cùng là phòng lưu trữ hồ sơ. Ngôi nhà hai tầng nhỏ hơn ở sân sau là Bộ phận Hội đồng Trọng tài, xử những vụ liên quan đến bộ máy chính quyền.

Hầu hết dân chúng không biết đến những chỗ phức tạp của luật pháp thực dân. Họ chỉ biết Tòa án Áo đen xử những vụ án hộ, vụ án trừng trị. Tại các phiên tòa này, quan tòa mặc áo màu đen. Tòa án Áo đỏ chuyên xử những vụ hình sự là Tòa Đại hình. Tại các phiên tòa này, các quan tòa đều mặc áo đỏ. Ngoài chánh án là người có chuyên môn tư pháp còn thêm một số Hội thẩm chọn trong nhân dân cũng có quyền biểu quyết định tội của vụ án.

Tòa án thời Pháp thuộc còn đặt ra Hội đồng Đề hình để xử những vụ án mang tính chất cách mạng chống Pháp và lật đổ chính quyền. Những vụ án này thuộc quyền của ngành cai trị thuộc địa. Chánh án là quan cai trị. Tòa án binh thuộc thẩm quyền của cơ quan quân sự. Trong vụ ném tạc đạn nhằm ám sát tay sai của thực dân Pháp ở Thái Bình và Hà Nội do Quang phục Hội thực hiện vào tháng 4 năm 1913, Hội đồng Đề hình Hà Nội đã tuyên phạt 7 người tử hình, 62 người tù có hạn đến chung thân và 13 người tử hình vắng mặt. Hội đồng đề hình làm việc miệt mài khi các phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam lên cao. Năm 1930 - 1931, Hội đồng đề hình đã xử 1.086 bản án trong đó xử tử 80 người, đày 383 người và khổ sai chung thân 106 người.

Tòa án Hà Nội trong thời kỳ Pháp thuộc đã xử một số vụ án lớn, tiêu biểu như xử vụ án nhà yêu nước Phan Bội Châu năm 1925. Ban đầu Phan Bội Châu bị tòa kết án tử hình vì tội chống lại nhà nước thực dân. Nhân dân cả nước, đặc biệt là nhân dân Hà Nội, đấu tranh chống lại bản án vô lý đó. Tòa án Pháp buộc phải hạ xuống mức chung thân khổ sai. Tuy nhiên, mức án này vẫn bị dân chúng kịch kiệt phản đối. Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của người Việt Nam, Toàn quyền Đông Dương A.Varrenne đã phải ân xá cho Phan Bội Châu và đưa cụ về giam lỏng ở Huế. Vụ án này cho thấy sức mạnh đấu tranh của quần chúng nhân dân có thể làm thay đổi kết quả vụ án. Tiếp đến là vụ xử những người Việt Nam tham gia tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng năm 1930. Tòa án Hà Nội còn phải xử thêm nhiều vụ án chống Pháp của các đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.   

Những vụ án liên quan đến người Tây ở Hà Đông thuộc quyền thẩm phán của Tòa án Hà Nội. Công sứ Hà Đông chỉ có quyền xét phạt vi cảnh. Những vụ án liên quan đến người Việt Nam tùy theo loại tội mà xét xử ở Tòa sơ cấp, đệ nhị cấp và đệ tam cấp. Ở mỗi phủ, huyện đều có một tòa án sơ cấp do quan phủ, huyện kiêm chức thẩm phán. Thẩm phán ở tòa sơ cấp có quyền xét xử những tội vi cảnh, còn những tội khác phải tham vấn và tuân theo mệnh lệnh của quan trên; chung thẩm những vụ dân sự và thương mại, nhưng với số tiền không quá 30 đồng. Mỗi tuần lễ phải mở ít nhất hai phiên tòa. Quan huyện có thể mở những vụ xét xử ở ngoài nha huyện. Tòa đệ nhị cấp đặt ở tỉnh lị. Công sứ kiêm chức Chánh án. Tuy nhiên, Phó Công sứ thường đảm nhiệm chức này. Tòa đệ nhị cấp xét xử những vụ kháng cáo các bản án mà tòa sơ cấp đã xử, chung thẩm những vụ dân sự và thương mại với số tiền không quá 100 đồng. Tòa đệ tam cấp thuộc phòng thứ hai của Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Phòng này do một quan cố vấn Tòa Thượng thẩm người Tây làm Chủ tọa và hai quan người Việt Nam làm bồi thẩm. Tòa đệ tam cấp xét xử những vụ kháng cáo các bản án của tòa đệ nhị cấp, những việc xin tiêu án của tòa đệ nhị cấp. Người Việt Nam quen dần với những thể lệ của tòa án mới. Các vụ án ngày càng tăng lên. Năm 1919 ở tỉnh Hà Đông có 368 án văn, thì đến năm 1924 là 784 án văn.

Qua đây chúng  ta thấy thủ đoạn tinh vi  những phán quyết mang tính ép buộc của chúng. Tuy nhiên vớ truyền thống yêu nước đấu tranh nhân dân ta một long nhất tề quyết tấm đứng lên đấu tranh chống lại những phán quyết, những yêu sách của chúng.

                                                                                                               Lê Sơn

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá