Tiếng Hà Nội có đặc trưng như thế nào? Người Hà Nội ăn nói ra sao? Đó cũng chính là những vấn đề mà cố PGS.TS. Nguyễn Kim Thản đặt ra và lý giải trong công trình “Lời ăn tiếng nói của người Hà Nội”.
Là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, trong cuốn sách nhỏ này tác giả Nguyễn Kim Thản đã vận dụng những nền tảng lý thuyết ngôn ngữ kết hợp với việc khảo sát sự biến đổi của lời nói qua cuộc sống sinh hoạt đời thường dưới ảnh hưởng của những yếu tố lịch sử, địa lý để chỉ ra những đặc trưng cơ bản của tiếng Hà Nội: đó là “kết quả hội tụ của những gì chung nhất, tinh hoa nhất của tiếng nói các vùng”; “là tiếng phổ thông của dân tộc suốt nhiều thời đại”.
Quan trọng hơn, điều tác giả nhấn mạnh không chỉ đơn thuần ở hình thức tiếng nói - thứ âm thanh phát ra để giao tiếp mà qua cách thức sử dụng phương tiện ngôn ngữ có thể khẳng định nét bản sắc văn hóa đặc trưng của người Hà Nội: sự thanh tao, lịch thiệp trong ứng xử, đối đãi, giao tiếp.
Mặc dù được chắp bút từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cuốn sách còn đặt ra vấn đề mang tính thời sự - là thực trạng của việc “nói năng” và sự cần thiết phải trau dồi để lời nói có tính văn hóa, đúng chuẩn mực ngôn ngữ dân tộc. Điều đó có ý nghĩa không chỉ riêng đối với tiếng Hà Nội mà còn đối với tiếng nói của mọi vùng đất nước, đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi yêu cầu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đang được đặt ra cấp thiết trước những ảnh hưởng của tiến trình hội nhập văn hóa.
Với ý nghĩa ấy, dù đã được xuất bản nhiều lần, cuốn sách “Lời ăn tiếng nói của người Hà Nội” ra mắt thêm một lần mới trong khuôn khổ Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II chắc chắn sẽ được bạn đọc xa gần đón nhận.
Diên An