Quá trình tiến xuống khai phá các vùng đất cao của khu vực Đông Anh và Ba Vì của cư dân Văn hóa Sơn Vi như thế nào?
Trên địa bàn Hà Nội, dấu tích văn hóa Sơn Vi từng phát hiện ở khu vực Cổ Loa (huyện Đông Anh) và các di tích Cổ Đô, Thái Hòa, Vạn Thắng, Xóm Liên (huyện Ba Vì) được tác giả Phan Phương Thảo thể hiện khá rõ ở “Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội” (phần bổ sung) thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản ấn hành.
Năm 1972 - 1973, trong khi người dân đào huyệt mộ đã phát hiện một số công cụ cuội tại khu vực Đường Cả (còn gọi là Đường Cấm Xứ) ở phía đông thành Cổ Loa (xã Cổ Loa, Đông Anh). Năm 1983, các nhà khảo cổ học tiến hành điều tra, khảo sát phát hiện thêm nhiều viên đá cuội gia công, một số viên cuội mỏng có vết gia công ghè đẽo của con người… trên những thềm gò sót trong khu Đầm Cả, Đường Bụt, Đường Rìu, Xóm Cưu… Cho đến nay, trên đất Cổ Loa đã thu lượm được khoảng 20 hòn cuội có vết gia công ghè đẽo, tập trung nhiều hơn cả ở khu vực gò sót Xóm Cưu. Trong số đó có hai hiện vật thu lượm được ở gò sót xứ Đường Cấm trong khu Đầm Cả, về kỹ thuật chế tác cũng như kiểu dáng khá gần gũi với công cụ văn hoá Sơn Vi được phát hiện nhiều trên vùng đồi gò Phú Thọ.
Năm 1972, đã phát hiện nhiều công cụ đá văn hóa đá cũ Sơn Vi tại mặt đồi gò cao 12 - 13m thuộc khu vực xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, đây là khu vực thềm cổ sông Hồng, cách sông Hồng khoảng 1 km về phía Nam. Cuộc điều tra năm 1982 của các nhà khảo cổ học tiếp tục phát hiện công cụ cuội tại các di tích Cố Đô, Thái Hòa, Xóm Liên… Hai sưu tập di vật này gồm 76 tiêu bản, với các loại hình công cụ rìa dọc, công cụ rìa ngang, công cụ hai rìa lưỡi, công cụ rìa xung quanh, công cụ ghè hết một mặt, công cụ mảnh tước, công cụ phần tư viên cuội, công cụ không định hình, hạch đá, chày và mảnh tước… Những công cụ văn hoá Sơn Vi phát hiện ở Cổ Loa và Ba Vì có trình độ chế tác tương đương với văn hoá Sơn Vi trên các gò đồi Phú Thọ, điều đó cho thấy cư dân văn hoá Sơn Vi là lớp người khai sơn phá thạch mở lối đắp đường tiến xuống khai phá các vùng đất cao của khu vực Hà Nội vào khoảng 20.000 năm cách ngày nay.
Lê Sơn