Năm 1279, nhà Nguyên thay triều Tống cai trị Trung Quốc. Triều đình Nguyên gấp rút chuẩn bị một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn hướng vào Đại Việt. Lần này, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt (Khubilai) huy động khoảng 500.000 quân, giao cho con trai là Trấn Nam vương Thoát Hoan và tướng A Lí Hải Nha (Arickhaya) nắm quyền chỉ huy.
Cuối năm 1284, quân Nguyên theo hai hướng từ Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) tiến xuống. Từ phía Nam, mấy vạn quân do Toa Đô chỉ huy từ biên giới Đại Việt - Chămpa cũng được lệnh tiến ra. Các cánh quân tạo thành thế “gọng kìm”, gắt gao tấn công Đại Việt.
Quân dân nhà Trần tổ chức đánh giặc ngay từ vùng biên giới. Thế giặc rất mạnh, quân Đại Việt bị tổn thất, phải vừa chặn đánh vừa rút lui để bảo toàn lực lượng. Trần Quốc Tuất đưa quân rút lui về Vạn Kiếp (Hải Dương), sau lại rút về Thăng Long, lập phòng tuyến chống giặc ở bờ nam sông Hồng. Trong khi chiến sự diễn ra ác liệt ở hai bên bờ sông Hồng, nhà Trần quyết định chủ động rời bỏ kinh thành Thăng Long, tiếp tục kế sách “thanh dã” như trong cuộc kháng chiến trước đó. Triều đình rút lui an toàn về Thiên Trường (Nam Định) và Trường Yên (Ninh Bình), củng cố lực lượng, chuẩn bị phản công.
Cuối tháng 5-1285, đạo quân của Trần Quang Khải tiến ngược sông Hồng đánh vào hai cứ điểm quan trọng của địch là Tây Kết và Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên). Trong các trận này, Chiêu Thành vương (không rõ tên), tướng quân Nguyễn Khoái và Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản chỉ huy cánh quân đánh Tây Kết, còn Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật chỉ huy quân đánh vào Hàm Tử. Đồng thời, Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn và các tướng lĩnh khác chỉ huy lực lượng tiến đánh căn cứ Chương Dương của địch. Phối hợp đánh trận Chương Dương còn có các đạo dân binh do Trần Thông và anh em Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền chỉ huy. Đồn Chương Dương thất thủ, tàn quân Nguyên phải rút chạy về Thăng Long.
Sau các chiến thắng Tây Kết, Hàm Tử, nhất là Chương Dương, quân dân Đại Việt tiến lên bao vây Thăng Long. Địch ra sức cố thủ nhưng không thành, phải liều chết phá vây, vượt sông Hồng sang Gia Lâm tháo chạy về nước. Trên đường rút lui, quân giặc còn bị quân dân ta mai phục, chặn đánh ở sông Như Nguyệt, Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương). Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên lần thứ hai quân dân ta giành thắng lợi hoàn toàn.
Bến Chương Dương (Chương Dương độ) trở thành một địa danh lịch sử nổi tiếng, nay thuộc xã Chương Dương, huyện Thường Tín.
Lê Sơn