Sự biến đổi về nghề nghiệp, lao động và hoạt động kinh tế của gia đình ở Hà Nội trong quá trình Đổi mới như thế nào?
Trước đây, trong thời kỳ bao cấp, hoạt động kinh tế của các gia đình ở Hà Nội đã bị thu hẹp đáng kể so với các hoạt động kinh tế của tập thể và nhà nước. Vào thời điểm đó, trong điều kiện chưa có một nền sản xuất lớn, mức độ công nghiệp hoá và đô thị hoá chưa cao thì đây là một trở lực đối với sự phát triển kinh tế chung.
Chính vì vậy, trong thời kỳ Đổi mới, khi chính sách Nhà nước chú ý tới việc nâng cao vị thế kinh tế của gia đình, coi gia đình như một đơn vị tham gia vào hoạt động kinh tế đã tạo ra những biến đổi to lớn trong việc thực hiện các chức năng của gia đình, đặc biệt là chức năng kinh tế. Nó tạo cơ sở để tận dụng mọi nguồn lực về vật chất và lao động của xã hội cho gia đình phát triển. Nguồn nhân lực trong gia đình trên thực tế cũng trở thành một sức mạnh vật chất, một nguồn vốn về con người không chỉ đối với gia đình và mà cả xã hội.
Hiện nay, số lượng người lao động hoạt động trong khu vực kinh tế gia đình chiếm khoảng 70% lao động xã hội. Lao động dịch vụ, buôn bán, lao động thủ công, lao động nông nghiệptrong khu vực kinh tế gia đình đã không chỉ đáp ứng được những nhu cầu tiêu dùng của chính gia đình mà còn góp phần tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế ở Hà Nội.
Sự gia tăng của những hoạt động kinh tế gia đình là bước đầu tiên, cơ bản và đột phá trên con đường xây dựng một nền kinh tế chung, phát triển cao sau này. Rõ ràng là sức mạnh của kinh tế gia đình sẽ còn được tiếp tục phát huy trong rất nhiều năm nữa, song hành cùng với những ưu thế của công nghiệp hoá và hiện đại hóa.
Mặc dù còn rất nhiều hạn chế, trở ngại như sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, một số vùng ngọai ô còn mang nặng tính tự cấp tự túc, nhưng kinh tế gia đình vẫn có những ưu thế tất yếu của nó nếu chúng ta biết phát huy sức mạnh của nó.
Từ sau Đổi mới, Hà Nội còn là nơi tiếp nhận số lượng lớn người nhập cư do nguyên nhân kinh tế. Họ hầu hết ở tất cả các tỉnh phía Bắc. Người nhập cư phần lớn lao động trong vùng kinh tế phi chính thức là vùng ít chịu sự quản lý của Nhà nước, lao động bấp bênh, kiếm ăn từng bữa. Chức năng kinh tế của các gia đình này gặp nhiều khó khăn hơn các gia đình ổn định của Hà Nội.
Theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009, trong thời gian từ 2004 - 2009 có 6,6 triệu người di cư, nhiều hơn so với con số 4,49 triệu từ Tổng điều tra dân số năm 1999. Số liệu phụ nữ di cư cũng gia tăng đáng kể, chiếm khoảng 1/2 và đa phần là phụ nữ trẻ. Theo báo cáo của tổ chức Action Aid trong nghiên cứu về phụ nữ di cư tại 3 tỉnh lớn: Hà Nội, Hải Phòng và Hồ Chí Minh thì số phụ nữ lao động di cư có độ tuổi từ 15 đến 29 chiếm hơn 60%; 1/3 phụ nữ di cư lần đầu tiên khi còn ở độ tuổi 15-19. Mặc dù vậy, tỉ lệ phụ nữ lao động di cư đã có gia đình chiếm hơn một nửa cho nên có đến 62% phụ nữ lao động di cư đã có con cái và khoảng 40% đang sống cùng với con cái của họ tại điểm đến. (Action Aid 2010)
Điều đáng lưu ý là trình độ học vấn và trình độ chuyên môn của của người di cư còn rất thấp. Họ hầu như chưa được qua đào tạo tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, có một số nhỏ qua bậc đào tạo trung cấp chỉ chiếm dưới 10%, số còn lại mới tốt nghiệp phổ thông. Công việc mà họ thường làm là những công việc chân tay, giản đơn. Đó có thể là phu hồ, xe ôm, bán hàng rong, giúp việc nhà, làm thuê, rửa bát… Họ được đánh giá là nguồn nhân lực chất lượng thấp của Hà Nội.
Qua đây chúng ta có thể thấy được rằng dù ở thời kỳ lịch sử nào thì lao động, nghề nghiệp hay các hoạt động kinh tế gia đình vẫn luôn là một vấn đề đáng quan tâm của xã hội. trình độ lao động cao cuộc sống cũng như mức thu nhập đem lại càng cao. Để làm được điều này thì đòi hỏi mỗi gia đình phải luôn là một mắt xích quan trọng để nâng cao trình độ lao động của toàn xã hội.
Kim Sơn