Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Đôi nét về sự biến đổi về lối sống của gia đình Hà Nội
Thứ ba, 10/12/2019 10:07

Ở Hà Nội, chính những thay đổi về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra nhanh chóng, thường xuyên và trên một phạm vi rộng, đã khiến cho nhiều gia đình cảm thấy lúng túng trong việc tổ chức thực hiện các chức năng gia đình. Nó làm xuất hiện những nhu cầu được hỗ trợ, tư vấn và giúp đỡ đối với nhiều gia đình. Thấy được sự quan trọng của vấn đề này GS.TS Lê Thị Quý là người có kinh nghiệm nghiên cứu về vấn đề gia đình đã đề cập đến. Để có thể hiểu sâu sắc về sự biến đổi về lối sống cảu gia đình Hà Nội mời độc giả tìm đọc cuốn “Gia đinh Thăng Long - Hà Nội” thuộc Dự án Tủ sách ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.

         Sự biến đổi về quy mô, cơ cấu và chức năng của gia đình cũng dẫn đến những biến đổi trong cách nhìn nhận, đánh giá về gia đình và về giá trị của gia đình đối với cuộc sống của mỗi người. Trên thực tế, sự phát triển của quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đã khiến cho gia đình Việt Nam nói chung và gia đình Hà Nội nói riêng có điều kiện tiếp thu những giá trị văn hoá, nhân văn mới của xã hội hiện đại. Chúng ta là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đã ký kết thực hiện các công ước quốc tế về quyền của phụ nữ và quyền trẻ em bởi lẽ trong các gia đình phương Đông, phụ nữ là người chịu thiệt thòi nhất. Nhiều người gần như quên bản thân mình. Với tư cách là nhóm, phụ nữ đã là người phải phục vụ nhiều nhất và lãng phí sự phát triển của họ với tư cách là cá nhân.

         Giải phóng phụ nữ và trẻ em là một giá trị văn hóa đồng thời cũng là giải phóng xã hội. Trong những năm qua, những kết quả tích cực trên vấn đề này đã làm thay đổi lối sống của gia đình và con người Hà Nội. Người ta đã tôn trọng phụ nữ hơn, đã quan tâm đến trẻ em hơn và tạo nhiều điều kiện tốt để hai nhóm này phát triển.

       Những năm gần đây, người cao tuổi đang trở thành một vấn đề không chỉ trên diễn đàn, văn kiện mà còn trên thực tế. Lối sống “ kính già yêu trẻ “ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã không chỉ diễn ra trong gia đình mà còn trên đường phố, nơi công cộng. Những ứng xử tốt đẹp ngày càng nhiều trong xã hội.

         Tuy nhiên, sự căng thẳng của nhịp sống lao động sinh hoạt trong xã hội hiện đại, gắn liền với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa cũng là một trong những nguyên nhân dẫn gia đình vào vòng xoay của sự bất định. Nhịp sống của các gia đình Hà Nội nhanh hơn trước đây. Người lớn thì luôn phải đối diện với những áp lực của công việc. Trẻ em thì căng thẳng trong học hành, thi cử. Những bức bối trong giao thông, đi lại, không khí bị ô nhiễm, những điều kiện để nghỉ ngơi, sinh hoạt, giải trí còn hạn hẹp, tất cả khiến bộ não của con người bị tổn thương và con người dễ trở nên bẳn gắt, khó chịu.

Trong bối cảnh gia đình có nhiều thay đổi và biến động như trên các chính sách và cơ chế quản lý gia đình của chúng ta mặc dù có những nỗ lực lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ những nhu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, từ những định hướng chiến lược cơ bản đến việc triển khai thực hiện những vấn đề này trên thực tế là không hề đơn giản. Cho đến nay Hà Nội vẫn chưa xây dựng được nhiều chương trình hành động thiết thực và cụ thể để thực hiện từng mục tiêu rõ ràng mà chiến lược gia đình đã vạch ra. Chúng ta cũng chưa hoàn thiện được một cơ chế thống nhất đủ sức mạnh để thu hút sự tham gia của toàn bộ xã hội cho công tác gia đình.

Việc quản lý nhà nước về gia đình ở Hà nội còn nhiều lúng túng. Nhiều vấn đề về nội dung, phương thức, đối tượng của quản lý Nhà nước về gia đình còn chưa được xác định rõ. Chúng ta cũng chưa phân định được rõ ràng vai trò của các tổ chức chính quyền, đoàn thể, cộng đồng và của chính gia đình trong công tác quản lý gia đình, chưa tạo được cơ chế để động viên toàn bộ xã hội vào công tác xây dựng những chuẩn mực văn hoá gia đình mới.

          Việc khuyến khích cân bằng giữa quyền và trách nhiệm vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong mối quan hệ gia đình, nhiều người có thói quen hưởng thụ nhiều hơn người khác và lợi dụng sự hy sinh của người khác. Đây là một sự bất công cần được xóa bỏ. Các học giả thường phân biệt giữa văn hoá tập thể và văn hoá cá nhân. Văn hoá tập thể là cái mà trong đó các mục đích cá nhân là phụ thuộc vào mục đích của nhóm lớn và trách nhiệm của họ đến những người khác được nhấn mạnh trên sự tự do cá nhân. Ngược lại, văn hoá cá nhân là cái mà trong đó  quyền cá nhân, sự tự thực hiện, tự quản và sự xác định cá nhân được giành quyền ưu tiên.(Lê Thị Quý, 2011)

            Những thiên tài, nhân tài của gia đình không phải là những “hiện tượng” kỳ lạ và siêu nhiên mà họ là những con người cụ thể, xuất thân trong các gia đình cụ thể. Ngoài những đóng góp to lớn cho xã hội, họ còn thể hiện tính trách nhiệm rất cao đối với gia đình và cá nhân họ.

         Trong các gia đình Hà Nội, ngày càng xuất hiện nhiều người sống tự lập trước hôn nhân ( bắt đầu từ nam giới sau là phụ nữ). Đó là những người quan tâm tới sự phát triển của cá nhân mình, họ mong muốn có sự nghiệp ổn định rồi mới tiến tới hôn nhân, thậm chí có người chọn lối sống độc thân suốt đời vì không muốn vướng bận gia đình. Nhiều người sống độc thân không phải vì hoàn cảnh mà là sự lực chọn để chối bỏ trách nhiệm với gia đình. Các nghiên cứu còn chỉ rõ, những người lớn lên trong gia đình có cha mẹ ít quan tâm tới cuộc sống gia đình thì sau này đến lượt họ thường là rất ít có trách nhiệm với gia đình.

Các điều khoản về ly hôn cũng tạo điều kiện dễ dàng cho các cặp vợ chồng không bị ức chế về trách nhiệm gia đình. Các cặp vợ chồng trẻ khi lấy nhau thường đề cao cái ”tôi” cá nhân hơn các thế hệ trước. Đây là một vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay khi mà tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng.

        Cần khuyến khích các cặp vợ chồng rằng con đường tiến tới hôn nhân thành công là sự cân bằng của chủ nghĩa cá nhân và trách nhiệm gia đình. Tự do cá nhân không xâm phạm vào quyền cá nhân của người khác. Quyền lợi cá nhân và quyền lợi gia đình cần được tôn trọng, xem xét, cân nhắc và đưa ra giải pháp thích hợp tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Quyền cá nhân phải tuân thủ luật pháp và được luật pháp bảo vệ. Trách nhiệm với gia đình là điều khoản bắt buộc với các thành viên và luật pháp cũng bảo vệ quyền lợi chính đáng của gia đình.

       Sự hình thành những chuẩn mực và định hướng giá trị tốt đẹp của gia đình sẽ không chỉ củng cố các mối quan hệ gia đình mà còn kiến tạo một môi trường xã hội thuận lợi cho mỗi cá nhân được phát triển hài hoà và toàn diện. Về phương diện này, gia đình là cơ sở đầu tiên cho việc tái sản xuất ra con người và xã hội.

                                                                                                                Lê Ngân

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá