Cư dân văn hóa Phùng Nguyên tiến xuống khai phá và định cư ở vùng đồng bằng Hà Nội
Văn hóa Phùng Nguyên là một nền văn hóa tiền sử thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng, cuối thời đại đồ đá mới, cách đây chừng khoảng 4.000 năm cách ngày nay, cùng với sự hình thành vùng châu thổ sông Hồng và sự ra đời của kỹ thuật luyện đúc đồng, bộ phận lớn cộng đồng cư dân cổ từ vùng núi cao và trung du dần dần trượt theo các dòng sông tiến xuống chiếm cứ, khai phá các thung lũng sông suối và vùng đồng bằng hạ châu thổ. Theo đó, con người đã có mặt trên hầu khắp các vùng địa hình, từ rừng núi, trung du đến đồng bằng. Cũng từ đây, các cộng đồng cư dân sinh sống trên đất Hà Nội bước vào thời đại đồng thau.
Sự phát triển của kỹ thuật luyện đúc đồng thau đã tạo điều kiện quan trọng cho kỹ thuật chế tác đá phát triển lên đến đỉnh cao, nhờ đó nông cụ lao động ngày càng hoàn thiện hơn, từ đó đóng góp quan trọng cho nền kinh tế sản xuất nông nghiệp phát triển. Tùy theo từng giai đoạn phát triển khác nhau, với những đặc trưng văn hóa khác nhau, có thể phác dựng nên quá trình phát triển từ sơ kỳ thời đại đồng thau đến hậu kỳ thời đại đồng thau, trải qua ba giai đoạn văn hóa tiêu biểu Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun… phân bố trên một vùng rộng lớn, gồm trung du và một phần đồng bằng Bắc bộ, trong đó bao gồm cả khu vực Hà Nội.
Văn hóa Phùng Nguyên thuộc sơ kỳ thời đại đồng thau, có niên đại 4.000 - 3.500 năm cách ngày nay, gồm 70 di tích phân bố tập trung ở khu vực hợp lưu các con sông lớn: sông Hồng, sông Đà, sông Lô và sông Đáy, tại các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Bắc Ninh. Phần lớn các di tích nằm ở miền trước núi, dưới chân đồi núi đất, ven sông suối ở vùng trung du; một vài địa điểm trên các khu đất cao châu thổ, ven biển.
Theo tư liệu điền dã hiện nay, trên đất Hà Nội đã phát hiện được khoảng 22 di tích văn hoá Phùng Nguyên, trong đó một số lớn di tích đã được khai quật. Di tích phát hiện được nhiều, hiện vật thu lượm được rất phong phú và đa dạng. Đó là các di tích Đồi Đồng Dâu, Đồng Chỗ, Gò Hện (Ba Vì), Đồng Dền (Chương Mỹ), Bá Nội, Kim Ngọc (Đan Phượng), Bãi Mèn, Đồng Vông, Đình Tràng, Tiên Hội, Đình Chiền, Xuân Kiều (Đông Anh), Đàn Xã Tắc (Đống Đa), Chùa Gio, Chùa Lương (Hoài Đức), Gò Ngành (Mê Linh), Phượng Hoàng (Quốc Oai), Ái Mỗ (Sơn Tây), Văn Điển, Gò Cây Táo (Thanh Trì), Ngõa Long (Từ Liêm)… ngoài ra còn có các phát hiện ngẫu nhiên ở Tương Mai (Chương Mỹ).
Tại di tích Đình Tràng (xã Dục Tú, Đông Anh) đã phát hiện mộ táng Phùng Nguyên, người chết được chôn trong hố nông ở lớp đất cái - đáy của di chỉ theo tư thế nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng. Đồ tùy táng gồm có nha chương, rìu đá, vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi và đồ gốm… đôi khi còn tìm thấy xương hàm lợn trong mộ.
Người Phùng Nguyên thường sử dụng công cụ sản xuất và đồ trang sức làm từ đá basalt và các loại đá nephrite quý hiếm, độ rắn cao, màu sắc đẹp như trắng, nâu, đỏ, lam, nâu đen, vàng gan gà…
Mặc dù chưa tìm thấy di vật đồng thau định hình, song sự xuất hiện những cục đồng nhỏ, gỉ đồng và xỉ đồng trong một số di chỉ cho thấy cư dân Phùng Nguyên đã biết đến nghề luyện đồng, như những chứng cứ mới về đúc đồng trong tầng văn hoá di tích Đồi Đồng Dâu (Hà Nội).
Tại di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên cũng đã phát hiện được hơn 10 vạn mảnh gốm và đồ gốm nguyên vẹn của nồi, bình, bát, vật hình nuôi, dọi xe sợi, bi gốm, chạc gốm. Các hiện vật gốm bao gồm khoảng 200 vật dụng còn nguyên vẹn và nhiều mảnh vỡ, phần lớn là các dụng cụ sinh hoạt. Đồ gốm hầu hết thuộc vào loại gốm đất sét có chất liệu rất mịn, không pha cát, thành gốm mỏng, ngoài phủ một lớp áo gốm đen gần như miết bóng. Kỹ thuật tạo chất liệu này hầu như không thấy trong các văn hóa trước và sau Phùng Nguyên.
Như vậy, đến đầu thời đại đồng thau, các cộng đồng cư dân Phùng Nguyên đã bắt đầu tràn xuống, khai phá và chiếm cư các vùng đồng bằng thấp xung quanh Hà Nội. Với nền tảng kinh tế nông nghiệp, người Phùng Nguyên đã sinh tụ thành các làng định cư và mở rộng mối quan hệ giao lưu với các cộng đồng cư dân khác trong khu vực.
Lê Ngân