Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tìm hiểu một số lễ hội tiêu biểu xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội
Thứ ba, 10/12/2019 10:07

Sống trên đất nước Việt Nam giàu truyền thống văn hóa với một bề dày lịch sử truyền thống uống nước nhớ nguồn ăn quả nhớ kẻ trồng cây luôn là một phương châm sống.  Truyền thống đó, văn hóa đó thể hiện rõ ở một làng, một thôn ở Việt Nam hầu như đều có cây đa, giếng nước sân đình. Những ngôi đình được xây dựng nhằm thờ các vị thành hoàng làng có công với các làng đó. Không nằm ngoài nét đẹp đó, những ngôi đình của xã Cổ Bi vẫn hiên ngang, gắn với mỗi ngôi đình là những lễ hội diễn ra hàng năm để người dân xã Cổ Bi tưởng nhớ những vị thánh hoàng làng. Để lưu giữ lại những truyền thống đó PGS.TS Vũ Văn Quân cùng cộng sự đã điều tra sưu tầm tài liệu biên soạn cuốn “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội tập 9 quận Long Biên - huyện Gia Lâm - huyện Mê Linh” thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.

 Lễ hội đình thôn Cam

Là loại hình lễ hội dân gian, tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 2 âm lịch tại xã Cổ Bi, huyện Gai Lâm, thành phố Hà Nội do cấp xã tổ chức, cấp huyện quản lý để tưởng nhớ Ả Là là nữ tướng thời Hai Bà Trưng và Chiêu Dương thái tử thời Lý.

Đình thờ hai vị thành hoàng làng là Ả Lã - một nữ tướng giỏi thời Hai Bà Trưng, đã âm phù cho các triều đại sau này dẹp loạn và thắng giặc ngoại xâm và Chiêu Dương thái tử thời Lý có công đánh đuổi giặc Xiêm xâm lược, được vua ban cho trang Cổ Bi làm thực ấp.

Cả ba làng trong xã Cổ Bi kết chạ với nhau nên khi có hội ở làng Cam, làng Vàng và làng Hội cũng tham dự.

Vào ngày lễ hội, dân làng tập trung ở đình từ sáng sớm. Sau khi các cụ vào đình làm lễ thánh dâng phẩm vật thì hội rước bắt đầu. Đi đầu đoàn rước là đội múa sư tử và cờ thần ngũ sắc, đến đoàn các bà vãi với cờ phướn nhà Phật, rồi đoàn rước long đình, bát bửu và đoàn bát âm. Đi sau là một ngựa gỗ có bánh xe. Tiếp đến là kiệu bát cống với cờ quạt, tàn lọng rực rỡ, theo sau là các cụ trong ban tế cùng các quan tổng cờ. Sau cùng là đoàn dâng hương, đoàn các cụ bà, thanh niên, phụ nữ và khách thập phương. Đoàn rước đi từ đình qua cổng phía đông làng, rồi tiến dần ra đê sông Đuống. Đoàn rước kiệu đi đến bờ sông thì dừng kiệu để quan chủ tế làm lễ, rồi cử người mang chóe xuống đò chèo ra giữa sông lấy nước. Lấy nước xong, đám rước lại khởi kiệu về đình làng Cam theo cổng phía tây. Theo tục lệ của làng, khi đọc văn tế đến tên thành hoàng thì quan chủ tế phải đọc nhỏ và đánh trống lấp. Sau phần tế, rước là đến phần hội.

Phần hội: Biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian như chọi gà, chơi đu, đấu vật.

 Lễ hội đình thôn Hội

La loại hình lễ hội dân gian, tổ chức ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Lễ hội do cấp xã tổ chức và cấp huyện quản lý.

Lễ hội được tổ chức để tưởng niệm: Cao Biền, Ả Lã Nàng Đê.

Phần lễ: Tế, rước.

Phần hội: Biểu diễn văn nghệ.

Cổ tục: Chọi gà, đu.

Lễ hội đình thôn Vàng

Là loại hình lễ hội dân gian, tổ chức vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội do cấp xã tổ chức, cấp huyện quản lý để tưởng nhớ Đô Hồ đại vương.

Đình thờ thiên thần Đô Hồ - một linh thần trấn giữ vùng này đã có công phù trợ cho các triều đại từ thời Hai Bà Trưng cho đến sau này dựng nước và giữ nước được dân địa phương thờ làm thành hoàng làng.

Vào ngày hội từ sáng sớm, sau khi các cụ trong ban tế vào đình lễ thánh, dân làng tiến hành lễ rước nước. Đoàn rước khởi kiệu từ đình, theo đường làng men theo con đê sông Thiên Đức lên Cầu Đuống. Đi đầu đoàn rước là đội cờ thần, cờ lệnh, cờ phướn nhà Phật, rồi đến đoàn bát âm. Tiếp theo là kiệu long đình trên bày đồ tế lễ, rồi đến dàn bát bửu và một con ngựa gỗ có bánh xe cùng tán vàng lọng tía đi kèm. Đi sau ngựa gỗ là kiệu bát cống, trên bày chóe nước. Sau cùng là các vị bô lão và dân làng cùng khách thập phương. Đoàn rước đến gần cầu Đuống thì dừng kiệu để quan chủ tế cúng thổ công, hà bá, rồi đưa chóe nước xuống thuyền ra sông lấy nước. Lấy nước vào chóe xong, rước nước lên bờ, khởi kiệu lại rước về đình.

Phần hội: Trên ao đình có hát quan họ, các trò chơi dân gian như chọi gà, đánh đu, đấu vật, thi nấu cơm.

Dù xã hội có phát triển như thế nào thì truyền thống tổ chức lễ hội vẫn diễn ra một cách đều đặn để mọi người dân tìm về cội nguồn, tìm về với những giá trị tâm linh đẹp đẽ đáng lưu giữ là bài học cho các thế hệ mai sau cho những người con mảnh đất Cổ Bi.

                                                                                                             Lê Sơn

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá