Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tìm hiểu đôi nét về di tích nhà tù, nhà rượu Gia Lâm
Thứ ba, 10/12/2019 10:13

Đất nước đổi thay, xã hội phát triển nhiều mặt kinh tế, xã hội văn hóa,… tuy nhiên đi đôi với nó là nhiều hệ lụy về ô nhiễm, văn hóa xuống cấp… Đòi hỏi mỗi người dân luôn tăng cường hơn nữa ý thức xây dựng một xã hội xanh sạch đẹp. Bên cạnh đó cũng luôn phải quan tâm đến bảo tồn văn hóa của đất nước, dân tộc và địa phương. Để góp phần vào việc lưu giữ và bảo tồn đó PGS.TS Vũ Văn Quân cùng cộng sự đã thu thập tài liệu để biên soạn cuốn Hồ sơ tư liệu Thăng Long - Hà Nội tập 9 về quận Long Biên- huyện Gia Lâm - huyện Mê Linh trong đó tác giả có đi sâu nghiên cứu di tích nhà tù, nhà rượu Gia Lâm. Cuốn sách thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.

 Địa chỉ: Tổ 5, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Nhà tù Nhà rượu Gia Lâm đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ra Quyết định số 330-QĐ/UB ngày 15-1-2004 về việc gắn biển di tích cách mạng kháng chiến của Thủ đô Hà Nội.

Sở dĩ gọi là “Nhà tù Nhà rượu Gia Lâm”, vì trước đó nơi này là xưởng rượu tư nhân, từ cuối năm 1947 đến năm 1954 đã bị thực dân Pháp lấy làm nơi giam cầm hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Đông.

Nhà tù, nhà rượu Gia Lâm nằm trong khu vực tập trung lực lượng rất lớn của thực dân Pháp để bảo vệ trục giao thông đường số 5, cầu Long Biên - một cửa ngõ ra vào Hà Nội và sân bay Gia Lâm. Trong thời gian này, thực dân Pháp có những lần đổi tên trại giam: năm 1949 gọi là trại tù binh số 44, năm 1950 gọi là Trại tù binh số 21.

Trước năm 1950, số tù binh ở Nhà tù Nhà rượu có khoảng 1.000 người, vào dịp Tết Nguyên đán năm Tân Mão (1951) tăng lên 2.000 người và có lúc lên tới 3.000 người, nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã phải hy sinh, nhưng ý chí cách mạng và tinh thần yêu nước không hề khuất phục. Trải qua hơn 1/2 thế kỷ, những ký ức đầy oanh liệt ấy vẫn sống mãi trong lòng đất và người dân Ngọc Lâm, đặc biệt là những cựu chiến binh từng chiến đấu nơi đây. Truyền thống anh hùng đó xứng đáng có một công trình để lưu lại những dấu ấn, giáo dục cho thế hệ mai sau, là tâm nguyện của Ban liên lạc những người kháng chiến, của các đồng chí lão thành cách mạng, đồng thời cũng là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân phường Ngọc Lâm.

Tháng 4 năm 1950, Chi bộ đầu tiên của Nhà tù Nhà rượu được thành lập do đồng chí Đắc làm Bí thư, đồng chí Hải và đồng chí Học là Chi uỷ viên. Chi bộ đã đề ra các chủ trương, kế hoạch, biện pháp lãnh đạo anh chị em đoàn kết đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc của giặc, đòi bảo vệ nhân phẩm, cải thiện đời sống, chống đánh đập dã man tù nhân.

Chi bộ Nhà tù, nhà rượu Gia Lâm đã đoàn kết được đông đảo các đảng viên, quần chúng tốt làm nòng cốt trong các cuộc đấu tranh và đã thu được nhiều thắng lợi trong việc chấn chỉnh được một hệ thống tổ chức từ trại trưởng, trại phó, thư ký trại giam, thường trực ở các cổng, trưởng các buồng giam, trưởng các kíp đi làm ở ngoài trại và các tổ phục vụ trong trại đều do các đảng viên và quần chúng tốt nắm giữ; biến nhà tù của giặc thành một đơn vị tự quản của ta, tổ chức kỷ niệm một số ngày lễ lớn; tập hợp lực lượng giáo dục, động viên tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu; đã khai thông được liên lạc với tổ chức Đảng ở Hà Nội để báo cáo tình hình và tiếp nhận các chỉ thị; buộc địch và bọn nhà thầu không được bớt xén tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm; lập được kho bí mật dự trữ lương thực, thực phẩm để tăng thêm tiêu chuẩn bữa ăn hàng ngày và dự phòng cho các cuộc đấu tranh tuyệt thực.

Ngày hoà bình lập lại (10-10-1954), Nhà tù Nhà rượu Gia Lâm không dùng làm nơi giam giữ. Nhà nước đã giao khu Nhà rượu này cho Xí nghiệp kinh doanh kho vận thuộc Công ty Vật liệu điện, dụng cụ cơ khí Bộ Thương mại. Công ty này đã cho dỡ bỏ các dãy nhà giam để làm nhà kho và xưởng sản xuất của xí nghiệp.

Đây là công trình mang nhiều ý nghĩa, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, đấu tranh quả cảm của lớp người đi trước. Công trình được xây dựng đã thể hiện tình cảm đạo lý uống nước nhớ nguồn của thế hệ hôm nay, sự tri ân của các tầng lớp nhân dân Ngọc Lâm và nhân dân các khu vực khác của mảnh đất quê hương giàu truyền thống cách mạng.

Việc phát huy giá trị của Di tích nhất định sẽ góp phần rất quan trọng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, thanh niên, thiếu nhi hôm nay và các thế hệ mai sau lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống cách mạng, lịch sử dân tộc, về Đảng ta, biết ơn công lao và sự hy sinh vô bờ bến của các bậc tiền nhân, của nhân dân ta.

Tuy nhiên do thời gian, các hạng mục công trình trong khu di tích đã xuống cấp, tiếp tục phải được giữ gìn những giá trị lịch sử quan trọng này. Đòi hỏi mỗi người dân địa phương phải nâng cao ý thức cùng chính quyền chung tay bảo vệ các di tích.

                                                                                                             Kim Sơn

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá