Đình Ngọc Lâm (đình Cầu Cá)
Địa chỉ: đình Ngọc Lâm Đình Ngọc Lâm thờ Linh Lang đại vương, vốn là Hoàng tử con vua Lý Thánh Tông, có công đánh giặc giúp nước.
Đình quay hướng tây, liền kề với chùa Ngọc Lâm. Đình Ngọc Lâm là một di tích có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Đến nay, tuy chưa có sử liệu khẳng định niên đại khởi dựng, nhưng qua những tư liệu lưu tại đình thì vào thời Lê Sơ (khoảng thế kỷ XV), đình Ngọc Lâm cùng với các di tích như đền Chầu, chùa Bồ Đề và ngôi chùa cùng tên đã ra đời. Do những biến đổi của lịch sử và chiến tranh tàn phá, dáng dấp ngôi đình cổ tuy không còn nhưng qua cấu trúc mặt bằng, không gian thì trước đây ngôi đình có quy mô bề thế. Ngôi đình hiện nay là thành quả của nhân dân địa phương tạo dựng lại vào năm 1993, trên nền Hậu cung của ngôi đình cổ.
Hiện nay, đình chia làm 3 gian, phía trước mở 3 cửa ra vào, kết.cấu của đình dạng đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, nền nhà lát gạch men. Các bộ vì kèo đớ mái có kết cấu đơn giản theo kiểu “vì kèo quá giang cột trốn”.
Chùa Ngọc Lâm (Linh Quang tự)
Chùa Ngọc Lâm được khởi dựng sớm trong quy hoạch chung về kiến trúc tôn giáo của làng. Trải qua quá trình hưng thịnh rồi binh lửa, chùa Ngọc Lâm bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1969, nhà chùa cùng với nhân dân địa phương xây dựng lại một ngôi chùa nhỏ, hẹp để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Năm 1992 chùa được trùng tu tôn tạo và tồn tại đến ngày nay. Năm 1994, nhân dân trong làng đã tiến hành xây dựng lại Nhà Mẫu, Nhà Tổ, nhà khách của chùa.
Chùa Ngọc Lâm được xây dựng trong một khuôn viên rộng có nhiều cây xanh, bao gồm cả đình làng với lối kiến trúc “tiền Thần hậu Phật”. Chùa chính được dựng theo kiến trúc kiểu chữ “đinh” bao gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường là l nếp nhà 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, phía trước xây 2 trụ biểu vuông, thân trụ ghi câu đối, đỉnh trụ đắp lồng đèn, mái chùa lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, giữa bờ nóc đắp Rồng chầu, phía trước đặt một biển đắp nổi 3 đại tự: “Linh Quang tự”. Tiền đường có 6 bộ vì gỗ, làm theo kiểu “thượng rường giá chiêng hạ kẻ”, mỗi bộ vì có 6 hàng chân cột gỗ đỡ khung. Thượng điện là l nếp nhà 3 gian chạy dọc về phía sau thành hình chữ đinh, lợp ngói ta, nền lát gạch men hoa. Phía sau chùa còn có Nhà Tổ, Nhà Mẫu. Nhà Tổ, Nhà Mẫu gồm 5 gian rộng, xây thành 4 nếp, nếp ngoài làm Nhà Tổ, nếp trong làm Nhà Mẫu, phía trước Nhà Tổ là hệ thống cửa bức bàn, phía sau thông với Nhà Mẫu.
Chùa Ngọc Lâm thờ Phật, cách bài trí tượng thờ trong chùa: Trên cùng là bộ tượng Tam thế thường trụ diệu pháp thân, đặc trưng cho sự tồn tại của Phật trên trục thời gian. Lớp thứ hai là tượng Di Đà tam tôn, hai bên là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Trí. Lớp thứ ba là tượng Thích Ca, hai bên là tượng Thị giả. Lớp thứ tư là bộ tượng Cửu Long Thích Ca sơ sinh và Quan Âm tống tử.
Tại tòa Tiền đường, gian bên phải nơi tọa lạc tượng Đức Thánh Hiền, bên trái là tượng Đức Ông, bên cạnh là hai pho tượng Khuyến Thiện, Trừng Ác. Ngoài kiến trúc trên, chùa còn có một số công trình khác như nhà khách, nhà ăn, nhà vọng...phục vụ cho việc sinh hoạt, ăn ở tiếp khách.
Đình chùa Ngọc Lâm đã trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư, nơi diễn ra các lễ nghi tín ngưỡng và các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống, nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của con người trong cuộc sống hiện tại, nơi bảo tồn di dưỡng những truyền thống tốt đẹp nhất của văn hóa tín ngưỡng, nét đẹp cổ kính mang dáng dấp lịch sử. Đình chùa Ngọc Lâm là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư, là vốn cổ quý cần được trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị. Đó cũng là một nét đẹp cần lưu giữ cho thế hệ mai sau luôn phải biết tôn trọng những giá trị văn hóa của các thế hệ trước. Chùa là nơi yên bình thanh thản đối lập với ngoài kia là phố thị ồn ào, náo nhiệt.
Lê Sơn