Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Vài nét về địa giới quận Hoàn Kiếm qua các giai đoạn lịch sử của Thăng Long - Hà Nội
Thứ ba, 10/12/2019 10:23

Cuốn sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 2 - Quận Hai Bà Trưng - Quận Hoàn Kiếm - Quận  Hoàng Mai” dày 992 trang, là tập thứ 2 trong bộ sách“Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội”. Đây là bộ sách gồm 10 tập với số lượng trang in gần 20.000 trang do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên, nằm trong cơ cấu đề tài Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, mảng sách Tư liệu - Tổng hợp. Bộ sách giới thiệu tổng quát về vị trí địa lý, lịch sử diên cách, các đặc điểm nổi bật về lịch sử, kinh tế, văn hoá, các di sản văn hoá vật thể - phi vật thể đã và đang tồn tại tại các cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn 30 quận, huyện Hà Nội hiện nay.

Quận Hoàn Kiếm là một trong những quận nội thành của Hà Nội, nằm ở trung tâm Thành phố; phía Đông giáp quận Long Biên, có sông Hồng làm ranh giới; phía Tây giáp quận Ba Đình và quận Đống Đa; phía Nam giáp quận Hai Bà Trưng; phía Bắc giáp quận Ba Đình và quận Long Biên. Khu vực quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội hiện nay vốn là một vùng đất cổ, thuộc quận Giao Chỉ (hoặc An Nam đô hộ phủ) thời Bắc thuộc, thuộc phủ Ứng Thiên thời Lý, thuộc phủ Đông Đô, lộ Đông Đô thời Trần; thuộc huyện Đông Quan thời thuộc Minh. Từ năm 1430, huyện Đông Quan đổi thành Đông Kinh (còn gọi là Trung Đô). Tiếp đó, năm 1469, khu vực xung quanh thành Thănh Long được chia lập thành hai huyện Vĩnh Xương và Quảng Đức, thuộc phủ Phụng Thiên. Từ đây, vùng đất này thuộc huyện Vĩnh Xương, phủ Phụng Thiên.

Từ thời Mạc (1527-1592), huyện Vĩnh Xương đổi thành huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên. Từ đây, vùng đất này thuộc huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên. Năm 1805, phủ Phụng Thiên đổi thành phủ Hoài Đức. Từ đây, vùng đất này thuộc huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, Bắc Thành.

Sau nhiều lần thay đổi về diên cách quận Hoàn Kiếm, đến ngày 10/04/1974, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 78/CP về việc chia các khu phố thuộc thành phố Hà Nội và Hải Phòng ra nhiều khu vực nhỏ gọi là tiểu khu với quy mô 2.000-5.000 nhân khẩu. Tiếp đó, từ ngày 21/12/1974, đơn vị hành chính của thành phố Hà Nội được sắp xếp lại. Theo đó, các khối dân phố được xóa bỏ để thành lập các tiểu khu ở nội thành, trong đó khu phố Ba Đình có 35 tiểu khu, khu phố Đống Đa có 52 tiểu khu, khu phố Hai Bà Trưng có 51 tiểu khu, khu phố Hoàn Kiếm có 46 tiểu khu, còn khu vực ngoại thành có 4 huyện, gồm 102 xã, 3 thị trấn. Từ đây, khu vực quận Hoàn Kiếm hiện nay thuộc về địa giới các tiểu khu thuộc khu phố Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Ngày 13/05/1978, được sự chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm thành lập chính quyền cơ sở 10.000 dân ở 4 tiểu khu, gồm tiểu khu Thụy Khê thuộc khu phố Ba Đình, tiểu khu Kim Liên thuộc khu phố Đống Đa, tiểu khu Bạch Mai thuộc khu phố Hai Bà Trưng và tiểu khu Cửa Nam thuộc khu phố Hoàn Kiếm. Trên cơ sở tổng kết mô hình thí điểm chính quyền ở 4 tiểu khu, sau khi được sự phê chuẩn của Chính phủ, tháng 12/1978, thành phố Hà Nội tiến hành quy hoạch và tổ chức lại tiểu khu có quy mô trên 10.000 dân, theo đó các tiểu khu thuộc 4 khu phố nội thành được sắp xếp lại từ 179 tiểu khu xuống còn 79 tiểu khu, trong đó khu phố Ba Đình có 15 tiểu khu, khu phố Đống Đa có 23 tiểu khu, khu phố Hai Bà Trưng 22 tiểu khu, khu phố Hoàn Kiếm có 18 tiểu khu (Chương Dương Độ, Cửa Đông, Cửa Nam, Đồng Xuân, Hàng Bạc, Hàng Bài, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Gai, Hàng Trống, Lý Thái Tổ, Phan Chu Trinh, Phúc Tân, Tràng Tiền, Trần Hưng Đạo). Đồng thời, ngày 29/12/1978, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI, kỳ họp thứ 4 ra Nghị quyết về việc sáp nhập một số huyện, thị xã, xã và thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình và tỉnh Vĩnh Phú vào thành phố Hà Nội. Tiếp đó, ngày 17/02/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 49-CP về việc điều chỉnh địa giới một số xã, thị trấn thuộc các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Phúc Thọ và Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội. Như vậy, đến năm 1980, tổ chức hành chính của thành phố Hà Nội gồm 4 khu phố nội thành, 1 thị xã Sơn Tây, 11 huyện ngoại thành.

Quyết định số 03/CP ngày 03/01/1981 của Hội đồng Chính phủ quy định ở nội thành, các đơn vị hành chính cấp dưới trực tiếp của thành phố trực thuộc trung ương đều thống nhất gọi là quận; các đơn vị hành chính cơ sở ở nội thành, nội thị của các thành phố thuộc tỉnh, thị xã và quận gọi là phường. Tiếp đó, ngày 10/06/1981, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa VIII, kỳ họp thứ nhất quyết định phân cấp quản lý cho chính quyền cấp Quận và Phường (thay thế Khu phố và Tiểu khu), các tiểu khu có quy mô trên 10.000 dân trở thành cấp cơ sở là phường, ở 4 quận nội thành tổ chức 79 phường, trong đó, quận Hoàn Kiếm gồm 18 phường. Từ đây, khu vực quận Hoàn Kiếm hiện nay thuộc về địa giới các phường : Chương Dương, Cửa Đông, Cửa Nam, Đồng Xuân, Hàng Bạc, Hàng Bài, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Gai, Hàng Trống, Lý Thái Tổ, Phan Chu Trinh, Phúc Tân, Tràng Tiền và Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Hệ thống các địa danh và địa giới hành chính của quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội được duy trì ổn định cho đến nay.

Trên đây là vài nét phác họa về quá trình thay đổi địa giới hành chính của quận Hoàn Kiếm, được giới thiệu trong tập sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 2 - Quận Hai Bà Trưng - Quận Hoàn Kiếm - Quận Hoàng Mai”” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Độc giả và những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về quận Hoàn Kiếm hay tìm hiểu về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến có thể tham khảo tập sách này. Sách được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019.

Trang Thu

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá